Sửa Nghị định 15/2018: Các hiệp hội ngành thực phẩm sẵn sàng đối thoại với Bộ Y tế

0:00 / 0:00
0:00
Các hiệp hội ngành thực phẩm vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị không sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP trong giai đoạn hiện nay.
Sửa Nghị định 15/2018: Các hiệp hội ngành thực phẩm sẵn sàng đối thoại với Bộ Y tế

Trong công văn, các hiệp hội viết: Nghị định 15 trong 4 năm qua đã và đang tiếp tục tạo ra những thành tựu to lớn về cải cách thủ tục hành chính, phát triển kinh tế và đảm bảo an toàn thực phẩm. Các cải cách trong Nghị định cần được tiếp tục triển khai và phát huy. Do đó, chưa nên sửa đổi, bổ sung Nghị định trong giai đoạn này

Công văn của các hiệp hội gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh thông điệp giữ vững và phát huy các thành tựu to lớn của Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Các hiệp hội cùng tham gia có kiến nghị gồm Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, Hiệp hội Chè Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản.

Lý do của kiến nghị này là vào ngày 9/3/2022, Bộ Y tế có Báo cáo 313/BC-BYT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15, trong đó nhắc tới 8 điểm tồn tại, hạn chế.

Các hiệp hội cho rằng, 8 điểm này chưa chính xác, chưa sát với thực tiễn, nhiều nội dung đề xuất đã được thiết kế trong Nghị định 15 trên thực tế chỉ cần phát huy khâu thực thi.

“Nếu sửa đổi khi chưa xem xét kỹ có thể dẫn đến các tác động không phù hợp với các Nghị quyết 01/2022/NQ-CP và Nghị quyết 02/2022/NQ-CP của Chính phủ”, các hiệp hội gửi ý kiến tới Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, các hiệp hội đã gửi tới Chính phủ và Bộ Y tế lời cám ơn vì đã ban Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Nghị định 15 đã áp dụng phương thức quản lý tiên tiến chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; mạnh mẽ phân cấp, phân quyền xuống các địa phương, nâng cao trách nhiệm của cơ sở sản xuất kinh doanh, đúng như những chỉ đạo của Thủ tướng hiện nay. Nhờ vậy, trong 4 năm qua, Nghị định 15 đã tạo ra những thành quả to lớn cho kinh tế-xã hội, được cộng đồng doanh nghiệp hết sức hưởng ứng và các cơ quan Chính phủ đánh giá rất tích cực.

Với lý do trên, các hiệp hội mong rằng và sẵn sàng được trao đổi, đối thoại với Bộ Y tế vào bất kỳ khi nào với các dữ liệu thực tế để làm rõ 8 điểm trên.

Quan điểm của các hiệp hội là cần nghiên cứu đánh giá tác động sau 4 năm thực hiện là rất cần thiết, để có cơ sở khoa học đưa ra các sửa đổi, bổ sung cần thiết, theo hướng đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, phân cấp phân quyền, cải thiện môi trường kinh doanh theo đúng các Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ. 4.

Đặc biệt, triển khai mạnh mẽ việc thực thi Nghị định 15 xuống các địa phương, tăng cường hậu kiểm, giám sát việc thực thi Nghị định cả ở các doanh nghiệp và cơ quan quản lý các cấp, đảm bảo thực thi đầy đủ và hiệu quả các cải cách về hậu kiểm, phân cấp-phân quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính được nêu trong Nghị định là cần thiết.

Các doanh nghiệp cũng gửi kiến nghị tới Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các cơ quan quản lý cấp tỉnh, đề nghị nhanh chóng triển khai chính phủ điện tử, đăng ký online để quản lý an toàn thực phẩm được nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Tin bài liên quan