Một trong những điểm được quan tâm là điều kiện và thành phần hồ sơ vay vốn theo quy định tại Khoản 4, Điều 7 và Điều 38, Dự thảo Thông tư được các ngân hàng nhận định là chưa phù hợp với thực tế hoạt động cấp tín dụng phục vụ đời sống.
Cụ thể, Dự thảo Thông tư quy định, khi vay vốn phục vụ đời sống, khách hàng phải lập phương án sử dụng vốn - là tập hợp các thông tin về việc sử dụng vốn của khách hàng, gồm: tổng nguồn vốn cần sử dụng, chi tiết các loại nguồn vốn trong tổng nguồn vốn cần sử dụng, nguồn vốn vay tại TCTD, thời gian sử dụng vốn, mục đích sử dụng vốn và TCTD phải đánh giá tính khả thi của phương án này.
“Quy định khách hàng phải lập phương án sử dụng vốn vượt quá khả năng của khách hàng cá nhân khi vay những khoản tiêu dùng nhỏ lẻ và không bám sát tình hình thực tế khi phần lớn các khách hàng vay cho mục đích tiêu dùng (trừ mua nhà ở, mua xe ô tô) là những khách hàng có thu nhập trung bình, không đủ kiến thức tài chính để phân tích tổng nguồn vốn, chi tiết các loại nguồn vốn”, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nhận xét.
Liên quan đến cho vay phục vụ đời sống, Dự thảo Thông tư quy định, TCTD phải lập báo cáo thực trạng tài chính của khách hàng. Thực tế cho thấy, quy định này chỉ phù hợp với khách hàng doanh nghiệp, còn đối với khách hàng cá nhân, việc lập báo cáo thực trạng tài chính là không khả thi.
“TCTD không thể thu thập được thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và luồng tiền của các cá nhân. Bên cạnh đó, pháp luật không có quy định/hướng dẫn về việc lập báo cáo tài chính áp dụng đối với cá nhân”, vị phó tổng giám đốc trên nói.
Về việc áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa rủi ro, tạo cơ sở kinh tế và pháp lý để thu hồi được các khoản nợ đã cho khách hàng vay, Khoản 1, Điều 13, Dự thảo Thông tư quy định: “Trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay thì TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu để chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi quyết định cho vay”. Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, quy định này là cần thiết. Tuy nhiên, hiện các ngân hàng chưa rõ tài liệu chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay là những tài liệu gì.
Các ngân hàng cho biết, định chế bảo đảm tiền vay đã được quy định tại Bộ luật Dân sự, Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm (Nghị định này sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP ngày 22/2/2012) và được hướng dẫn tại các thông tư, thông tư liên tịch. Do đó, Dự thảo Thông tư cần liệt kê các tài liệu chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay để TCTD không lúng lúng khi thực hiện.
Liên quan đến vấn đề trả nợ gốc và lãi tiền vay, Khoản 4, Điều 16, Dự thảo Thông tư quy định: “Trường hợp khách hàng phải trả nợ gốc và lãi tiền vay cùng một kỳ hạn nhưng khách hàng không có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì TCTD thực hiện thu hồi nợ gốc trước, nợ lãi tiền vay sau”. Các ngân hàng đề xuất bỏ quy định này vì về nguyên tắc, việc trả nợ vay bao gồm cả gốc và lãi là nghĩa vụ của khách hàng và đã được thỏa thuận với TCTD. Ngoài ra, thứ tự thu hồi nợ gốc trước, lãi sau quy định tại Bộ luật Dân sự được áp dụng trong trường hợp thanh toán tiền xử lý tài sản bảo đảm.
“Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quy định cho phép TCTD có thể thu hồi nợ theo thỏa thuận giữa khách hàng và TCTD, tùy theo từng trường hợp cụ thể và thực tế để TCTD chủ động thu hồi nợ gốc, nợ lãi; không nên quy định cứng nhắc, không phù hợp với quyền tự chủ của TCTD (đã được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng)”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, Quyết định số 1627 ban hành từ năm 2001 đến nay đã được 15 năm, trong khoảng thời gian này, môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi. Do vậy, quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần được sửa đổi phù hợp với môi trường kinh doanh và điều kiện của thị trường tài chính hiện nay. Tuy nhiên, đây là quyết định quan trọng, ảnh hưởng lớn tới hoạt động tín dụng có quy mô gần 5 triệu tỷ đồng/năm nên cần có sự nghiên cứu thấu đáo và góp ý rộng rãi trước khi ban hành.