Sức bật về hạ tầng
Trong chiến lược phát triển đô thị dài hạn của TP. HCM tỏa rộng đều theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, song chính sách phát triển hạ tầng của Thành phố thời gian qua có vẻ ưu tiên mạnh hơn vào khu vực phía Đông và Nam, với hàng loạt dự án hạ tầng đã, đang và sẽ được đầu tư.
Tại khu Đông Thành phố, tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đã chính thức thông xe thời gian qua như một cánh tay nối dài, kết nối hạ tầng của TP. HCM với các tỉnh phía Nam. Song song đó, hầm Thủ Thiêm và Đại lộ Võ Văn Kiệt đã hoàn chỉnh, nối liền trung tâm TP. HCM với đường cao tốc, xuyên suốt từ khu vực trung tâm TP. HCM với quận 2 và quận 9, đã thực sự mở toang cánh cửa của toàn khu vực này.
Không chỉ vậy, đến nay, cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm cũng đã được đưa vào sử dụng, tạo sự liên kết hoàn chỉnh giữa trung tâm TP. HCM với toàn khu Đông, rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa các quận, huyện với nhau.
Trong đó, đáng chú ý nhất có lẽ là công trình ghi đậm dấu ấn của Thành phố là hầm Thủ Thiêm, giúp cho việc kết nối từ quận 1 sang quận 2 chỉ còn vài phút đồng hồ. Một loạt công trình hạ tầng khác như tuyến đường từ quận 9, quận 2 nối với quận 7 bằng cầu Phú Mỹ cũng đã thông suốt.
Ngoài những công trình trên, hiện 4 truyến đường chính và quảng trường trung tâm ở Khu đô thị mới Thủ thiêm do Công ty Đại Quang Minh đầu tư cũng đang khởi động mạnh, đó là dự án đại lộ vòng cung (6 làn xe), đường ven hồ trung tâm (4 làn xe), ven sông Sài Gòn (nhìn sang quận 1 gồm 2 làn xe), đường trên cao qua Khu lâm viên sinh thái phía Nam với tổng chiều dài gần 12 km, bao gồm 10 cây cầu, trong đó có 2 cầu cạn.
Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 12.000 tỷ đồng (gồm cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay). Hiện những công trình đang được khẩn trương xây dựng, đồng thời kỳ vọng đây sẽ là cái “sườn” cho sự phát triển toàn Khu đô thị Thủ Thiêm.
Gần đây, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1) đang tăng tốc đầu tư. Gói thầu này là hạng mục đầu tiên được triển khai trong số 4 gói thầu xây lắp của tuyến tàu điện dài 19,7 km, đi qua các quận 1, Bình Thạnh, quận 2, quận 9, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương). Thời gian dự kiến hoàn thành tuyến metro số 1 là năm 2017, đưa vào khai thác vận hành năm 2020.
Một đại công trường khác ở phía Đông Thành phố không thể không nhắc đến, đó là con đường Phạm Văn Đồng, nối từ Sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức đã chính thức được đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian đi từ Thủ Đức đến Sân bay Tân Sơn Nhất (chỉ chưa đến 20 phút so với trước đây mất hàng giờ). Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân sống trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức ví von, nếu không có đường Phạm Văn Đồng, toàn quận Thủ Đức có lẽ trở thành một ốc đảo.
Hạ tầng đang dẫn lối cho bất động sản phát triển .Ảnh: Lê Toàn
Còn ở khu Nam, bên cạnh “người khổng lồ” Phú Mỹ Hưng đã hình thành, các tuyến giao thông trọng điểm như Đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Hữu Thọ đã thông suốt, kéo theo hàng loạt dự án trường học, bệnh viện, ngân hàng được xây dựng.
Hiện nhiều công trình hạ tầng khác cũng được Thành phố chuẩn bị xây dựng theo định hướng Quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 là phát triển thành “thành phố mở”, tập trung nối liền các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, công trình đầu mối giao thông liên vùng để gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, sẽ phát triển khu Nam gồm các quận 6, 7, 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh thành một đô thị vệ tinh.
