Thông tin vừa được UBND tỉnh Phú Yên xác nhận, tháng 8 tới đây, dự kiến, Dự án Lọc dầu Vũng Rô, vốn đầu tư gần 3,2 tỷ USD của nhà đầu tư Technostar Management Ltd (Anh) sẽ chính thức được động thổ hạng mục san lấp mặt bằng, chuẩn bị tập kết thiết bị về công trường phục vụ thi công Nhà máy.
Hiện tại, hơn 134 ha mặt bằng thuộc khu vực xây dựng Cảng Bãi Gốc đã được tỉnh Phú Yên bàn giao cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô. Trong khi đó, phần mặt bằng còn lại của Dự án (hơn 400 ha) tiếp tục được Phú Yên đền bù, giải tỏa để chủ đầu tư sớm có mặt bằng triển khai Dự án.
Rất kỳ vọng vào những đóng góp tích cực của dự án này đối với kinh tế - xã hội địa phương, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để giúp nhà đầu tư triển khai nhanh dự án, đảm bảo đúng lộ trình đã đề ra.
Theo kế hoạch, khi đi vào hoạt động, Lọc dầu Vũng Rô sẽ đóng góp cho ngân sách khoảng 111 triệu USD/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 1.300 lao động, và tất nhiên, cung ứng một lượng xăng dầu không nhỏ cho thị trường Việt Nam, hiện phải phụ thuộc khá lớn vào việc nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong khi đó, tuần vừa rồi, UBND tỉnh Bình Định lại tiếp tục có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) về Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội, vốn đầu tư dự kiến lên tới 27 tỷ USD.
Hai dự án này, một đang chuẩn bị triển khai, một vẫn đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư, song hứa hẹn sẽ cùng hàng loạt dự án lớn khác trở thành chuỗi các dự án động lực, mang lại sức bật cho kinh tế - xã hội các địa phương Vùng Duyên hải miền Trung (tính từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận), cũng như tạo cú hích để thu hút đầu tư.
“Một khi Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội được thông qua, sẽ tạo lợi thế rất lớn để thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cho lọc hóa dầu và các dịch vụ kèm theo”, ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội nói.
Trên thực tế, dù không phải là duy nhất, nhưng kể từ khi Lọc dầu Dung Quất được xây dựng tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), cả một vùng Duyên hải miền Trung đã được “đánh thức”. Suốt dọc dài miền Trung Việt Nam, nếu tính thêm cả Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), thì dường như, một “quần thể” các nhà máy lọc hóa dầu đang được hình thành, góp phần định hình ngành công nghiệp lọc hóa dầu của Việt Nam.
Không chỉ là lọc hóa dầu, theo ông Trần Duy Đông, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Duyên hải miền Trung còn có tiềm năng để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghiệp nặng khác, như điện, sắt thép, và phát triển du lịch, chế biến thủy hải sản.
Một điểm nối quan trọng cho công nghiệp dầu khí và điện, có thể sẽ là Dự án Cụm Khí - Điện mà Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đang dự kiến đầu tư ở khu vực này, để đưa khí vào bờ và xây dựng các nhà máy khí điện. Với vốn đầu tư của dự án dự kiến lên tới 20 tỷ USD, thì dù được đặt ở địa phương nào, Quảng Nam hay Quảng Ngãi, như tập đoàn này đang đi khảo sát địa điểm, thì cả Vùng Duyên hải miền Trung cũng đều sẽ được hưởng lợi thông qua sự tác động lan tỏa của một siêu dự án, giống như việc những dự án lọc hóa dầu đã và sẽ làm được ở khu vực này.
Chưa kể, theo thông tin từ ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, các dự án DoosanVina, hay Thép Guang Lian (với sắp tới đây có sự tham gia của Tập đoàn JFE - Nhật Bản, và sẽ nâng vốn đầu tư từ 3 tỷ USD hiện nay lên 4,5 tỷ USD), Nhiệt điện Semcorp (2 tỷ USD)… cũng sẽ góp phần không nhỏ tạo sức bật cho kinh tế - xã hội Quảng Ngãi nói riêng và Duyên hải miền Trung nói riêng.
Ông Lê Quang Thích, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đây đã chủ trì một cuộc họp để bàn về các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án này. “Với Nhiệt điện Semcorp, phải khẩn trương làm các thủ tục cần thiết và chuẩn bị các điều kiện để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư vào năm 2016, để họ có thể xây dựng và đưa Nhà máy vào vận hành trong năm 2019”, ông Thích chỉ đạo.
Cũng là nhà máy điện, đi sâu vào dọc dài miền Trung, là Nhà máy Điện hạt nhân ở Ninh Thuận, vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. Một khi dự án này được triển khai và thành công, sẽ mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ cho kinh tế - xã hội Duyên hải miền Trung, mà còn cho kinh tế cả nước, đặc biệt trong đảm bảo an ninh năng lượng.
Trong khi đó, dù không có nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp nặng, nhưng Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, rồi cả Bình Thuận lại đang hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bằng hàng loạt dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng dọc bờ biển dài và đẹp nhất Việt Nam. Dự án có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực này là Nam Hội An, vốn đầu tư 4 tỷ USD ở Quảng Nam, vẫn đang trong quá trình triển khai. Nhưng các dự án đã và đang triển khai đang biến miền Trung có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại.
Ngành công nghiệp không khói - du lịch - theo cách riêng của mình hứa hẹn cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các địa phương trong vùng. Và đằng sau các dự án động lực, có quy mô lớn, sẽ là cơ hội việc làm, thu ngân sách và sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội Vùng Duyên hải miền Trung.