Theo phương án mà Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế TNCN hiện hành, cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần chuyển nhượng. Nhiều ý kiến cho rằng, phương án này không công bằng, vì NĐT thua lỗ vẫn phải nộp thuế. Ông có thấy như vậy?
Đúng là việc thực hiện quy định hiện hành cũng như nếu phương án trên được thông qua và áp dụng, thì NĐT thua lỗ vẫn phải nộp thuế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là theo thông lệ quốc tế, với NĐT cá nhân, thì việc xác định các khoản chi phí, để đánh thuế trên thu nhập là khó khả thi. Tại Việt Nam, điều này đã được thực tế chứng minh, khi phương pháp đánh thuế dựa trên thu nhập với thuế suất 20% đã thất bại.
Việc áp dụng thuế khoán, với thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng như thời kỳ đầu phát triển TTCK là chấp nhận được. Lý do là bởi khi đó, hoạt động giao dịch chưa nhiều, hệ thống công nghệ giao dịch của các CTCK còn lạc hậu, chưa hiển thị được chêch lệch giữa giá mua, giá bán cũng như mức phí, thuế mà NĐT phải trả... Trong khi những hạn chế này không khó khắc phục (hệ thống của nhiều CTCK đã thể hiện các thông tin này), nên duy trì cách đánh thuế 0,1% trên giá trị chuyển nhượng là không ổn, vì NĐT thua lỗ vẫn phải nộp thuế.
Đâu là phương án hợp lý, thưa ông?
Đã gọi là thuế thu nhập thì phải phát sinh thu nhập mới đánh thuế. Với NĐT cá nhân, do khó xác định các khoản chi phí để tính thu nhập chịu thuế, nên họ sẽ dễ chấp nhận hơn nếu đánh thuế trên khoản thu nhập là chênh lệch giữa giá bán trừ giá mua. Thực ra, với phương pháp này, NĐT vẫn phải chịu thiệt, thậm chí lỗ vẫn phải nộp thuế, vì mức lãi thấp không bù đắp được các khoản chi phí liên quan không được trừ.
Ước tính, một giao dịch phải mang lại cho NĐT khoản lãi (thuần túy là phần chênh lệch giữa giá bán trừ giá mua) khoảng 1,5 - 2%, thì mới bù đắp được hai lần phí giao dịch (một lần mua, một lần bán chứng khoán), trả tiền lãi vay margin... Nghĩa là, ngay cả khi sửa đổi cách đánh thuế theo hướng dựa trên thu nhập là phần chênh lệch giữa giá bán trừ đi giá mua, mà với mức thuế suất cao tới 20% như hiện tại, NĐT tiếp tục đối mặt với nguy cơ thua lỗ, nhưng vẫn phải nộp thuế. Do đó, nếu sửa theo hướng này thì mức thuế suất cần giảm xuống 2 - 3% mới hợp lý. Tuy nhiên, phương án này chỉ có thể áp dụng đối với chứng khoán đã niêm yết, còn với chứng khoán chưa niêm yết, vẫn phải thực hiện theo phương pháp thuế khoán, vì thiếu cơ sở xác định giá giao dịch.
Số thuế chuyển nhượng chứng khoán nộp vào ngân sách nhà nước trong những năm qua không đáng kể, năm 2012 khoảng 132 tỷ đồng, năm 2013 là 137 tỷ đồng. Từ thực tế này, để khắc phục tình trạng sửa nhiều lần thuế TNCN, nhưng vẫn bất ổn, ông có đồng tình với quan điểm nên miễn thuế giao dịch chứng khoán cho NĐT cá nhân?
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan… đã miễn thuế giao dịch chứng khoán cho NĐT cá nhân. Đây không hẳn là động thái ưu đãi NĐT, mà thực chất là các nhà hoạch định chính sách nhắm đến lợi ích lớn, dài hạn hơn. Đó là hỗ trợ TTCK huy động vốn tốt hơn, qua đó, tạo thuận lợi cho DN có vốn kinh doanh hiệu quả hơn, từ đó, đóng thuế nhiều hơn cho ngân sách. Đây là kinh nghiệm Việt Nam nên học hỏi, nếu không muốn TTCK tụt hậu ngày càng xa về khả năng thu hút dòng vốn ngoại. Điều quan trọng là các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam cần đổi mới tư duy về thuế chứng khoán.
Đổi mới như thế nào, thưa ông?
Đó là cần có tư duy nuôi dưỡng nguồn thu vì lợi ích lớn và dài hạn, thay vì quá chú trọng cái lợi trước mắt là thu được một khoản thuế không đáng kể, trong khi tác động tiêu cực đến thu hút dòng vốn tham gia TTCK. Các nhà hoạch định chính sách cần bỏ với lối nghĩ: những người tham gia TTCK giàu có, nên cần đánh thuế nặng. Tư duy cũ này vừa gây nên những bất cập của chính sách thuế đánh vào NĐT cá nhân tham gia TTCK, vừa gây bất lợi cho TTCK Việt Nam khi cạnh tranh với các thị trường lân cận trong thu hút dòng vốn ngoại tham gia TTCK.
Để khắc phục bất cập hiện tại, các nhà hoạch định chính sách nên xem xét miễn thuế giao dịch chứng khoán cho NĐT cá nhân như nhiều thị trường đang áp dụng. Giải pháp đột phá này không gây thất thu đáng kể cho ngân sách, nhưng lại tạo hiệu ứng tích cực trong thu hút các dòng vốn tham gia TTCK, qua đó, hỗ trợ DN thuận lợi hơn trong huy động vốn, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, dần tăng khoản thuế đóng góp vào ngân sách. Khi đó, chỉ cần vài DN tăng khoản đóng thuế thêm 10 - 20 tỷ đồng/năm là đã thừa sức bù đắp vào phần hụt thu do miễn thuế giao dịch chứng khoán.