Bất động sản nương theo
Đúng như ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam đã từng nói, nơi nào có chính sách phát triển hạ tầng tốt sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường địa ốc. Nhiều năm trước, thị trường bất động sản khu Đông Bắc TP. HCM, gồm Thủ Đức và các huyện ven Thủ Đức khá lặng lẽ, nhưng trong năm 2015, bất động sản khu vực này đã thực sự bừng sáng, sau khi tuyến đường Phạm Văn Đồng, tuyến đường 6 làn xe kết nối từ Sân bay Tân Sơn Nhất với quận Thủ Đức chính thức đưa vào sử dụng, đã kéo theo hàng loạt dự án bất động sản của nhiều đại gia địa ốc như Him Lam, Vincom, Đất Xanh... được mọc lên. Giá bất động sản ven theo tuyến đường Phạm Văn Đồng theo đó cũng tăng mạnh.
Tuyến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây thông xe đã giúp bất động sản khu vực này trỗi dậy mạnh mẽ. Hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đổ mạnh vốn vào, khiến khu vực này trở thành tâm điểm của cả thị trường.
Cùng với đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cũng đã dẫn dắt hàng loạt dự án dọc tuyến phát triển rầm rộ. Trong số các dự án có sản phẩm hút hàng nhất, phải kể đến Dự án Masteri Thảo Điền. Đây là dự án khu dân cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và khách sạn, được triển khai trên diện tích gần 8 héc-ta, gồm 4 tòa tháp căn hộ cao cấp có độ cao 41 - 45 tầng với hơn 3.000 căn hộ, do Công ty Thảo Điền Investment làm chủ đầu tư.
Dự án này có vị trí kết nối trực tiếp với ga An Phú (ga số 7) của tuyến metro số 1 và là dự án mà khách hàng mua căn hộ phải bốc thăm. Hay Dự án Khu đô thị Sa La do CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư. Khi chưa có đường hầm Thủ Thiêm và đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, khu vực này chỉ là một vùng đầm lầy, còn giờ đây, Dự án Đại Quang Minh dọc theo Đại lộ Mai Chí Thọ đã trở thành dự án có vị trí đắc địa bậc nhất của quận 2.
Dự án Đại Quang Minh có quy mô 37,15 héc-ta, với 1.131 căn hộ, gồm các chức năng thương mại, trường học, nhà văn hóa, công viên... đang trở thành điểm nhấn, làm thay đổi diện mạo của khu vực này.
Còn tại khu Nam, từ ý tưởng ban đầu biến vùng đầm lầy, hoang sơ thành khu đô thị hiện đại, đến nay, mục tiêu này đã dần trở thành hiện thực. Sự hình thành của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng như một đầu tàu, kéo theo sự quy tụ của hàng loạt dịch vụ, tiện ích đẳng cấp từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với chiến lược hướng ra biển Đông, Nam Sài Gòn giờ đây đang từng bước mở rộng. Đặc biệt, gần đây nhất, Thành phố đã định hướng phát triển khu Nam gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ thành một đặc khu kinh tế, đã khiến cho hàng loạt dự án khu vực này phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, khu vực xung quanh đường Nguyễn Hữu Thọ có thể được đánh giá như một trong những nơi đón nhận sự chuyển mình mạnh mẽ tiếp theo của khu đô thị phía Nam này. Bên cạnh những dự án phát triển hạ tầng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, hàng loạt công trình khác đang được đầu tư xây dựng, như hệ thống hầm chui, cầu vượt tại Ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; tuyến Metro số 4 dài 37,5 km đi qua các quận 1, 3, 4, 7…
Đất phương Nam hôm nay đã có nhiều sự thay đổi đáng kể, song có lẽ với những gì đã và đang diễn ra, vùng đất này hứa hẹn sẽ còn nhiều đột phá trong thời gian tới.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com