Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương).
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, khi EVFTA được thực thi, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế rất lớn để khai thác thị trường này.
Thưa ông, theo kế hoạch, hôm nay (8/6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA. Trong bối cảnh dịch bệnh đã và đang gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, EVFTA được phê chuẩn có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế nước ta?
Ngày 20/5, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã có phiên thảo luận trực tuyến về EVFTA. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định vào ngày 8/6/2020. Đối chiếu theo quy định của Hiệp định thì dự kiến Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực trong tháng 8/2020.
EVFTA đi vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới, thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do Covid-19, đồng thời, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Như vậy, khi EVFTA đi vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường có GDP 18.000 tỷ USD này.
EVFTA mở ra cơ hội tăng xuất khẩu vào EU, nhưng luôn có điều kiện đi kèm, nên không dễ để hàng Việt hưởng ưu đãi, thưa ông?
Chúng ta đã nói nhiều đến cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của các ngành hàng, lộ trình giảm thuế…, nhưng mọi ưu đãi luôn đi kèm điều kiện.
Với những quy định tại EVFTA, yêu cầu về quy tắc xuất xứ là một trong những thách thức lớn mà nhiều ngành hàng phải vượt qua. Do đó, sức ép cạnh tranh mà EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp, buộc doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nếu dệt may, da giày, thủy sản vẫn được cho là hưởng lợi nhiều từ EVFTA, thì sức ép cạnh tranh lớn đang nghiêng về ngành dược phẩm. Ông có thể nói rõ hơn áp lực cạnh tranh đó?
Cam kết của EVFTA về thuế quan đối với dược phẩm có thể không tạo ra thay đổi gì lớn trong tương lai gần đối với việc xuất nhập khẩu dược phẩm giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, các cam kết liên quan tới dược phẩm ở các khía cạnh khác sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và doanh nghiệp dược Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực.
Cụ thể, dược phẩm từ EU sẽ vào Việt Nam thuận lợi, dễ dàng và trực tiếp hơn, mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm sẽ được tăng cường, khiến cạnh tranh gay gắt hơn trong các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam. Tác động này rõ rệt hơn với các loại biệt dược, thuốc chuyên dụng (nhóm thuốc có bảo hộ độc quyền, Việt Nam chưa sản xuất được).
Không chỉ là dược phẩm, nhóm hàng nông sản cũng không dễ bứt phá xuất khẩu vào EU vì tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe?
Thực tiễn triển khai một số FTA thời gian qua cho thấy, xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản có khả năng tăng trưởng nhờ FTA, nhưng nếu không giải quyết được vấn đề kiểm dịch động thực vật, vệ sinh an toàn, chất lượng, thì xuất khẩu nhóm hàng này cũng không phát huy hết được tiềm năng, cơ hội mang lại.
Để xuất khẩu thành công vào EU, hàng nông sản của Việt Nam phải thỏa mãn vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được quan tâm là Global GAP, mức dư lượng tối đa cho phép…
Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU. Điều này đồng nghĩa với việc đáp ứng tiêu chuẩn sẽ khó khăn hơn, thưa ông?
Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký FTA với EU, do đó, sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh luôn có tính hai mặt. Cạnh tranh sẽ tác động rất tiêu cực đến các doanh nghiệp yếu kém, nhất là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất, kinh doanh lạc hậu, nhưng cạnh tranh sẽ trở thành tích cực, mang lại động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo. Đây là con đường mà sớm hay muộn cũng phải đi để đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
Để thực thi EVFTA hiệu quả, theo ông, Việt Nam phải triển khai những nhiệm vụ trọng yếu nào trong thời gian tới?
Có 4 nhiệm vụ chính cần phải thực hiện.
Trước hết là xây dựng các văn bản pháp luật. Vấn đề này ta đã có kinh nghiệm từ việc thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Thứ hai, kế hoạch hành động ra sao. Về điều này, Bộ Công thương đã ban hành kế hoạch hành động riêng, nhưng đến khi EVFTA có hiệu lực, Chính phủ sẽ ban hành một Chương trình hành động lớn hơn, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Dự thảo về Chương trình hành động đã được gửi kèm với bộ hồ sơ EVFTA trình Quốc hội.
Thứ ba, để thực hiện FTA này thực sự có hiệu quả, điều quan trọng là hỗ trợ doanh nghiệp, bởi phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
Thứ tư , hoạt động phổ biến, tuyên truyền. Bộ Công thương sẽ đổi mới phương thức tiếp cận thông tin, trước mắt là tổ chức khóa tập huấn trực tuyến để phủ sóng thông tin và mang tính lan tỏa cao. Hiện đã có gần 3.000 đơn đăng ký tham gia khóa tập huấn này.