Tín hiệu tích cực
Sau khi ghi nhận thực tế cấp bách trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 về phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Chứng kiến động thái chính sách trên, nhà đầu tư Minh Anh ở Hà Nội nhận định, việc sửa một nghị định mới ban hành được 3 tháng cho thấy cơ quan quản lý luôn sẵn sàng thay đổi, thích ứng để đồng hành với thị trường và điều này có ý nghĩa rất lớn đối với niềm tin của thị trường.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc GMStock, điểm mới cơ bản của dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 cho phép lùi thời hạn áp dụng một số quy định như xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Việc hoãn áp dụng chính sách này sẽ giúp tăng tính thanh khoản hơn cho thị trường trái phiếu, từ đó kỳ vọng các doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh hơn trong năm 2023.
Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AIS (bìa phải) tại talkshow “Chọn danh mục” của Báo Đầu tư. |
Bên cạnh đó, việc cho phép có cơ chế hoán đổi nợ trái phiếu sang nợ khác và tài sản khác cũng sẽ giúp các doanh nghiệp dễ thở hơn và có thời gian để chuẩn bị các phương án đáo nợ hợp lý, kịp thời và tránh được vết xe đổ của năm 2022.
Tại talkshow “Chọn danh mục” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua với chủ đề “Chờ tín hiệu tích cực”, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AIS phân tích, bản dự thảo này có 5 thay đổi quan trọng:
Thứ nhất, thời hạn áp dụng quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp được giãn thêm 1 năm nữa;
Thứ hai, việc xếp hạng tín nhiệm đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng sẽ được giãn thêm 1 năm (áp dụng từ ngày 1/1/2024);
Thứ ba, giữ nguyên thời gian phân phối 90 ngày như hiện hành, thay cho thời hạn 30 ngày tại Nghị định 65;
Thứ tư, cũng là điểm thay đổi quan trọng nhất, cho phép các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu sẽ được gia hạn thời gian thanh toán tối đa là 2 năm khi được 65% trái chủ đồng ý;
Thứ năm, cho phép các doanh nghiệp và người nắm giữ trái phiếu được phép tự thoả thuận với nhau để chuyển đổi trái phiếu, một công cụ nợ dài hạn sang các tài sản dài hạn khác của doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư FIDT, việc sửa đổi Nghị định 65 để giảm các điều kiện cho vay qua kênh trái phiếu doanh nghiệp cùng với chính sách tăng cung tiền trước đó của Ngân hàng Nhà nước (nới room tín dụng 1,5 - 2% trong tháng cuối năm) thể hiện rằng cơ quan quản lý thấy cần có sự “hà hơi tiếp sức” cho thị trường tài chính đi qua cuộc khủng hoảng này.
“Việc các chỉ số tăng trưởng đang đi xuống có thể cũng là một nguyên nhân khiến nhà quản lý cho rằng cần có sự hỗ trợ về chính sách trong giai đoạn này để tạo ra nền tảng tâm lý ổn định hơn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tôi đánh giá đây là động thái phù hợp ở hiện tại và sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực hơn, dễ thở hơn về mặt thanh khoản cho thị trường”, ông Tuấn nói.
Còn nhớ, giai đoạn Nghị định 65 được đưa ra lấy ý kiến, nhiều chuyên gia nhìn nhận quy định về trái phiếu doanh nghiệp càng sửa càng có xu hướng siết chặt thêm. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, do một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để trục lợi (có doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ có giá trị gấp 47 lần vốn chủ sở hữu, lách quy định để bán cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp…), cơ chế giám sát, kiểm tra và xử lý sai phạm chưa chặt chẽ nên mới gây ra hệ luỵ như vụ việc Tân Hoàng Minh, còn bản chất Nghị định 153/2020/NĐ-CP là một nghị định tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đó cũng là lý do tại cuộc họp bàn “giải cứu” thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính tổ chức với sự tham gia của 7 công ty chứng khoán và 32 doanh nghiệp phát hành trái phiếu hôm 23/11/2022, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị sửa Nghị định 65. Thậm chí, có ý kiến cho rằng nên quay lại áp dụng Nghị định 153 nhưng có thêm cơ chế giám sát thị trường, chứ không phải đặt thêm điều kiện phát hành.
Chờ yếu tố kích hoạt dòng tiền tạo sóng
Ông Phùng Trung Kiên đánh giá, nếu dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 được thông qua sẽ tạo thêm không gian, thời gian cho các tổ chức phát hành tái cơ cấu tình hình tài chính, thoả thuận lại với các trái chủ, hoán đổi tài sản từ trái phiếu sang các tài sản khác.
