Cơ quan quyết định cao nhất của quỹ đầu tư chứng khoán là Đại hội NĐT của quỹ, không phải là ĐHCĐ, HĐTV

Cơ quan quyết định cao nhất của quỹ đầu tư chứng khoán là Đại hội NĐT của quỹ, không phải là ĐHCĐ, HĐTV

Sửa Nghị định 58, “làm khó” quỹ ETF

(ĐTCK) Góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang hoàn thiện, ý kiến từ các thành viên thị trường cho rằng, một số quy định tại dự thảo chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó có quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Nhầm vai?

Một điểm mới đáng chú ý được bổ sung tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán, là Điều 28a quy định về chào bán chứng chỉ quỹ tại nước ngoài. Theo đó, dự thảo quy định: “Công ty quản lý quỹ được chào bán, niêm yết chứng chỉ quỹ ở nước ngoài, huy động vốn lập quỹ đầu tư ở nước ngoài. Hoạt động huy động vốn từ nước ngoài của quỹ đầu tư chứng khoán thành lập tại Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật về ngoại hối và phải được Đại hội nhà đầu tư quỹ đầu tư chứng khoán (trong trường hợp phát hành bổ sung hoặc niêm yết chứng chỉ quỹ tại nước ngoài) và Đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu của công ty quản lý quỹ thông qua...”.

Theo giới chuyên gia trong lĩnh vực quỹ đầu tư, thực tế cho thấy, việc chào bán chứng chỉ quỹ ra nước ngoài liên quan trực tiếp đến quỹ đầu tư chứng khoán. Trong khi đó, theo quy định của Luật Chứng khoán, thì cơ quan quyết định cao nhất của quỹ đầu tư chứng khoán là Đại hội nhà đầu tư của quỹ, không phải là Đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên, hoặc chủ sở hữu của công ty quản lý quỹ như dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012. Do đó, quy định như dự thảo không phù hợp với hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán.

Để khắc phục sự không phù hợp trên, ý kiến từ các thành viên thị trường cho rằng, UBCK cần sửa đổi dự thảo Nghị định 58/2012 theo hướng: hoạt động huy động vốn từ nước ngoài của quỹ đầu tư chứng khoán thành lập tại Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật về ngoại hối và phải được Đại hội nhà đầu tư quỹ đầu tư chứng khoán (trong trường hợp phát hành bổ sung hoặc niêm yết chứng chỉ quỹ tại nước ngoài) thông qua, đồng thời bỏ yêu cầu phải được Đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu của công ty quản lý quỹ thông qua...

Tránh quy định “lệch” với thực tế

Khi quy định về điều kiện niêm yết chứng chỉ quỹ đại chúng hoặc cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, khoản 3, Điều 53 dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012 quy định: có ít nhất 100 người sở hữu chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng hoặc ít nhất 100 cổ đông nắm giữ cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, không bao gồm NĐT chuyên nghiệp...

Theo Thông tư 229/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ hoán đổi danh mục, việc chào bán lần đầu của quỹ ETF là chào bán theo lô chứng chỉ quỹ. Một lô chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục tối thiểu là 100.000 chứng chỉ quỹ, mệnh giá lúc chào bán là 10.000 đồng, nên một lô chứng chỉ quỹ có giá trị 1 tỷ đồng. Vì đặc thù này, nên Thông tư 229/2012 không quy định điều kiện về số lượng tối thiểu 100 NĐT tham gia vào quỹ ETF. Từ thực tế này, việc dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012 đặt ra yêu cầu: có ít nhất 100 người sở hữu chứng chỉ quỹ của quỹ ETF... vừa “lệch” với quy định hiện hành, vừa không khả thi với quỹ ETF.

Để xử lý bất ổn này, các công ty quản lý quỹ đề nghị, ban soạn thảo cần sửa đổi theo hướng: nên tách riêng quy định về niêm yết cho loại hình quỹ ETF với nội dung tương tự như Quy chế niêm yết dành cho quỹ ETF trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho thống nhất với việc áp dụng trên thực tế.

Ngoài ra, khi quy định về hồ sơ đăng ký niêm yết, huỷ bỏ niêm yết chứng chỉ quỹ ETF tại Sở GDCK, dự thảo đưa ra nhiều quy định có sự khác biệt so với quy định hiện hành. Điều này dẫn đến việc sau khi dự thảo sửa đổi Nghị định 58/2012 được ban hành, sẽ phải sửa đổi nhiều quy định tại Thông tư 229/2012, Quy chế niêm yết dành cho quỹ ETF của HOSE, có thể gây khó cho các công ty quản lý quỹ, trong khi đây đang là những quy định phù hợp với thực tế hoạt động của quỹ ETF. Bởi vậy, các thành viên thị trường đề xuất, để tạo thuận lợi cho quỹ ETF hoạt động, các quy định về vấn đề này nên giảm thiểu sự khác biệt bằng cách kế thừa các nội dung đã được quy định tại các văn bản hiện hành.

Tin bài liên quan