Theo các ngân hàng, việc vừa phải giảm thu nhập để cơ cấu nợ, vừa phải phân loại nợ và trích lập dự phòng gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Theo các ngân hàng, việc vừa phải giảm thu nhập để cơ cấu nợ, vừa phải phân loại nợ và trích lập dự phòng gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Sửa Thông tư 01, Ngân hàng Nhà nước có lý do chần chừ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố vào thời điểm cuối tháng 5 đến nay đã hết hạn xin ý kiến đóng góp và cần sớm chính thức ban hành, nhưng hiện vẫn chưa có thông tin gì. Tìm hiểu của Báo Ðầu tư Chứng khoán cho thấy, vướng mắc liên quan đến ý kiến đóng góp của Bộ Tài chính.

Cơ quan này đồng ý với quan điểm của NHNN cho hoãn, giãn, không chuyển nhóm nợ của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn đưa đề nghị các ngân hàng phải đánh giá thực trạng, thực chất khoản nợ, cụ thể là phân loại đúng tính chất nợ, trích lập dự phòng đầy đủ để hạn chế những rủi ro, ảnh hưởng đến hệ thống sau này.

Theo các chuyên gia kinh tế, có thể Bộ Tài chính cho rằng nên để thị trường nhìn rõ tình hình kinh doanh thực chất, bức tranh tín dụng và nợ của các doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 khi chưa có Thông tư 01.

“Bộ Tài chính có lý do để thận trọng. Nếu không có Thông tư 01, khoản nợ của doanh nghiệp không được giữ nguyên nhóm nợ và bị chuyển nhóm nợ quá hạn hoặc nợ xấu. Khi đó, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, giảm lợi nhuận, thì tiền đâu nộp thuế trong bối cảnh ngân sách đang rất khó khăn hiện nay”, một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm.

Cũng theo vị này, trường hợp các doanh nghiệp do bị chuyển nhóm nợ, đặc biệt thành nợ xấu và không được vay vốn để tiếp tục hoạt động kinh doanh, gượng dậy trong đại dịch Covid-19… thì sẽ lại “kêu” các ngân hàng không hỗ trợ, lúc đó cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm?

Ðây không chỉ là câu chuyện của riêng một cơ quan quản lý, mà là của cả nền kinh tế, nên cần chung tay tìm giải pháp phù hợp.

Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng cổ phần thì cho rằng, nếu thực hiện như kiến nghị của Bộ Tài chính thì gánh nặng sẽ đè lên hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và NHNN, trong khi các ngân hàng cũng là bên chịu ảnh hưởng sâu sắc từ dịch Covid-19.

Việc các TCTD vừa phải giảm thu nhập để cơ cấu nợ, vừa phải phân loại nợ và trích lập dự phòng gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Ðó là chưa kể khi nhìn vào các con số nợ xấu và tình hình kinh doanh đó sẽ khiến người dân lo lắng, gây ảnh hưởng tâm lý và thanh khoản thị trường.

“Hiện nay, do dòng tiền không chảy vào tín dụng được nên đang hướng vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán và vàng - vốn là những kênh đầu tư có rủi ro cao. Do đó, việc mở rộng đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng như không giới hạn số lần cơ cấu lại sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh”, vị giám đốc nhấn mạnh.

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Ðăk Nông về việc hệ thống ngân hàng có giải pháp giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ hỗ trợ cho người dân thời điểm khó khăn này gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 01 quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, khách hàng được cơ cấu nợ gốc, lãi đến hạn với thời hạn phù hợp và không bị chuyển nợ xấu, không bị tính lãi phạt; đồng thời khách hàng sau khi được cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn có điều kiện để tiếp cận các nguồn vay mới. Ðây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Ðể hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi trước tác động của dịch bệnh, 1 trong 5 giải pháp ngành ngân hàng cần tập trung được Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu tại Ðại hội đại biểu Ðảng bộ cơ quan Ngân hàng Trung ương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 nhấn mạnh: “Ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng”.

Tin bài liên quan