Sửa luật phải giải quyết được vướng mắc thực sự, đừng sửa vài điều

Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đề xuất, song song với ra soát nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung luật về đầu tư, kinh doanh, nên rà soát cả các nghị định có liên quan vì nhiều vướng mắc thực tế phát sinh từ nghị định. 
Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh

Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh

Xây dựng luật sửa đổi, bổ sung luật về đầu tư kinh doanh thế nào đang là chủ đề nóng. Đang có ý kiến cho rằng, nếu không đưa được một quy trình thủ tục đầu tư để công khai, thì việc sửa đổi một vài điều của các luật sẽ không có giá trị. Ông có ý kiến thế nào?

Tôi đồng ý với cách đặt vấn đề này. Cơ quan soạn thảo phải thấy rõ doanh nghiệp cần gì ở văn bản luận này.

Chúng tôi đã có khảo sát. Các doanh nghiệp cần thủ tục hành chính thuận lợi hơn, hồ sơ đơn giản hơn, thời gian giải quyết rút ngắn, minh bạch và tiên lượng được theo một quy trình thống nhất. Họ cũng muốn tiếp cận các nguồn lực của nhà nước, như đất đai, khoáng sản..., một cách thuận lợi và bình đẳng, theo cơ chế thị trường, tránh cửa quyền, bất bình đẳng do thân hữu hay sau sau.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nhìn thấy cơ chế kiểm soát điều kiện kinh doanh, giảm bớt điều kiện kinh doanh để họ cũng có thể tham gia vào quá trình kiểm soát này.

Đây chính là điều mà họ chưa nhìn thấy trong các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh hiện tại. Thậm chí, các quy định này đang có sự chồng chéo giữa các luật với nhau. Chính vì vậy, việc rà soát cần rất chi tiết, cẩn trọng, vì nếu chỉ sửa một vài điều thì có thể sẽ không đạt được mục tiêu trên.

Cách đây vài năm, Bắc Ninh đã rà soát các thủ tục về đầu tư và cũng đã được đưa ra quy trình thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Tuy nhiên, thủ tục này đã không dùng được nữa sau năm 2015, khi hàng loạt luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, ... được sửa đổi, có hiệu lực...

Là người tham gia trực tiếp vào việc rà soát khi đó, Bắc Ninh đã thực hiện các thủ tục này thế nào, thưa ông?

Năm 2008-2009, Bắc Ninh đã ban hành quy định về trình tự, thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai. Thực chất đây là cách làm giảm bớt những tác động xấu của các luật liên quan do không đồng bộ, chồng chéo trong quy định.

Khi đó, chúng tôi tiến hành rà soát từng cử động trong chu trình hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Quy định nào thuộc thẩm quyền của địa phương, cắt bỏ được thì cắt bỏ. Thủ tục nào văn bản  luật không quy định rõ thời giản thực hiện thì chúng tôi quy định thực hiện song song...

Cùng với đó, Bắc Ninh thể chế hóa quy trình đó, thống nhất chuẩn mực về nội dung, hình thức các loại giấy tờ hồ sơ trong thủ tục, hoàn thiện cơ chế một cửa trong giải quyết các thủ tục.

Nhờ vậy, thời gian tiếp cận đất của doanh nghiệp ở Bắc Ninh thời gian đó đã giảm được một nửa.

Đưa ra ví dụ đó, tôi muốn nói là nếu địa phương làm được thì trung ương hoàn toàn có thể làm được và giải quyết dứt điểm hơn các vướng mắc. Vì khi thiết lập quy trình của địa phương, khi thấy có những thủ tục ở cấp bộ, ngành có thể thực hiện song song, chúng tôi đề nghị nhưng được trả lời là phải nghiên cứu, xin ý kiến...

Theo ý kiến của ông, điều mà luật này cần đưa ra là một quy trình thủ tục đầu tư cụ thể?

Theo tôi ban soạn thảo cần nghiên cứu để thể chế hóa được quy trình này, làm rõ thủ tục  nào thực hiện trước, thực hiện sau. Để làm được, sẽ phát hiện ra những gì cần phải sửa, chứ hiện tại có một số điều khoản đang đưa ra sửa không thực sự giải quyết vấn đề.

Đặc biệt, cũng phải rà soát các nghị định có liên quan vì nhiều vướng mắc đang phát sinh từ chính các nghị định, chứ không chỉ là luật. Như hiện tại, các nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng đang bó chặt các dự án đầu tư xây dựng, chứ không hẳn là Luật Xây dựng...

Tôi cho rằng, có thể sẽ không chỉ sửa một vài điều, mà cả cách tư duy về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh để sau khi sửa luật, các nghị định không đặt thêm các rào cản, vương mắc.

Mà cách sửa này thì thực sự là thách thức với ban soạn thảo.

Tin bài liên quan