Nhu cầu tín dụng trong thời gian tới đối mặt với rủi ro sụt giảm niềm tin.

Nhu cầu tín dụng trong thời gian tới đối mặt với rủi ro sụt giảm niềm tin.

Sức cầu vốn sẽ tăng dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù số liệu của nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng cho thấy sự chuyển biến trong nửa đầu năm nay, nhưng áp lực lạm phát là yếu tố cần thận trọng.

Đẩy mạnh cung vốn

MSB cho biết, để tiếp thêm nguồn lực cho khách hàng nắm bắt cơ hội, phát triển sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, từ nay đến cuối năm 2024, Ngân hàng triển khai chương trình ưu đãi với lãi suất chỉ từ 7%/năm (tương đương 0,58%/tháng), đáp ứng đa dạng nhu cầu từ sản xuất, kinh doanh tới tiêu dùng cho nhóm khách hàng này.

Đáng chú ý, hạn mức vay lên tới 8,8 tỷ đồng, tài trợ tới 95% phương án sử dụng vốn nhằm đầu tư tài sản và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh và miễn phí trả nợ trước hạn đối với nhóm khách hàng này.

Theo đại diện VIB, nhằm đón đầu nhu cầu thị trường bất động sản trong 6 tháng cuối năm với mục tiêu hướng đến tập khách hàng chất lượng tốt, ngân hàng này vừa ra mắt gói vay mua nhà phố, tổng hạn mức lên tới 30.000 tỷ đồng và mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay, chỉ từ 5,9%/năm. Đặc biệt, khách hàng đang vay tại các ngân hàng khác khi chuyển sang VIB còn được hỗ trợ giảm thêm 0,4%/năm lãi suất.

Tăng trưởng tín dụng vốn là nỗi lo của toàn hệ thống ngân hàng khi vẫn âm trong 2 tháng đầu năm 2024, đến cuối tháng 3 dư nợ mới đạt được 1,34%. Tới cuối tháng 5/2024 cũng chỉ ở mức 2,4% và tại ngày 14/6 đạt mức tăng 3,79%.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 6/2024, tín dụng đã đạt con số 6% so với đầu năm. Lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận, dù đã đáp ứng nhu cầu vay vốn tổng thể của khách hàng ở tỷ lệ cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với 6 tháng cuối năm 2023.

“Cơ quan quản lý đã chuyển thông điệp sẽ mạnh tay với những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng thấp, nhất là ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng.

Do đó, để tránh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mình chuyển giao cho ngân hàng khác và sẽ ảnh hưởng đến room tín dụng trong năm sau, các ngân hàng không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh tăng trưởng cho vay”, tổng giám đốc một ngân hàng cho hay.

Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV thông tin, Ngân hàng sẽ tiếp tục có các biện pháp thúc đẩy các chi nhánh tích cực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm; tổ chức làm việc, đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp - ngân hàng để tìm ra khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục triển khai các gói tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo các chương trình và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Trong diễn biến có liên quan, kết quả điều tra xu hướng tín dụng các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2024, xu hướng “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng được nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng hơn so với 6 tháng đầu năm, áp dụng cho tất cả các nhóm khách hàng và hầu hết lĩnh vực.

Các tổ chức tín dụng dự kiến “nới lỏng” tiêu chuẩn tín dụng của đơn vị mình là do đánh giá “Triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan” và tác động tích cực của “Chính sách định hướng/quản lý phát triển các ngành kinh tế của Chính phủ” và “Chính sách định hướng/quản lý tín dụng của Chính phủ/Ngân hàng Nhà nước”.

Mục tiêu lạm phát năm 2024 là 4,5-5%, trong khi tính đến cuối tháng 6 đã tăng 4,3% đặt ra vấn đề điều chỉnh tỷ lệ lạm phát nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bởi lạm phát và lãi suất có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Trong 6 tháng cuối năm và cả năm 2024, “diễn biến tăng trưởng kinh tế”, “diễn biến lãi suất”, “thay đổi nhu cầu đầu tư vào sản xuất - kinh doanh”, “thay đổi lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng”, “cơ hội đầu tư, xuất nhập khẩu thay đổi”, “chất lượng phục vụ cải thiện”, “cải tiến sản phẩm cho vay”... là những yếu tố được nhiều tổ chức tín dụng dự báo ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng doanh nghiệp, cá nhân.

