ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 11/7.
Diễn biến xấu có thể sẽ quay trở lại
(CTCK FPT - FPTS)
Thanh khoản của thị trường vẫn là vấn đề đáng lo ngại trong ngắn hạn khi liên tục duy trì ở mức thấp và gây khó khăn cho nỗ lực hồi phục của thị trường. Diễn biến trong phiên khá ảm đạm đi kèm với tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, nhóm cổ phiếu VN30 cũng đang vận động trong xu thế sideway với diễn biến tăng giảm xen kẽ.
Bên cạnh đó, những thông tin liên quan đến tình hình giá vàng, tỷ giá và biến động thất thường của thị trường thế giới gần đây vẫn khiến cho nhà đầu tư cầm tiền do dự, chưa sẵn sàng tham gia thị trường trở lại. Nếu như diễn biến này vẫn không có sự thay đổi tích cực hơn thì thị trường sẽ gặp khó khăn trong những phiên tới, diễn biến xấu có thể sẽ quay trở lại khi những nhà đầu cơ mất kiên nhẫn vì thất vọng và mệt mỏi với thị trường.
Theo đó, chúng tôi vẫn bảo lưu khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và chờ đợi thị trường cân bằng cùng những diễn biến tích cực hơn từ thanh khoản. Ngoài ra, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng cần tiếp tục theo dõi để đưa ra quyết định kịp thời nếu trạng thái bán ròng tái diễn.
Khả năng thị trường sụt giảm mạnh
(CTCK BIDV - BSC)
Chốt phiên 10/7, VN-Index giảm 1,07 điểm (-0,22%) xuống 484,43 điểm; HNX-Index giảm 0,15 điểm (-0,24%) xuống 62,43 điểm. Thanh khoản tăng nhẹ trở lại nhưng vẫn ở mức thấp, khối lượng khớp lệnh đạt 30 triệu trên HOSE và 20 triệu trên HNX. Tổng giá trị khớp lệnh trên 2 sàn đạt 780 tỷ đồng.
Khối ngoại chuyển sang bán ròng trên cả 2 sàn. Họ bán ròng 46,4 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng 5,4 tỷ đồng trên HNX.
Thị trường 10/7 đã quay trở lại xu thế giảm điểm sau khi chạm ngưỡng kháng cự 487 điểm. Khả năng thị trường sụt giảm mạnh về vùng 460 - 466 và 445 điểm tiếp tục được duy trì.
Sức bật của thị trường hiện tại vẫn là khá yếu
(CTCK Đầu tư Việt Nam - IVS)
Tình hình về tỷ giá đã tạm lắng xuống khi khoảng cách giữa tỷ giá ngân hàng và thị trường tự do cũng như chênh lệch mua - bán đã được thu hẹp. Thông tin tích cực này phần nào đã giúp thị trường tăng lên ở đầu phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tiến sát đến vùng kháng cự mạnh 490 điểm. Tuy nhiên, một lần nữa lực cầu giá cao không đủ mạnh để giúp thị trường duy trì đà tăng này. Chốt phiên, cả hai chỉ số cùng giảm nhẹ hơn 0,2%.
Ngoài ra, một yếu tố khiến thị trường giảm điểm là việc lực bán mạnh xuất hiện cuối phiên, đặc biệt trong phiên ATC. Có thể kể đến một số mã bị bán mạnh như PPC, ITA trên sàn HOSE hay VCG, PVX trên sàn HNX. Đây đều là những mã xuất hiện trong danh mục một số quỹ ETFs nên không loại trừ khả năng lực bán trên là do khối ngoại thực hiện.
Tuy nhiên, điều này không đáng quan ngại khi trong những ngày qua, việc rút vốn từ các quỹ ETFs là không mạnh. Cụ thể, sau 3 phiên đầu tuần, số lượng chứng chỉ quỹ của quỹ VNM không có sự thay đổi trong khi quỹ FTSE của Deutsche Bank chỉ bán ra 100.000 chứng chỉ quỹ.
