Sửa Nghị định 20: Chuyên gia đề xuất giữ nguyên mức trần chi phí lãi vay 20% để chống trốn thuế

Sửa Nghị định 20: Chuyên gia đề xuất giữ nguyên mức trần chi phí lãi vay 20% để chống trốn thuế

(ĐTCK) Tại tọa đàm Khấu trừ lãi suất và trốn tránh thuế: Sửa Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo hướng nào?, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đề xuất giữ nguyên mức trần khống chế là 20%.
Bộ Tài chính đang tiến hành lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định này.
 Theo quy định tại Nghị định 20, tổng chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) chi phí lãi vay thuần cộng (+) chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Đây là quy định khiến nhiều doanh nghiệp phản ứng từ năm 2017 đến nay. Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất dự thảo nâng mức trần khống chế chi phí lãi vay lên 30%.

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, Nghị định 20 có đối tượng điều chỉnh là các doanh nghiệp có giao dịch liên kết (tức là các công ty có quan hệ họ hàng như bố mẹ, con cái, anh chị em, con cháu trong họ). Nghị định 20 không có mục đích cản trở việc vay nợ để thực hiện sản xuất - kinh doanh, mà chỉ hạn chế việc vay nợ giữa các bên có liên kết nhằm chống hành vi trốn tránh thuế.

Một doanh nghiệp có chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20 phải phụ thuộc vào hai điều kiện là mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính (tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, và do vậy là tỷ lệ lãi vay/Ebitda) và có giao dịch liên kết hay không.

PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết, theo tính toán từ bộ dữ liệu điều tra doanh nghiệp các năm, giai đoạn 2013 - 2017, các doanh nghiệp nhà nước có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là khoảng 1,8. Con số này cao hơn so với khối doanh nghiệp FDI (1,6), nhưng thấp hơn so với doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,9). Nếu xét theo ngành nghề, doanh nghiệp nhà nước trong một số ngành nghề có hệ số nợ/vốn chủ cao hơn hẳn hai khu vực còn lại như chế biến chế tạo, tài chính, xây dựng, tiện ích (điện nước).

Nghị định 20 không có mục đích cản trở việc vay nợ để thực hiện sản xuất - kinh doanh, mà chỉ hạn chế việc vay nợ giữa các bên có liên kết nhằm chống hành vi trốn tránh thuế

- PGS.TS Phạm Thế Anh

Theo chuyên gia này, mức độ sử dụng đòn bẩy của khu vực doanh nghiệp nhà nước là rất cao. Hệ quả là, chi phí lãi vay/EBITDA của khu vực này cũng cao hơn hẳn so với khu vực FDI. Trong khi, doanh nghiệp ngoài nhà nước là khu vực doanh nghiệp có tỷ lệ lãi vay/EBITDA lớn nhất, song lại ít có quan hệ liên kết nhất, nên ít chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20.

Còn khu vực FDI có chi phí lãi vay quốc tế/lãi vay trong là thấp nhất cho thấy chủ yếu là có vay nợ từ thị trường quốc tế, rất có thể từ các công ty liên kết ở nước ngoài.

Chính vì vậy, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, muốn chống hành vi trốn thuế rất phức tạp của khu vực FDI và cả khu vực doanh nghiệp trong nước,  không nên nâng mức khống chế tỷ lệ lãi vay/Ebita được khấu trừ thuế từ 20% lên 30%. Tuy nhiên, để tuân thủ tốt Nghị định 20, chuyên gia này cũng đề xuất một số ý kiến:

Thứ nhất, mức khống chế trần chi phí lãi vay cần được áp dụng cho tất cả doanh nghiệp.

Mặt khác, chi phí lãi vay từ các hợp đồng vay nợ ký kết trước thời điểm Nghị định 20 có hiệu lực nên được khấu trừ toàn bộ.

Thứ ba, cho phép các doanh nghiệp chuyển phần chi phí lãi vay chưa được khấu trừ vào một số năm tiếp theo (có giới hạn).

Cuối cùng, chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập nên được miễn trừ hoàn toàn và không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20.

Tin bài liên quan