Sửa luật phá sản: vẫn chưa thống nhất

Sửa luật phá sản: vẫn chưa thống nhất

(ĐTCK) Sáng nay (29/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật phá sản (sửa đổi). Còn nhiều ý kiến khá khác nhau liên quan tới nhiều nội dung dự thảo.

Luật phá sản 2004 đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc khó thực thi dẫn đến không phá sản được doanh nghiệp dù số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động rất lớn. Dự án Luật phá sản (sửa đổi) nhằm khắc phục khiếm khuyết của Luật 2004 và có thể thực thi, phù hợp với thực tiễn.

Góp ý vào dự thảo luật, có một số ý kiến đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật. Theo đại biểu Huỳnh Văn Tính, Tiền Giang, đối tượng của Luật phá sản không nên chỉ là doanh nghiệp, HTX mà cần mở rộng thêm các đối tượng là chủ thể sản xuất kinh doanh, đảm bảo cho chủ nợ có cơ chế đòi nợ, tránh tình trạng xiết nợ, đòi nợ thuê gây hậu quả xã hội.

Tuy nhiên, các đại biểu của các cơ quan tư pháp lại không đồng tình với việc mở rộng diện điều chỉnh. Đại biểu Phạm Văn Gòn, Viện trưởng Viện KSND TP Hồ Chí Minh cho rằng phá sản là tình huống bất bình thường là trường hợp bất khả kháng không phải DN nào cũng có, không phải ai cũng phá sản. Do đó, đại biểu cho rằng không nên mở rộng bởi không khả khi và để lại hậu quả xã hội lớn. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh cũng không ủng hộ việc mở rộng phạm vi điều chỉnh.

Đối với quy định nhận diện doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, đa số đại biểu đồng tình với quy định tại Dự thảo luật: không thanh toán được nợ (không có tranh chấp) trong 3 tháng khi chủ nợ có yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến đại biểu băn khoăn về quy định “không tranh chấp) bởi thực tế nếu con nợ muốn né tránh quy định này có thể dễ dàng tạo ra tranh chấp, thậm chí chủ động khởi kiện ra tòa án.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Thanh Hóa đề xuất nên quy định không thanh toán được nợ ngắn hạn trong 3 kỳ để con nợ có thời gian khắc phục, tìm phương án giải quyết.

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Văn Tính cho rằng cấm những người nắm giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, lĩnh vực công ích bị tuyên bố phá sản không được thành lập doanh nghiệp mới, không được làm quản lý từ 1 đến 3 năm là quá nghiêm khắc. Thời hạn 3 năm là quá dài, tương tự thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ với tội phạm. Nếu quy định như vậy người ta sẽ tìm cách né tránh phá sản.

Về quản tài viên, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng Luật chưa làm rõ 2 vấn đề, thứ nhất là điều kiện để trở thành quản tài viên. Dự thảo luật quy định quản tài viên là luật sư và phải được cấp chứng chỉ nhưng phá sản doanh nghiệp liên quan nhiều đến kinh tế, điều hành, quản lý doanh nghiệp nên phải có kinh nghiệm, trình độ, am hiểu kinh tế để điều hành doanh nghiệp.

Thứ hai, dự thảo luật quy định về thư ký của Quản tài viên nhưng không làm rõ số lượng thư ký, số lượng quản tài viên bởi trong trường hợp doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn chỉ 1 quản tài viên, 1 thư ký là không đủ. Do đó cần quy định số lượng quản tài viên, thư ký hoặc cho phép quản tài viên có thể thuê chuyên gia tư vấn để thực hiện nhiệm vụ…

Luật phá sản (sửa đổi) dự kiến được thông qua vào năm 2014, trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII.

>> Luật Phá sản đã… phá sản

>> Luật Phá sản dưới góc nhìn luật sư

>> Chớm phá sản, có nên đưa DN ra Tòa?

>> Mở đường cho doanh nghiệp được “chôn”

>> Lộ diện “cái chết riêng” cho CTCK