Ảnh Internet

Ảnh Internet

Sửa Luật Thương mại để cải thiện môi trường kinh doanh

(ĐTCK) Luật Thương mại sau 10 năm thực hiện đến nay đã có nhiều bất cập và thiếu tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đòi hỏi phải tiến hành sửa đổi, bổ sung mới có thể đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, phù hợp với việc thực thi các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam. 

Khuyến nghị này đã được nhiều chuyên gia luật cũng như các hiệp hội ngành, nghề và DN đưa ra tại Hội thảo Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại 2005, do Bộ Công thương phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức.

Theo luật sư Ngô Việt Hòa, cùng với những bất cập do lỗi thời và thiếu tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, ngay bản thân Luật Thương mại trong quá trình thực thi đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết nội tại, do một số quy định được xây dựng không phù hợp, thiếu tính khả thi.

Trước hết, theo phân tích của luật sư Hòa, điều bất cập lớn nhất là, tuy được coi là bộ luật chung tạo nền tảng cho các hoạt động thương mại của DN, song hầu hết các quy định quan trọng về hoạt động thương mại, chính sách thương mại trong quan hệ thương mại tư đều không thể tìm thấy trong Luật.

Ông Hòa nêu dẫn chứng cụ thể ở các quy định về xuất nhập khẩu, phân phối, khu thương mại, cửa khẩu, biên mậu, thương mại nội địa, thương mại điện tử, kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm (xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá…) hầu như đều không có trong Luật Thương mại, mà phần lớn được quy định trong hệ thống chằng chịt các thông tư và hướng dẫn quy định dưới luật. Điều này tạo ra khoảng cách khác biệt lớn giữa luật và nghị định thi hành, gây khó khăn và bất cập cho việc thực thi.

Bên cạnh đó, luật này ra đời dường như làm phức tạp hơn vấn đề áp dụng luật cho các quan hệ tư, do nhiều quy định của Luật Thương mại gây ra sự chồng chéo không cần thiết trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là với Bộ Luật Dân sự.

“Trước khi có Luật Thương mại thì chỉ có 2 tầng trong hệ thống luật quy định về thương mại là luật chuyên ngành và Luật Dân sự, nếu quy định không có ở luật chuyên ngành thì dẫn chiếu theo Luật Dân sự. Khi Luật Thương mại ra đời, với nhiều quy định chồng chéo, trùng lắp với Luật Dân sự, vô hình chung lại tạo thêm một tầng luật chung gian, làm phức tạp hóa hệ thống luật pháp thương mại.  Đặc biệt là các quy định về chế tài, về hợp đồng dịch vụ, hợp đồng mua bán hàng hóa, cho thuê hàng hóa, quảng cáo… hầu hết đều trùng với Luật Dân sự hay luật chuyên ngành về quảng cáo, tạo ra sự lúng túng trong thực thi pháp luật cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Hòa phân tích.

Cũng theo ông Hòa, Luật Thương mại được cho là ra đời nhằm phục vụ cho việc Việt Nam gia nhập WTO (2007) nhưng thực tế, bản thân Luật không có các quy định về vấn đề này, mà chủ yếu các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại mới trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên.

Đứng ở góc độ đại diện cho DN, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đồng tình cho rằng, sự thiếu vắng cũng như một số quy định còn khó hiểu, không rõ ràng, dễ nhầm lẫn trong Luật thương mại đã và đang gây nhiều khó khăn cho DN và cả cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình áp dụng. Theo bà Loan, một trong những quy định đang làm phức tạp hóa và gây khó khăn cho việc thành lập cũng như hoạt động của DN, đó là quy định về khái niệm thương nhân.

“Luật Thương mại quy định thương nhân phải là tổ chức được thành lập hợp pháp là không hợp lý, có sự trùng lặp với quy định phải “có đăng ký kinh doanh”. Bên cạnh đó, việc đưa ra điều kiện “thương nhân phải hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên” là không rõ ràng, ví dụ trong các lĩnh vực như buôn bán ôtô, bất động sản, chứng khoán … không phải lúc nào cũng có hoạt động thường xuyên, quy định như vậy đã hạn chế quyền kinh doanh của thương nhân và phạm vi áp dụng của Luật”, bà Loan phân tích.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Loan, một số điều luật quy định về quản lý cá nhân trong hoạt động thương mại, khuyến mại, nhượng quyền thương mại, mua bán hàng hóa…còn nhiều bất cập, không đầy đủ, không rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khiến cho việp áp dụng pháp luật trên thực tế không được thống nhất, có thể dẫn đến sự đối xử khác nhau giữa các DN hoặc không đảm bảo tính hợp lý và/hoặc tính khả thi.

Đại diện Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn chỉ ra sự không phù hợp trong quy định về các danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện tại Luật Thương mại với Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được ban hành tại Luật Đầu tư 2014. Theo Ban Pháp chế VCCI, điều này đòi hỏi phải có sự rà soát tổng thể để bỏ đi và cập nhật danh sách mới phù hợp với luật liên quan hiện hành.

Để khắc phục các bất cập trên và hoàn thiện Luật Thương mại theo hướng thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của thương nhân, DN, luật sư Ngô Việt Hòa đề xuất cần bỏ cách tiếp cận Luật Thương mại là luật chung áp dụng cho các hoạt động thương mại. Luật Thương mại là một luật chuyên ngành và có vị trí tương tự như các luật chuyên ngành khác. Ông Hòa cũng khuyến nghị cần bổ sung các nguyên tắc, quy định cụ thể về chính sách liên quan tới quan hệ thương mại tư, đồng thời loại bỏ các quy định trùng lặp không cần thiết với Luật Dân sự.

Tin bài liên quan