Việc Fed quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ, đồng thời phát tín hiệu lãi suất sẽ được nâng lên “từ từ”, sẽ gây sức ép lên tỷ giá, nhất là ở thời điểm cuối năm khi nhu cầu ngoại tệ thanh toán của DN tăng. Một khi tỷ giá chịu sức ép, lãi suất tiền tiết kiệm VND khó tránh được áp lực tăng lên.
Từ giữa tháng 12/2015, lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên thị trường đã “nóng” dần đối với kỳ hạn ngắn và dài khi một số ngân hàng dự đoán được quyết định của Fed. Một số ngân hàng như Eximbank, Sacombank, OCB… đã điều chỉnh bảng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trước khi Fed nâng lãi suất khoảng 2-3 ngày.
Sự cải thiện mạnh mẽ của tín dụng khiến một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,2-0,5%/năm.
Cụ thể, ngày 15/12, Sacombank đã áp dụng biểu lãi suất mới, với mức tăng khoảng 0,2-0,3%/năm so với biểu lãi suất cũ. Tại Eximbank, biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND được điều chỉnh tăng nhẹ ở các kỳ hạn ngắn trong ngày 11/12. Cụ thể, kỳ hạn 1-6 tháng, Eximbank áp dụng mức lãi suất 4,5-5,5%/năm, kỳ hạn 9-12 tháng, lãi suất từ 5,6-6,25/năm. Mức cao nhất 7,5%/năm được áp dụng cho kỳ hạn tiền gửi 13 tháng, nhưng đòi hỏi mức tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên đối với một sổ tiết kiệm mở mới.
Nhìn chung, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại đã có xu hướng tăng lên trong nửa đầu tháng 12/2015, dù chỉ ở mức thấp. Nguyên nhân được một lãnh đạo Eximbank chỉ ra rằng, thị trường dự báo được việc Fed nâng lãi suất sẽ gây sức ép lớn hơn lên tỷ giá, đồng thời, do cầu vốn cuối năm của khách hàng tăng lên nên lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng nhẹ nhằm thu hút tiền nhàn rỗi là khó tránh.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho hay, việc lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhích lên chỉ còn là vấn đề về thời gian. Thông thường cuối năm, sức ép về huy động vốn luôn xuất hiện song song với nhu cầu tín dụng tăng.
Trong 11 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 13,98%, tăng đáng kể so với mức 10% cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự báo, năm 2015, tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 18%.
Sự cải thiện mạnh mẽ của tín dụng khiến một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn ngắn với mức tăng từ 0,2-0,5%/năm.
Việc Fed quyết định nâng lãi suất sẽ gây sức ép với tỷ giá trong nước, nhất là đang vào thời điểm cuối năm, nhu cầu thường tăng cao
Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
So với tín dụng, huy động vốn của nhiều ngân hàng trong hơn 3 quý đầu năm nay tăng trưởng chậm hơn. Cụ thể, MB, Sacombank, ACB, Vietinbank tăng trưởng huy động vốn tính đến cuối tháng 9/2015 lần lượt tăng 4%, 12,8%, 9,5%, 10,5% so với đầu năm 2015. Trong khi đó, dư nợ tín dụng của các nhà băng này tăng khá cao thời gian qua, lần lượt tăng 13%, 13,8%, 12,8% và 13,5%. Điều này đã tạo sức ép lên huy động tiết kiệm để đảm bảo thanh khoản, nhất là trước quyết định tăng lãi suất của Fed.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính-ngân hàng, Trường Đại học Mở TP. HCM cho rằng, cho dù việc Fed tăng lãi suất được dự báo từ trước và đã tính vào giá cả của thị trường, song quyết định của Fed trong cuộc họp lần này vẫn sẽ có tác động nhất định đến thị trường, trong đó có tỷ giá, vàng, chứng khoán và lãi suất VND. Theo một số nhận định, khả năng tỷ giá sẽ có điều chỉnh trong đầu năm 2016 và cuối tháng 12/2015, lãi suất tiết kiệm VND khó có thể đứng yên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, trước mắt lãi suất tiết kiệm khó biến động mạnh mà chỉ nhích nhẹ. Bởi lạm phát năm 2015 được kiểm soát ở mức thấp. Mặt khác, thanh khoản của ngân hàng hiện đã ổn định hơn trước. Các ngân hàng thương mại nhỏ không còn chạy đua cạnh tranh lãi suất không lành mạnh.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, ngân hàng, xu hướng dịch chuyển tiết kiệm qua các kênh đầu tư khác, nhất thị trường bất động sản được dự báo là khó tránh. Ngoài ra, với xu hướng tỷ giá trên thị trường nhích lên, lãi suất tiết kiệm khó có thể giữ nguyên.
Bên cạnh đó, dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD đã được NHNN đưa về mức bằng 0%/năm đối với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng cho cá nhân, tiết kiệm ngoại tệ vẫn tăng trong 11 tháng đầu năm nay. Cụ thể, vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM theo báo cáo của UBND TP. HCM đến cuối tháng 11/2015 đạt 235,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% tổng vốn huy động, tăng 11,05% so với cuối 2014.
Trước những áp lực trên, theo các chuyên gia tài chính-tiền tệ, khả năng lãi suất sẽ chịu sức ép lớn hơn trong năm 2016. Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 12/2015 của Ngân hàng HSBC cho rằng, tăng trưởng tín dụng vẫn theo đúng kế hoach đạt mức tăng 17% trong năm nay nhưng đòi hỏi NHNN phải tăng lãi suất kịp thời trong năm 2016.
HSBC dự báo mức tăng lãi suất đầu tiên 0,5%/năm sẽ diễn ra vào quý III/2016, nâng mức lãi suất thị trường mở (OMO) lên 5,5%/năm. Lạm phát sẽ tăng từ mức thấp kỷ lục 0,5% trong năm 2015 lên mức 4,8% vào cuối năm 2016. Chính vì vậy, báo cáo của HSBC khẳng định, NHNN sẽ phải chuyển sang biện pháp quản lý thắt chặt vào năm sau.
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Phó giám đốc NHNH TP. HCM
Nhiều người cho rằng, Fed tăng lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá và lãi suất tiết kiệm VND, nhất là thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá tốt. Tỷ lệ cho vay trên huy động dưới 80%. Lãi suất huy động trên thị trường dân cư của một số ngân hàng tăng gần đây chỉ là động thái mang tính cục bộ do các ngân hàng muốn đẩy mạnh huy động vốn, chuẩn bị nguồn tiền dồi dào phục vụ nhu cầu vay vốn tăng cao của DN trong những tháng cuối năm, song lãi suất khó tăng cao.