Sửa những gì trong Luật sửa đổi, bổ sung 8 luật?

0:00 / 0:00
0:00
Sáng nay, 4/1, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường.

Các nội dung được đề nghị sửa đổi được giải trình là những yêu cầu thực tiễn phát sinh cần tháo gỡ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, nằm trong các Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và một số điều của Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Phân quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án ODA

Chính phủ trình sửa 3 điều của Luật Đầu tư công (Điều 17, Điều 25 và Điều 33) để đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương.

Cụ thể, đề xuất phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 cũng được đề xuất sửa đổi theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và nhóm C, nhằm đảm bảo đồng bộ với đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công.

Đây cũng là giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này.

Thẩm quyền của UBDN tỉnh với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị

Luật Đầu tư sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều, gồm 31, 32, 33, 75 để làm rõ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị từ 300 ha trở lên.

Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong trường hợp dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dưới các mức trên phân quyền cho UBND cấp tỉnh.

Phân quyền thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cơ quan có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Đồng thời với việc phân quyền thì cần bổ sung quy định đảm bảo tính giám sát, tránh lạm dụng việc phân cấp.

Hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại

Nhà đầu tư có 1 trong các quyền sử dụng đất gồm quyền sử dụng đất ở hợp pháp; quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở; các diện diện đất này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.

Sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bổ sung “kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Chính phủ đề xuất bổ sung sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV của Luật Đầu tư và ban hành quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng.

Đề xuất này được giải trình sẽ tạo căn cứ pháp lý để Chính phủ xây dựng “Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng”, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ an ninh mạng.

Trình tự phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với dự án ODA

Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đấu thầu theo hướng: việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Quy định chi tiết nội dung này sẽ giao cho Chính phủ.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 Luật Đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài chỉ có thể được phê duyệt sau khi điều ước, thỏa thuận quốc tế đã được ký kết và có hiệu lực.

Việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ nêu trên thường mất tối thiểu từ 4 - 6 tháng đối với gói thầu quốc tế theo yêu cầu của nhà tài trợ.

Trên thực tế, tùy theo từng dự án cụ thể (như dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh), thời gian lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị hồ sơ mời thầu kéo dài hàng năm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, đó là chưa kể chi phí cam kết phát sinh mà Việt Nam phải trả.

Luật Điện lực sẽ giới hạn quy định về độc quyền nhà nước

Theo hướng chỉ quy định nhà nước độc quyền trong “vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng” và “Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ”.

Giảm gánh nặng công bố thông tin cho doanh nghiệp nhà nước

Ngoài một số nội dung mang tính kỹ thuật tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động quản trị doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp, Chính phủ đề xuất thay đổi quy định về công bố thông tin báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp nhà nước không phải công bố định kỳ báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu, để giảm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp.

Giảm 5-12% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện chạy pin

Mục tiêu là để khuyến khích việc chuyển hướng sang sản xuất loại xe điện thân thiện với môi trường. Các dòng xe lai điện tiếp tục được hưởng chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành.

Cụ thể, giảm từ 5% đến 12% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành; kể từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin.

Quy định này áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án dân sự

Theo quy định, để thực hiện việc ủy thác thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự bắt buộc phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác rồi mới thực hiện việc ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản tại địa phương khác tiếp tục tổ chức thi hành.

Quy định này dẫn đến thời gian tổ chức một việc thi hành kéo dài (thời gian xử lý một tài sản bằng tổng thời gian xử lý tài sản ở tất cả các địa phương). Trong khi đó, nếu xử lý tài sản ở các nơi cùng thời điểm có thể rút ngắn thời gian, giảm chi phí tổ chức thi hành án xuống mức tối thiểu.

Do vậy, cần bổ sung cơ chế để các cơ quan thi hành án dân sự có thể xử lý đồng thời tài sản ở các địa phương khác nhau (ủy thác xử lý tài sản).

Tin bài liên quan