Ông Kiên đánh giá các thông tin này phần nào được phản ánh vào diễn biến thị trường chứng khoán. Từ giữa tháng 11 tới nay, thị trường chứng khoán đã có nhịp hồi khá tốt, với mức tăng trung bình 20 - 25%, thanh khoản cũng có sự cải thiện rõ rệt, đạt khoảng 15.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên, thay vì khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên hồi tháng 9, tháng 10.
Còn ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, chỉ câu chuyện sửa Nghị định 65 thì chưa đủ để kích hoạt thị trường chứng khoán, bởi mấu chốt vẫn ở câu chuyện thanh khoản. Dù có được giãn nợ, hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác nhưng nếu thanh khoản của doanh nghiệp đang có vấn đề thì cũng chưa tận dụng được ngay chính sách này.
Ví dụ, để hoán đổi nợ trái phiếu sang sản phẩm bất động sản, việc hoán đổi đó không mang lại dòng tiền ngay cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, chính sách này cộng với chính sách nới room tín dụng và hàng loạt tín hiệu vĩ mô khác đang được dự báo sẽ hỗ trợ tích cực cho thanh khoản của thị trường.
Dòng tiền khối ngoại đang là một chỉ báo tốt. Trong vòng gần 2 tháng qua, lượng mua ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam đạt khoảng 1 tỷ USD, chủ yếu đến từ nhà đầu tư Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ. Theo thống kê, đây là đợt mua ròng lớn nhất 10 năm qua của khối ngoại trên thị trường.
Giới chuyên gia cho rằng, giai đoạn hiện nay, động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không còn khó đoán nữa, bối cảnh vĩ mô thuận lợi, các yếu tố ủng hộ dòng tiền vào thị trường cận biên và mới nổi như tỷ giá USD đã ổn định trở lại, nhà đầu tư có thể đạt mức lãi suất kỳ vọng khoảng 5% trong năm nay và năm sau, đặc biệt họ đặt cược rằng khó khăn về thanh khoản sẽ được giải quyết nên mạnh dạn giải ngân.
Đáng lưu ý, ông Tuấn dự báo dòng vốn ngoại này sẽ là dòng vốn trung, dài hạn và đây sẽ là một lực đỡ cơ bản của thị trường trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngoại sẽ không nhanh chóng rút đi bởi họ nhìn thấy thị trường Việt Nam đang phản chiếu thị trường Thái Lan, Đài Loan 10 - 20 năm trước, nên nhìn thấy cơ hội đầu tư dài hạn.
Đặc biệt, chuyên gia cho rằng, định giá của thị trường Việt Nam hiện đang quá hấp dẫn với P/E quanh 11 lần, P/B chỉ 1,6 lần.
“Chúng ta thấy rằng 22 năm tồn tại của thị trường thì đây mới là lần thứ ba có mức định giá như vậy. Trên một nền tảng vĩ mô như hiện tại, tôi thấy rằng đây là vùng khó lặp lại trong 10 năm tiếp theo”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh, bối cảnh này phù hợp để đầu tư hợp lý, không cần quá bi quan.
Một yếu tố kỹ thuật được ông Tuấn nhấn mạnh là đòn bẩy của thị trường đã giảm. Theo đó, nếu như đầu quý I/2022, lượng margin lên tới gần 250.000 tỷ đồng (tương đương gần 10,5 tỷ USD) thì giờ đây chỉ còn khoảng 40%.
“Khúc này, chúng ta không cần bi quan nữa vì đã vượt qua khó khăn rồi. Như vậy, trong bối cảnh này, vừa có ngoại hối hỗ trợ vừa có chiết khấu định giá rẻ, vừa có hoạt động bổ trợ từ chính sách vĩ mô thì thị trường thường nhìn thấy sự dần đi vào bình ổn”, vị chuyên gia nói.
Điểm gặp nhau trong góc nhìn của hai chuyên gia là dự báo đáy trung hạn của VN-Index sẽ được thiết lập trong quý IV/2022, hoặc muộn nhất là tháng 1/2023, ở vùng chỉ số quanh 1.000 điểm.
Khuyến nghị giải ngân ở giai đoạn hiện tại, ông Tuấn chọn ba nhóm ngành là ngân hàng, thép và chứng khoán với ba đại diện gồm STB, HPG và SSI. Trong khi đó, ông Kiên khuyên nhà đầu tư chọn những doanh nghiệp đứng đầu mỗi ngành nghề, cụ thể là VCB, TCB, VHM, HPG.