Một điểm đáng lưu ý nữa là thanh khoản mặc dù tăng nhẹ 18% so với phiên 9/7 nhưng vẫn ở dưới mức trung bình trong 2 tháng qua. Do đó, sức bật của thị trường hiện tại vẫn là khá yếu.
Duy trì quan điểm thận trọng
(CTCK ACB - ACBS)
Số liệu xuất khẩu của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với kỳ vọng khiến thị trường chứng khoán châu Á lình xình ngày 10/7. Trong khi đó, tin đồn lợi nhuận vượt kỳ vọng của một số mã vốn hóa lớn đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam khởi động đầy lạc quan đầu giờ. Tuy nhiên, lực cầu không được duy trì khiến các chỉ số trôi ngược dần về tham chiếu và đóng cửa với mức giảm nhẹ.
Kết thúc phiên, VN-Index giảm 1,07 điểm (0,22%) xuống 484,34 điểm trong khi HNX-Index giảm 0,15 điểm (0,24%) còn 62,43 điểm. Khối lượng giao dịch trên cả hai sàn tăng nhẹ, đạt 55 triệu cổ phiếu và gần 1.000 tỷ đồng trên cả hai sàn, cho thấy áp lực bán gia tăng.
Khối ngoại đột ngột bán ròng khá mạnh ngày với giá trị bán ròng hơn 50 tỷ đồng trên cả hai sàn.
Về mặt kỹ thuật, chúng tôi duy trì quan điểm thận trọng trong một vài phiên tới, nhưng tiếp tục cho rằng thời điểm này khá an toàn cho nhà đầu tư ngắn và dài hạn tham gia thị trường.
Kiên nhẫn đứng ngoài quan sát
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Bất chấp nỗ lực phục hồi vào đầu phiên giao dịch, cả hai chỉ số đã sớm đảo chiều và đóng cửa giảm nhẹ về cuối phiên. Theo quan sát của chúng tôi, các mã bluechips giảm điểm ngày 10/7 đa phần đều chịu áp lực bán ròng của khối ngoại. Trong bối cảnh thanh khoản thấp, lực bán của khối ngoại tuy không mạnh nhưng cũng có thể tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu.
Nguyên nhân đằng sau động thái bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong phiên 10/7, nhiều khả năng xuất phát từ các quỹ ETFs, có thể được lý giải bởi diễn biến lên giá khá mạnh của đồng USD trong phiên 10/7. Điều này khiến các tài sản được niêm yết hoặc giao dịch bằng các đồng tiền khác, đặc biệt tại các thị trường mới nổi, mất đi phần nào tính hấp dẫn tương đối. Đây là xu hướng mang tính trung hạn sau tuyên bố của FED có thể thu hẹp gói nới lỏng định lượng vào cuối năm nay. Mặc dù vậy, đây không được xem là nhân tố mang tính quyết định đến xu hướng của TTCK Việt Nam.
Giá trị cơ bản và tiềm năng tăng trưởng của các công ty niêm yết cùng bối cảnh dần ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước sẽ tạo ra sức hút nhất định đối với dòng vốn ngoại, đặc biệt là khi giá cổ phiếu điều chỉnh xuống mặt bằng thấp hơn sau giai đoạn tăng trưởng nóng.
Trong ngắn hạn, nhìn chung các phiên giao dịch gần đây không cung cấp nhiều tín hiệu về xu thế khi cả hai chỉ số biến động trong biên độ hẹp với thanh khoản hạn chế. Các nhà đầu tư vẫn được khuyến nghị bám theo xu hướng chủ đạo, kiên nhẫn đứng ngoài quan sát trước khi thị trường cho những tín hiệu chuyển biến tích cực hơn.
Nhà đầu tư ngắn hạn sẽ chịu nhiều rủi ro
(CTCK Maritime Bank - MSBS)
Xu thế đi ngang chưa bị phá vỡ và những phiên tăng giảm điểm mang nhiều yếu tố kỹ thuật. Thị trường hiện tại chưa xuất hiện những dấu hiệu đột biến. Chúng tôi nghiêng về xu hướng giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 11/7 quanh vùng 480 - 484 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn sẽ chịu nhiều rủi ro trong giai đoạn này.