Sửa quy định về việc ngân hàng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

Sửa quy định về việc ngân hàng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tư 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN được ban hành đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là TCTD).

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng, việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là cần thiết để bảo đảm phù hợp với thực tế, tình hình hoạt động của các TCTD.

Sáng nay ngày 7/9, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm trực tuyến lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức.

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nhấn mạnh về sự việc bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động này.

Trong đó, liên quan đến trách nhiệm của tổ chức tín dụng khi thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp (Điều 7), ông Long cho biết, Khoản 1 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: “Thẩm định, kiểm tra phương án và các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mục đích sử dụng vốn để xem xét quyết định việc mua trái phiếu doanh nghiệp. TCTD tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp của mình”.

Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định 153/2020/CP-NĐ quy định “Phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp” đã bao gồm mục đích phát hành trái phiếu, kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu.

“Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ phần “mục đích sử dụng vốn” vì kiểm tra Phương án phát hành trái phiếu đã bao gồm mục đích sử dụng vốn”, ông Long nói.

Đối với Khoản 2 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: “Hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp tối thiểu phải có các nội dung sau: Tên trái phiếu, mục đích phát hành trái phiếu, phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán, đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phát hành;

Mục đích nắm giữ trái phiếu, số lượng, mệnh giá trái phiếu mua, giá mua trái phiếu, tổng số tiền mua trái phiếu, lãi suất trái phiếu; phương thức thanh toán gốc, lãi trái phiếu; thời hạn và phương thức thanh toán trái phiếu; biện pháp bảo đảm (nếu có);

Cam kết của doanh nghiệp phát hành không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu; cam kết của doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm cam kết giữa doanh nghiệp phát hành và tổ chức tín dụng; xử lý các vi phạm hợp đồng mua trái phiếu của các bên trong hợp đồng;

Xử lý tranh chấp phát sinh; các nội dung khác do các bên trong hợp đồng thỏa thuận phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan”.

Ông Long đề nghị: “Ban soạn thảo bỏ yêu cầu về nội dung “mục đích phát hành, phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán” do các nội dung này được nêu trong Bản công bố thông tin của Tổ chức phát hành nên không cần nhắc lại”.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Long: “Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định về “mục đích nắm giữ trái phiếu” vì hợp đồng mua bán trái phiếu doanh nghiệp là văn bản được ký kết giữa bên mua và bên bán trái phiếu với các nội dung chi tiết về khoản trái phiếu được giao dịch.

Mục đích nắm giữ trái phiếu là hoạt động kinh doanh nội bộ của TCTD sau khi thực hiện thành công giao dịch mua bán trái phiếu, đồng thời doanh nghiệp phát hành hoặc/và bên bán cũng không có nhu cầu kiểm soát mục đích nắm giữ trái phiếu của bên mua sau giao dịch. Do vậy, nội dung về mục đích nắm giữ trái phiếu được nêu ra tại hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp là chưa phù hợp”.

Ngoài ra, ông Long cho rằng, cần xem lại quy định “cam kết của doanh nghiệp phát hành không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian TCTD nắm giữ trái phiếu” và “cam kết của doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm cam kết giữa doanh nghiệp phát hành và TCTD”.

Theo ông Long, nếu trong Phương án phát hành đã có quy định về trường hợp Tổ chức phát hành phải thanh toán trước hạn trong các trường hợp vi phạm này thì có thể Tổ chức phát hành sẽ không cam kết riêng với TCTD muốn đầu tư trái phiếu, lý do có thể đưa ra là TCTD cũng chỉ là một người sở hữu trái phiếu, cùng quyền lợi ngang hàng với các trái chủ khác nên việc Tổ chức phát hành phải cam kết trong Hợp đồng mua bán hoặc cam kết riêng với TCTD là không công bằng với các trái chủ khác và nội dung cam kết cũng đã có trong Phương án phát hành.

"Như vậy, đề nghị nên trao cho TCTD quyền chủ động kiểm soát điều kiện này trong các tài liệu cam kết của Tổ chức phát hành nói chung hoặc nói riêng (khi chưa có cam kết, công bố chung)”, ông Long nhấn mạnh.

Tại Khoản 5 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: “Thực hiện theo dõi, giám sát hoặc thông qua bên thứ ba có chức năng liên quan trong giao dịch để theo dõi, giám sát việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp”.

Theo ông Long, việc chưa quy định rõ thời điểm cung cấp chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn trái phiếu dẫn tới các TCTD đang có các cách vận dụng khác nhau về thời điểm cung cấp chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn. Có TCTD yêu cầu cung cấp chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn trái phiếu ngay tại thời điểm chuyển tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, có TCTD sẽ yêu cầu cung cấp sau khi chuyển tiền đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng ...

“Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung hướng dẫn thời điểm cung cấp chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn trái phiếu để có sự thống nhất giữa các TCTD”, ông Long nói.

Tại Khoản 7 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: “Trong thời gian nắm giữ đến ngày đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, tối thiểu định kỳ 06 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành”.

Ông Long nói: “Trên thực tế đối với khoản đầu tư thứ cấp, nội dung đánh giá định kỳ 6 tháng khó thực hiện nên đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại nội dung này. Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo hướng dẫn rõ các nội dung đánh giá có bao gồm xếp hạng tín dụng lại doanh nghiệp phát hành hay không? Nếu không thì việc xếp hạng tín dụng của doanh nghiệp phát hành có phải thực hiện định kỳ không?

Liên quan đến Khoản 8 Điều 7 dự thảo Thông tư quy định: “Thực hiện theo dõi, báo cáo riêng đối với việc mua trái phiếu doanh nghiệp xanh”, ông Long cho rằng, Ban soạn thảo quy định rõ hơn thực hiện theo dõi, báo cáo riêng là tuân theo quy định nào, có theo định kỳ tối thiểu 6 tháng/ lần như ở Khoản 7 Điều 7 không?

Tin bài liên quan