“Bên cạnh đó, các yếu tố có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tín dụng trong thời gian tới là ‘diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản’, ‘khả năng sử dụng nguồn tài chính thay thế của khách hàng’ và ‘sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng’”, kết quả điều tra cho biết.

Điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát?

Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, áp lực lạm phát trong quý II/2024 có xu hướng tăng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong quý tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất kể từ quý IV/2022. Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng cao là do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý từ cuối năm 2023.

Cụ thể là nhóm y tế tăng 7,63% và riêng dịch vụ y tế tăng 9,73% do khung giá dịch vụ y tế mới; nhóm giáo dục tăng 8,15% do học phí tăng và chỉ số giá điện sinh hoạt tăng mạnh khoảng 9% do nhu cầu sử dụng điện phục hồi và Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh tăng khung giá bán lẻ điện từ năm ngoái.

Bên cạnh đó, giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,48% do giá lương thực vẫn neo ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 15%), bên cạnh giá thịt lợn có xu hướng tăng trong quý II.

Mục tiêu lạm phát năm 2024 là 4,5-5%, trong khi tính đến cuối tháng 6 đã tăng 4,3% đặt ra vấn đề điều chỉnh tỷ lệ lạm phát nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bởi lạm phát và lãi suất có mối quan hệ mật thiết với nhau.

“Khi lạm phát tăng, giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên sẽ làm giảm giá trị của tiền tệ, khiến người dân và doanh nghiệp có nhu cầu mua sắm nhiều hơn để tránh mất giá. Khi nhu cầu tiền tệ tăng sẽ dẫn đến việc lãi suất tăng lên để cân bằng cung - cầu tiền tệ.

Còn khi lãi suất tăng, chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân cũng tăng lên, điều này làm giảm sức mua của nền kinh tế, dẫn đến giảm nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Khi nhu cầu tiêu dùng và sản xuất giảm, giá cả hàng hóa và dịch vụ cũng sẽ giảm theo, giúp kìm hãm lạm phát”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế phân tích.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2024 dự báo sẽ ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước do yếu tố chi phí đẩy (đặc biệt là giá năng lượng, giá nguyên vật liệu, chi phí logistics còn ở mức cao; việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như tiền điện, học phí, tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng theo lộ trình từ ngày 1/7/2024…) và cả yếu tố cầu kéo (cung tiền dự báo tăng cao hơn cùng với đà phục hồi kinh tế).

“Tuy nhiên, lạm phát năm 2024 sẽ vẫn trong tầm kiểm soát và chưa đáng quan ngại (CPI bình quân tăng khoảng 3,8-4,2% theo kịch bản cơ sở) nhờ tác động cộng hưởng của các yếu tố hỗ trợ kìm chế lạm phát như giá cả và lạm phát toàn cầu đang hạ nhiệt; giá dầu dự báo đi ngang, ở mức tương đương năm 2023; cung tiền tăng song vòng quay tiền còn chậm, khoảng 0,7-0,9 lần; áp lực tỷ giá giảm dần và phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn…”, ông Lực trấn an.

Còn ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho hay, nhà điều hành sẽ phải cân đối các mục tiêu từ kiểm soát lạm phát cho đến tăng trưởng kinh tế.

Đối với nửa đầu năm 2024, mặc dù chỉ số lạm phát là 4,3% nhưng nếu đánh giá lạm phát qua từng tháng thì yếu tố đóng góp vào lạm phát đến từ việc tăng giá của cuối năm 2023 nhiều hơn, còn 6 tháng đầu năm chỉ có 1,24% trong tổng thể 4,3%.

Những số liệu này cho thấy, mặc dù lạm phát đang có vẻ cao hơn so với năm trước, nhưng trong tình hình tăng trưởng như hiện nay, mức tăng giá hàng tháng sẽ không quá đột biến và như vậy, khả năng lạm phát tăng quá cao là không nhiều.

“Áp lực lạm phát tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, nên vẫn cần duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, đồng thời hỗ trợ kinh tế tăng trưởng”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Tin bài liên quan