Kế hoạch kinh doanh 2017 sụt giảm
Mới đây, Vinasun đã công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2017 với chỉ tiêu doanh thu 4.025 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 256 tỷ đồng, giảm lần lượt 11% và 35,5% so với thực hiện 2016.
Không chỉ vậy, hầu hết chỉ tiêu kinh doanh khác Vinasun đưa ra đều sụt giảm so với 2016. Lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh chính giảm hơn một nửa, từ 225 tỷ đồng xuống 105 tỷ đồng, lợi nhuận từ thanh lý xe vượt lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính, quy mô đội xe giảm ròng 300 chiếc... Dẫu vậy, kế hoạch của Vinasun không được xem là bất ngờ với giới đầu tư khi những khó khăn đã thể hiện khá rõ trong năm qua, đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt từ Uber, Grab.
Năm 2016, doanh thu của Công ty đạt 4.763 tỷ đồng, tăng 6,29% so với năm 2015, ghi nhận tăng trưởng dưới 2 con số lần đầu tiên từ 2007. Ngược lại, hầu hết các loại chi phí chính đều tăng mạnh. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 14,6%; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18,6%; chi phí tài chính tăng 14,5%. Qua đó, biên lợi nhuận trước thuế giảm từ 10,1% xuống 8,8%, lợi nhuận sau thuế giảm 5% so với cùng kỳ.
Theo Vinasun, nguyên nhân đến từ khó khăn tại hoạt động dịch vụ taxi - hoạt động kinh doanh chính chiếm 96,32% tổng doanh thu 2016. Nhằm duy trì lượng xe và độ phủ lớn, tránh tình trạng nhân viên chuyển qua các công ty taxi công nghệ, Vinasun đã phải tăng mức chiết khấu và thu nhập cho tài xế, đẩy mạnh hoạt động marketing và các chương trình khuyến mãi cho khách hàng sử dụng Vinasun app cùng việc đầu tư vận hành dòng xe Vcar (dòng xe sang như Camry, Lexus, Toyota Land Cruiser… hướng đến phân khúc khách hàng thu nhập cao) khiến chi phí tăng mạnh.
Về cơ cấu tài chính, báo cáo của Vinasun cho thấy, hệ số nợ/tổng tài sản cuối 2016 đạt 51,09%. Trong đó, nợ ngắn hạn và nợ dài hạn lần lượt chiếm 23,87% và 27,22%, tỷ lệ sử dụng nợ trong cơ cấu nguồn vốn có xu hướng gia tăng trong 3 năm trở lại đây. Tổng nợ tăng chủ yếu do hoạt động tài trợ cho đầu tư các đầu xe mới.
Đây cũng là nguyên nhân khiến tài sản dài hạn tăng, đạt 2.863 tỷ đồng, chiếm 89,96% tổng tài sản. Tài sản ngắn hạn đạt 319,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,33% so với 2015. Trong đó, phải thu khách hàng ngắn hạn tăng mạnh 39%, mà theo Vinasun, chủ yếu là do tăng từ khách hàng sử dụng thẻ.
Lợi nhuận giảm khiến các hệ số về khả năng sinh lời như lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đều thấp hơn so với năm 2015. ROA, ROE 2016 lần lượt đạt 10,48%; 20,9%.
Vinasun hiện là một thương hiệu taxi lớn tại khu vực miền Trung và miền Nam, đăng ký hoạt động tại TP.HCM – Bình Dương – Đồng Nai – Vũng Tàu – Nha Trang và Đà Nẵng. Trong đó, TP.HCM là thị trường trọng điểm với thị phần trên 45%. Tính đến cuối năm 2016, số xe taxi của Công ty là 6.561 chiếc, tăng 6,84 % so với đầu năm. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, sự cạnh tranh khốc liệt của hình thức taxi mới dường như đang khiến Vinasun “đuối sức”.
Tính đến hết quý I/2017, Vinasun ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.093 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 55,1 tỷ đồng, giảm 16,8% và 20,6% so với cùng kỳ 2015.
