Quốc hội nghe Chính phủ trình bày dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Quốc hội nghe Chính phủ trình bày dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Sửa Luật Thuế GTGT: Phân bón, máy cày, lưu ký chứng khoán... phải nộp thuế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi vừa được Chính phủ trình Quốc hội, có 12 nhóm hàng hoá phải chuyển từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế GTGT, bao gồm phân bón, máy cày, tàu cá đánh bắt xa bờ, dịch vụ lưu ký chứng khoán...

Sửa đổi nhiều nội dung quan trọng tại dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi)

Chiều 17/6, tiếp chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ và thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự án Luật Thuế GTGT sửa đổi Luật Thuế GTGT hiện hành (áp dụng từ năm 2013) nhằm bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu để góp phần chặn đà giảm sút của quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) (trong bối cảnh không điều chỉnh tăng mức thuế suất GTGT); đồng thời khắc phục các bất cập, chồng chéo, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.

Dự thảo Luật thuế GTGT (sửa đổi) gồm 04 Chương, 18 Điều, trong đó:

Giữ nguyên nội dung quy định tại 05 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Thuế GTGT (Điều 2); Đối tượng chịu thuế (Điều 3); Căn cứ tính thuế (Điều 6); Phương pháp tính thuế (Điều 9).

Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 11 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: Người nộp thuế (Điều 4); Đối tượng không chịu thuế (Điều 5); Giá tính thuế (Điều 7); Thuế suất (Điều 8); Phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); Phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (Điều 11); Khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Điều 12); Các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); Hóa đơn, chứng từ (Điều 14); Hiệu lực thi hành (Điều 15); Tổ chức thực hiện (Điều 16).

Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế GTGT và 01 Điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) chiều 17/6

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) chiều 17/6

Ông Phớc cho hay, đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật đã bám sát theo 05 nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng ý gồm:

Một là, Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT;

Hai là, Hoàn thiện các quy định về giá tính thuế GTGT;

Ba là, Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế GTGT;

Bốn là, Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào;

Năm là, Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT.

Đồng thời, thực hiện ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 28 của UBTVQH (ngày 18/12/2023): Quy định về thuế GTGT nằm ở nhiều nghị định khác nhau, nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng luật khung, luật ống nhất là đối với luật về thuế”, dự thảo Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật đối với 04 nhóm chính sách là: người nộp thuế, thời điểm xác định thuế GTGT, phương pháp khấu trừ thuế và phương pháp tính trực tiếp.

Phân bón, máy nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, lưu ký chứng khoán.. phải nộp thuế GTGT

Một trong những điểm quan trọng của dự thảo Luật lần này là vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa khấu trừ thuế nhưng có 12 hàng hóa và dịch vụ được đưa sang diện chịu thuế.

Bao gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.

Trong đó, các mặt hàng sau chuyển từ mức chịu thuế thuế GTGT 0% chuyển sang mức 5% gồm: phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (gồm: máy cày; máy bừa; máy phay; máy rạch hàng; máy bạt gốc; thiết bị san phẳng đồng ruộng; máy gieo hạt; máy cấy;...), thủy sản; máy thu gom, bốc mía, lúa, rơm rạ trên đồng; máy ấp, nở trứng gia cầm; máy thu hoạch cỏ, máy đóng kiện rơm, cỏ; máy vắt sữa và máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định của Chính phủ (điểm b, điểm g khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật).

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc sửa đổi quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% là giải pháp để thực hiện kiến nghị nêu tại Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ và xử lý kết quả rà soát theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội.

Việc sửa đổi quy định rõ tên các máy móc thiết bị chuyên dùng cho phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế suất GTGT 5% là giải pháp để khắc phục vướng mắc trong việc xác định mục đích sử dụng của các máy móc thiết bị chuyên dùng sử dụng cho đa mục đích, trong đó có cả mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Việc chuyển các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp (phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp) sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% sẽ góp phần tránh hiệu ứng tăng giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp.

Tại dự thảo Luật này, Chính phủ cũng sửa đổi, quy định rõ “Kinh doanh chứng khoán bao gồm: môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; còn đối với những hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán thì sẽ thuộc đối tượng chịu thuế vì các dịch vụ này có phạm vi rất rộng và không có tiêu chí rõ ràng làm cơ sở xác định có đúng là dịch vụ kinh doanh chứng khoán theo pháp luật về chứng khoán hay không để áp dụng đúng quy định của Luật thuế GTGT (điểm c khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật).

Theo cơ quan trình dự thảo, việc quy định cụ thể tên các hoạt động kinh doanh chứng khoán thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT tại dự thảo Luật nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật chứng khoán, bảo đảm tính minh bạch, giảm rủi ro cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế trong thực thi pháp luật về thuế.

Miễn thuế GTGT cho một số hàng hoá

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định “công trình xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài, trong khu phi thuế quan” là hàng hóa xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư)(điểm a khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật).

Bổ sung quy định “hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh” và “hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% để khuyến khích xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ, hoạt động bán hàng miễn thuế, thu hút khách du lịch (điểm a khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật).

Bổ sung quy định cụ thể 03 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư) (điểm a khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật) gồm: Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; Xăng, dầu mua tại nội địa bán cho cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; Hàng hóa cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định sản phẩm cung cấp trên nền tảng số không được áp dụng thuế suất 0% theo quy định của Chính phủ để đảm bảo tính linh hoạt cho việc hướng dẫn xác định sản phẩm nào được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp.

"Việc xác định địa điểm tiêu dùng sản phẩm cung cấp trên các nền tảng số là rất phức tạp, hiện nay đều chỉ căn cứ theo kê khai của người nộp thuế. Đối với kinh doanh tài sản số, dịch vụ số, theo báo cáo của Bộ Công an, dự báo đến hết năm 2023, kinh tế số Việt Nam có thể chiếm trên 17% GDP và đến năm 2025 có thể đạt 20% GDP. Hiện nay, khung pháp lý, chính sách quản lý cụ thể đối với tài sản số, dịch vụ số chưa đầy đủ, theo đó, Bộ Công an đề nghị nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả các cơ chế quản lý, điều chỉnh và thu thuế phù hợp đối với hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số (điểm a khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật)", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Trước đó, dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân thông qua Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Dự án Luật sẽ được thảo luận tại tổ vào chiều 17/6, thảo luận tại hội trường chiều 24/6 và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV (vào tháng 10/2024).

Tin bài liên quan