Mặc dù mới chủ động được 28 - 30% nhu cầu tiêu dùng sữa, nhưng ngành chế biến sữa trong nước đang có những bước tiến mạnh mẽ hơn, khi đẩy mạnh đầu tư mở rộng năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm.
Trong năm 2013, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk, doanh nghiệp sữa lớn nhất trên thị trường, đã đưa 2 nhà máy sản xuất sữa tươi và sữa bột vào hoạt động. Nhà máy sản xuất sữa bột có công suất 54.000 tấn sữa bột/năm và Nhà máy sản xuất sữa nước giai đoạn I với công suất 400 triệu lít/năm. Hai nhà máy này có tổng mức đầu tư lên tới 4.400 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành Vinamilk cho biết, Công ty thực hiện chiến lược đầu tư để làm chủ thị trường sữa trong nước, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm ở mọi phân khúc.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Sữa quốc tế IDP cũng đang tập trung phát triển các dòng sữa nước, như sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa chua uống…
Đặc biệt, xác định đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để tập trung phục vụ người tiêu dùng trong nước, Công ty đã chủ động đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ các hãng Tetrapak (Thụy Điển), APV (Đan Mạch), Newpack (Italy), với công suất chế biến trên 150 triệu lít/năm, được đặt tại Ba Vì và Chương Mỹ (Hà Nội), ngay sát vùng nguyên liệu.
Việc đa dạng hóa sản phẩm sữa của các doanh nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Sản phẩm sữa tiệt trùng (hay sữa hoàn nguyên tiệt trùng) được bổ sung vi chất dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng người dùng và cũng rất tốt để người tiêu dùng lựa chọn.
Theo ông Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm và có nhiều lựa chọn trong việc sử dụng các sản phẩm sữa trong nước, với nhiều loại đa dạng từ sữa nước, sữa bột, sữa đặc, sữa chua uống, yaourt… phục vụ nhiều đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người bệnh…
Sự vươn lên làm chủ thị trường trong nước đối với mảng cung sữa nước càng dễ nhận thấy hơn khi các sạp bán hàng, đại lý, siêu thị lớn trên cả nước đều bán sữa nội với các thương hiệu thống lĩnh trên thị trường như Vinamilk, TH true Milk, Ba Vì, Mộc Châu…
Theo ước tính của Bộ Công thương, trong 8 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất sữa bột tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy, mặt hàng này dù còn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu, nhưng đã dần chiếm lĩnh thị trường trong nước với sản lượng ngày càng tăng.
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho biết, tăng trưởng sản lượng sữa giai đoạn 2001 - 2014 ở mức cao, trung bình 26,6%/năm.
Năm 2013, Việt Nam tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa quy đổi ở mức 18 lít/người, trong đó, sữa tươi chiếm 5,1 lít/năm. Tuy nhiên, sản lượng sữa tươi tự sản xuất trong nước mới đạt 456.400 tấn trong năm 2013, chiếm 28%, tức là 72% còn lại là nguồn nhập khẩu.
Mức chi nhập khẩu sữa cũng không ngừng gia tăng. Theo số liệu từ Hội thảo “Phát triển và đa dạng hóa sản phẩm sữa vì sức khỏe cộng đồng” do Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) và Hội Khoa học công nghệ lương thực - thực phẩm Việt Nam phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, nếu năm 2007, nhập khẩu sữa mới dừng ở 462 triệu USD, thì năm 2010 vọt lên 706 triệu USD và đến 2013 là 1,089 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu các sản phẩm sữa trị giá 734 triệu USD.
Với mức tiêu thụ các sản phẩm sữa nước tính theo đầu người tại Việt Nam còn khá khiêm tốn (hiện ở mức 18 lít/năm, so với 34 lít/năm ở Thái Lan, 112 lít/năm ở Anh), tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực này còn rất lớn và đó là cơ hội cho các nhà sản xuất sữa trong nước.