Cạnh tranh khốc liệt từ Uber, Grab
“Taxi công nghệ” là thuật ngữ chỉ hình thức taxi sử dụng ứng dụng gọi xe qua điện thoại thông minh (smart phone) như Uber, Grab đã tiến vào thị trường Việt Nam khoảng 3 năm trở lại đây. Khi mới gia nhập, nhiều quan điểm cho rằng “taxi công nghệ” sẽ khó tồn tại ở Việt Nam do thiếu nguồn cung lái xe.
Ứng dụng đặt xe taxi có thể thành công ở các nước phát triển, nơi ô tô là phương tiện đi lại phổ thông, còn tại Việt Nam thu nhập bình quân thấp trong khi giá ô tô cao khiến ô tô được xem là tài sản có giá trị lớn, người sở hữu ô tô đều có thu nhập khá. Tuy nhiên, sự thành công của hình thức này đến nay đã và đang đẩy taxi truyền thống vào thế bị động, thay đổi hoàn toàn cục diện cạnh tranh trong ngành.
Trong kinh doanh taxi, ba yếu tố được xem là ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn của khách hàng là: độ thuận tiện, giá cước và thương hiệu.
Khi chưa có Uber, Grab, độ thuận tiện phụ thuộc vào mật độ xe của hãng lưu thông, đây được xem là yếu tố cạnh tranh quan trọng nhất khi thống kê cho thấy 70% khách hàng gọi taxi ngay trên đường. Vậy nhưng, theo ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Taxi Mai Linh, số lượng taxi Uber và Grab ở TP. HCM hiện đã lên tới 21.000 xe, nếu kể cả xe chạy không đăng ký ước tính phải đến 25.000 xe.
Với đặc điểm không cần đèn hộp số, đồng hồ tính tiền, logo, đăng ký màu sơn…, cách tham gia dễ dàng, không nhận diện thương hiệu khiến khả năng tăng số lượng không giới hạn, bất cứ ai với một chiếc ô tô đều có thể trở thành tài xế taxi khiến độ phủ của Uber và Grab gấp nhiều lần taxi truyền thống. Rào cản gia nhập ngành nhanh chóng bị xóa bỏ.
Phản ứng lại xu hướng mới, song song với duy trì kênh điện thoại, vẫy trực tiếp, VNS xây dựng ứng dụng gọi taxi “Vinasun App”. Được thử nghiệm từ năm 2015, triển khai đại trà từ 2016 trên tất cả taxi của hãng, kỳ vọng cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tương tự với ứng dụng của Uber hay Grab. Tuy nhiên, đến nay, ứng dụng này chưa thực sự hiệu quả khi chưa đem đến lợi ích vượt trội cho người tiêu dùng.
Về yếu tố giá cước, Uber và Grap vẫn cho thấy ưu thế tuyệt đối, do giảm thiểu được nhiều loại thuế, phí, không tốn nhiên liệu xe chạy không tải trên đường và chiến lược xâm chiếm thị trường, taxi công nghệ đang đưa ra chính sách giá thấp hơn đáng kể, được điều chỉnh theo ngày/giờ cao điểm - thấp điểm giúp thu hút khách hàng nhiều hơn.
Ban lãnh đạo Vinasun nhận định, đối với Uber và Grab thì “cước phí khó so sánh vì hiện chi phí của họ chủ yếu là lấy từ nguồn tài trợ, trong tương lai khi giá cước trở về đúng bản chất kinh tế thật thì khi giá xăng tăng, cước phí sẽ là vấn đề yếu tố cạnh tranh chính giữa Công ty với Uber và Grab”. Tuy nhiên, thời điểm nào trong tương lai vẫn chưa rõ ràng, trước mắt đây vẫn là một bất lợi và khách hàng đang chuyển dịch ngày càng mạnh mẽ.
Với yếu tố thương hiệu, dường như ít ý nghĩa với nhóm khách hàng cá nhân, thường sẵn sàng chuyển sang sử dụng thương hiệu khác với mức giá cạnh tranh và thời gian chờ taxi ngắn hơn. Còn đối với nhóm doanh nghiệp, dẫu đây là lợi thế của Vinasun khi kết hợp với phát hành thẻ taxi, có hóa đơn đầy đủ là điều Uber, Grab chưa thực hiện được, nhưng quy mô của nhóm này lại khá nhỏ so với nhóm khách hàng cá nhân.
