Công ty lớn tăng trưởng lợi nhuận
Kết quả kinh doanh cập nhật đến thời điểm này cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã phơi bày sức “chịu tải” của các CTCK, thể hiện qua kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm có sự phân hóa mạnh.
Trong khi các công ty lớn, có tiềm lực về vốn, quản trị hiệu quả vẫn chớp được những cơ hội kinh doanh để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận khả quan, thì các công ty nhỏ, sản phẩm kém đa dạng… rơi vào tình cảnh thua lỗ, hoặc lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở phía công ty có lãi, trong quý II/2020, thời gian cao điểm của đại dịch Covid-19, CTCK Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) ghi nhận 256,7 tỷ đồng doanh thu, 93,3 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi các chỉ tiêu này của cùng kỳ năm 2019 lần lượt là 141,5 tỷ đồng và 20,1 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tăng cao, nhưng lợi nhuận của BSC vẫn tăng trưởng nhờ doanh thu môi giới và lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lỗ/lãi (FVTPL) tăng mạnh.
Một “ông lớn” khác thể hiện khả năng kiếm tiền tốt ngay trong bối cảnh thị trường chứng khoán chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 là CTCK TP.HCM (HSC).
Theo đó, công ty này ghi nhận doanh thu hơn 374 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng trong quý II/2020, tăng lần lượt 13% và 36% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, HSC đạt doanh thu thuần 679 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu và 55% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Phần lớn CTCK nằm trong Top 10 thị phần môi giới cổ phiếu, trái phiếu lớn nhất trên toàn thị trường trong quý II/2020 cũng như 6 tháng đầu năm nay như CTCK Kỹ thương (TCBS), CTCK VPS, CTCK VNDIRECT (VND)… ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Công ty nhỏ gặp nhiều khó khăn
Trái ngược với bức tranh kết quả kinh doanh màu sáng của các công ty lớn là tình trạng thua lỗ của nhiều công ty nhỏ như CTCK Phố Wall, CTCK Pinetree, CTCK EuroCapital, CTCK Globalmind Capital… (xem bảng).
Về nguyên nhân quý II/2020 có mức lỗ tăng hơn 530% so với quý II/2019, CTCK Việt Tín cho hay, từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình kinh tế có nhiều biến động bất thường, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.
Thị trường có lúc tăng điểm tốt, nhưng có những lúc giảm điểm đột ngột, nên đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty.
Trong số những CTCK thua lỗ có cả các công ty có chủ ngoại như CTCK Pinetree, CTCK CV. Một công ty có chủ ngoại khác ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý II/2020 suy giảm mạnh là CTCK Nhật Bản, chỉ đạt 515 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 2,2 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, theo Công ty, là do thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động xấu của tình hình dịch bệnh Covid-19.
Nửa cuối năm sẽ tiếp tục phân hóa
Tác động đa chiều của Covid-19 lên nền kinh tế, cũng như thị trường chứng khoán đã mang lại cả cơ hội lẫn thách thức với các CTCK.
Lý giải nguyên nhân giữa đại dịch Covid-19, khối CTCK nhìn chung có khả năng chống chịu khá tốt, tổng giám đốc một CTCK niêm yết trên HOSE nhìn nhận, sau những bài học rút ra từ rủi ro khi đẩy mạnh đầu tư tự doanh trước đây, các CTCK đã tập trung cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, giảm mạnh tỷ trọng đầu tư tự doanh, cùng với đó là tăng cường đầu tư cho hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro.
Ðiều này cho phép ngay cả trong những lúc thị trường chứng khoán giảm sâu, bức tranh hoạt động của khối CTCK không vì thế mà đậm gam “màu tối”, dù có sự phân hóa rõ nét giữa các công ty.
Thậm chí, trong những lúc thanh khoản thị trường gia tăng vì dòng tiền chảy vào bắt đáy, cửa kiếm tiền của các CTCK thêm rộng mở khi hệ thống công nghệ cho phép nhà đầu tư dễ dàng giao dịch từ xa phát huy hiệu quả, giao dịch không bị gián đoạn do thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống Covid-19.
Thực tế cho thấy, mảng thu phí môi giới, dịch vụ tư vấn… có đóng góp lớn vào doanh thu, lợi nhuận của nhiều CTCK trong quý II và nửa đầu năm nay.
Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 khi hơn 3 tháng qua không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng đại dịch vẫn đang hoành hành trên thế giới, có thể tác động đến kinh tế và thị trường chứng khoán nội địa.
Với chiến lược xoay trục của Chính phủ trong huy động tối đa các nguồn lực nội địa để kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, kỳ vọng sẽ mang lại không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế trong bối cảnh các chuỗi giao thương kinh tế quốc tế vẫn còn đứt gãy.
Ðiều này được trông đợi sẽ giúp thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan, qua đó mở ra cơ hội kiếm tiền cho các CTCK.
Tuy nhiên, cơ hội sẽ không chia đều, mà tiếp tục tạo ra sự phân hóa rõ nét trong hoạt động của các công ty. Trong khi các CTCK lớn tiếp tục chiếm ưu thế trong việc săn cơ hội đầu tư và kiếm tiền, thì sức ép sẽ gia tăng với các CTCK nhỏ, hoạt động thua lỗ.
Ðiểm đáng chú ý là một số CTCK nhỏ đang “làm mới” mình bằng cách đẩy mạnh đầu tư công nghệ để cải thiện khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ nhằm giữ chân và thu hút thêm khách hàng.
Chẳng hạn, CTCK Việt Tín đã nâng cấp phần mềm và phát triển dịch vụ khách hàng mới MAI trading & Finance: trợ lý AI cho giao dịch chứng khoán, hy vọng sẽ cải thiện được hiệu quả kinh doanh trong thời gian tới.