Sửa Nghị định 58, vẫn chưa rõ tỷ lệ nới room

Sửa Nghị định 58, vẫn chưa rõ tỷ lệ nới room

(ĐTCK) Tuy đã phần nào tiếp thu ý kiến từ các thành viên thị trường, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, vẫn còn nhiều điểm chưa rõ.

Mặc dù Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012, đã được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) cập nhật ý kiến góp ý từ các thành viên thị trường, nhưng khi tiếp tục đưa ra lấy ý kiến các thành viên thị trường tại Hội thảo góp ý cho dự thảo được UBCK tổ chức chiều nay (25/3), tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo vẫn còn nhiều điểm chưa rõ.

Đầu tiên là quy định về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù nhiều ý kiến đề nghị, cụ thể là mới đây nhất tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo, do UBCK tổ chức tại TP.HCM, nhiều thành viên đề nghị UBCK cần làm rõ tỷ lệ nới room, nhưng tại hội thảo tổ chức chiều nay, dự thảo vẫn chưa làm rõ vấn đề này.

Lý giải vấn đề trên, Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho hay, cùng với văn bản hướng dẫn chi tiết các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngành nghề cấm kinh doanh... sẽ được ban hành thời gian tới, UBCK sẽ có sự phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đưa ra các hướng dẫn cụ thể.

Một vấn đề chưa rõ nữa của Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012 có liên quan đến quy định về người có liên quan đang có sự quy định khác biệt giữa Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Chứng khoán. Do đó, để đảm bảo tính khả thi cho nghị định sau khi ban hành, Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012 cần quy định rõ hơn về phạm vi người có liên quan. Sau khi văn bản này được ban hành, cũng cần điều chỉnh khái niệm này cho rõ, thống nhất với các văn bản hướng dẫn nghị định này, nhất là thông tư về công bố thông tin trên TTCK.

Một số ý kiến băn khoăn về quy định tại Dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012: với hình thức chào bán ra công chúng, số tiền thu được từ đợt chào bán phải được chuyển vào một tài khoản phong tỏa. Việc chuyển tiền đặt cọc và tiền mua cổ phiếu vào tài khoản phong tỏa phải do cá nhân, tổ chức đăng ký mua cổ phiếu thực hiện...

Quy định như trên, theo ý kiến từ các CTCK là thiếu thực tế, gây khó cho NĐT, bởi họ hoàn toàn có thể ủy quyền cho các tổ chức, cá nhân khác chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa... Mặt khác, việc buộc nhà đầu tư phải chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa có phải là một hình thức kiểm soát tình trạng vay tiền để mua cổ phần, cổ phiếu?

Giải đáp thắc mắc trên, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK, cho biết, ban soạn thảo sẽ cân nhắc để cho phép trong trường hợp nhà đầu tư có ủy quyền bằng văn bản cho người khác, thì có thể thay họ chuyển tiền vào tài khoản phong tỏa.

“Khi đưa ra quy định về tài khoản phong tỏa, ban soạn thảo không phải nhằm hạn chế vay tiền để mua cổ phiếu. Lý do chính để ban soạn thảo đề xuất quy định này là để hạn chế tối đa tình trạng góp vốn khống, mà trên thực tế đang có dấu hiệu diễn ra báo động…”, ông Hải nói và cho biết thêm, khi quy định này được thông qua và áp dụng trên thực tế, cơ quan quản lý hy vọng sẽ góp phần ngăn ngừa tình trạng góp vốn khống, qua đó đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động minh bạch hơn, quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông được bảo vệ tốt hơn.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên thị trường, Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long, cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu, trước khi hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ xem xét ban hành trong thời gian tới. Qua đó, mở ra những cơ chế mới nhằm thúc đẩy TTCK phát triển minh bạch, hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.

Tin bài liên quan