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng và cũng là ưu thế của Uber, Grab là khi đi tiệc cưới, sinh nhật, gặp gỡ đối tác, việc bước ra từ một chiếc “xế hộp” đem lại cho khách hàng cảm giác sang trọng, tự tin hơn so với một chiếc taxi, Vinasun tập trung đầu tư mới ứng dụng Vcar gồm những dòng xe sang trọng không gắn bảng hiệu và logo taxi. Tuy nhiên, đây là dự án mới, đòi hỏi chi phí lớn trong khi doanh thu chưa bù đắp được chi phí, chưa đem lại lợi nhuận.
Với sự xuất hiện của công nghệ mới, các rào cản bảo hộ cho ngành hầu như xóa nhòa, tạo áp lực cạnh tranh không chỉ với Vinasun mà là toàn bộ các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh vận tải hành khách. Vinasun được xem là đơn vị nhanh nhạy trong phản ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, nhưng cũng chưa có được bước đi mới đột phá, mà chủ yếu “mô phỏng” những ưu thế của Uber, Grab đang có.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu cũng là rủi ro với Vinasun. Trong năm 2016, giá xăng đã tăng 1.190 đồng/lít, tương ứng 7,26% và từ đầu năm đến nay, giá xăng - dầu thế giới vẫn nằm trong xu hướng tăng. Với mức tiêu thụ bình quân 21 lít/ngày trên xe 4 chỗ, 27 lít/ngày trên xe 7 chỗ, mỗi ngày Vinasun tiêu thụ trên 155.000 lít xăng, ước tính trong lần xăng tăng giá 350 đồng/lít gần nhất, chi phí nhiên liệu của Vinaun sẽ tăng thêm khoảng 54 triệu đồng/ngày. Thay đổi giá như thế nào để phù hợp với biến động giá nhiên liệu thường xuyên, tăng giá để bù đắp chi phí hay giữ giá để duy trì thị phần cũng là bài toán khó cho Vinasun.
Trước những dự báo tiêu cực về triển vọng kinh doanh, trên sàn niêm yết, thị giá của cổ phiếu VNS liên tục sụt giảm, mất hơn 40% giá trị kể từ giữa tháng 9.2016 đến nay. Với thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 2016 đạt 4.570 đồng/cổ phiếu, PE của VNS hiện chỉ hơn 4,8 lần. Đây là mức thấp hơn khá nhiều so với mức bình quân của thị trường chung và một số doanh nghiệp vận tải hành khách khác đang niêm yết như HHG (6,7 lần), MNC (7,3 lần).
Tuy nhiên, giá cổ phiếu phản ánh kỳ vọng về tương lai của doanh nghiệp. Giá giảm sâu không hẳn là rẻ nếu triển vọng ngày càng trở nên tiêu cực và ngược lại. Dẫu có ưu thế cạnh tranh lớn, đặc biệt là thị trường TP.HCM, Vinasun vẫn đang cho thấy sự “hụt hơi” trong cuộc chiến giành lại thị phần từ Uber, Grab.
Sau thời gian giảm nhanh và mạnh, thị giá cổ phiếu VNS có thể tìm được điểm cân bằng, tuy nhiên, để hồi phục và tăng trưởng sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng giữ vững và gia tăng hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới. Đối với cổ đông và nhà đầu tư, việc bắt đáy hay tiếp tục nắm giữ lâu dài cổ phiếu này có lẽ cũng là điều cần cân nhắc trong bối cảnh môi trường kinh doanh có những biến động ngoài tầm kiểm soát như hiện nay.
Làm thế nào để Vinasun đứng vững và tăng trưởng là câu hỏi cần lời giải từ Ban lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như cần cả sự trăn trở từ những bộ, ngành đã "mở phanh" cho loại hình Uber và Grab vào nội địa.