Sửa Luật Phá sản, cần nhìn lại "vết xe đổ"

Sửa Luật Phá sản, cần nhìn lại "vết xe đổ"

(ĐTCK)Để Luật Phá sản sửa đổi có hiệu lực thực thi trên thực tế, điều đầu tiên là cần tìm hiểu vì sao Luật Phá sản hiện hành gần như “vô hiệu” trong việc điều chỉnh các hoạt động liên quan. Đó là quan điểm được nhiều ý kiến đồng tình tại cuộc hội thảo về dự luật này do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Diễn đàn DN Việt Nam và TAND Tối cao tổ chức ngày hôm qua (17/12).  

Sửa Luật Phá sản, cần nhìn lại "vết xe đổ" ảnh 1

Cần bổ sung quy định về các loại tài sản được miễn trừ khỏi tài sản phá sản

Trên thực tế, Luật Phá sản năm 1993 đã được sửa đổi lần 1 vào năm 2004. Tuy nhiên, những “vết xe đổ” vẫn lặp lại khi từ đó đến nay, chỉ có chưa đến 80 quyết định phá sản được Tòa án tuyên trong 9 năm Luật có hiệu lực thi hành.

Góp ý về Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, nhiều đại biểu cho rằng, đối tượng của Luật Phá sản không nên chỉ là DN, HTX, mà là bất cứ ai có hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, một số quy định tại Dự thảo như việc nhận diện DN lâm vào tình trạng phá sản hay thời hạn để chủ một số loại  hình DN bị phá sản được thành lập DN mới… là quá nghiêm khắc, khó thực thi.

Tại hội thảo, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một trong những điểm nghẽn lớn nhất khiến Luật Phá sản 2004 khó triển khai đó là cả “chủ nợ” lẫn “con nợ”, những đối tượng chịu tác động trực tiếp của luật này, không có động lực để sử dụng nó như một công cụ để bảo vệ quyền lợi của mình.

Nhà nước vẫn can thiệp quá nhiều vào quy trình đòi nợ đặc biệt này, mà đáng ra quyền quyết định nên thuộc về các chủ nợ và Nhà nước chỉ nên đóng vai trò là người giám sát, đảm bảo quy trình này đi theo đúng trật tự.

“Luật Phá sản sửa đổi lần 1 nhận được kỳ vọng rất lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế”, một luật sư nhận xét.

Luật sư Trần Anh Hùng đến từ BROSS & Partners cho rằng, liên quan đến vấn đề giải thích từ ngữ trong dự thảo này, cần quy định bổ sung thêm khái niệm về “Người mắc nợ” và cần có một điều luật riêng quy định quyền, nghĩa vụ của đối tượng này.

Còn chuyên gia tư vấn cao cấp Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Sandy Shandro khuyến cáo, cổ đông của công ty không mắc nợ không có nghĩa vụ tài chính ngoài khoản vốn góp của họ.

Do đó, quyết định mở thủ tục phá sản của DN mắc nợ không nên do cổ đông thực hiện hay cần được cổ đông thông qua. Quyết định này chỉ cần do đại diện hợp pháp của DN mắc nợ đưa ra theo đúng trách nhiệm của họ.

Ông Phil Smith, Giám đốc Dịch vụ tái cơ cấu của KPMG chia sẻ, Dự thảo Luật sửa đổi cần hướng tới cải thiện việc bảo vệ quyền và lợi ích của chủ nợ của đơn vị “phá sản” thông qua nhiều hình thức, bao gồm: thứ nhất, việc tạo điều kiện dễ dàng cho chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thứ hai, giới thiệu một quản tài viên độc lập được đề cử bởi chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Đại diện VCCI cho biết, một trong những thay đổi quan trọng của Dự thảo so với Luật Phá sản năm 2004 là thay đổi chế định “Tổ quản lý, thanh lý tài sản” thành chế định “Quản tài viên”. Đây là một bước tiến mới, tiến bộ và phù hợp với thông lệ trên thế giới. Tuy nhiên, Dự thảo dường như mới chỉ đơn thuần là thay thế chủ thể mà chưa có các quy định để đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động của chủ thể mới.

“Chẳng hạn như tiêu chuẩn trở thành Quản tài viên, Dự thảo quy định, luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên thì có thể được Tòa án chỉ định làm Quản tài viên. Tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên và việc quản lý nhà nước đối với Quản tài viên do Chính phủ quy định (Điều 12). Như vậy, để thực hiện được nhiệm vụ này, Quản tài viên phải có kiến thức và trình độ về quản trị và tài chính DN. Liệu nếu chỉ là luật sư có đáp ứng được điều kiện này hay không?”, đại diện VCCI nói.

Liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động của DN bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, Luật sư Trần Anh Hùng cho rằng, cần bổ sung quy định về các loại tài sản được miễn trừ khỏi tài sản phá sản, đặc biệt đối với tài sản của DN tư nhân, công ty hợp danh và hợp tác xã.

“Các đồ vật phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày mang tính chất tối thiểu của chủ doanh nghiệp, lãnh đạo hợp tác xã, các khoản trợ cấp cho nhân viên mất khả năng lao động, do bệnh tật, do mất việc làm... cần được miễn trừ khỏi danh mục tài sản bị phong tỏa khi yêu cầu phá sản”, ông Hùng nói.

Dự kiến, Luật Phá sản sửa đổi lần này sẽ được đưa ra xem xét thông qua trong năm 2014 tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.      

>>Sửa luật phá sản: vẫn chưa thống nhất 

>>Chớm phá sản, có nên đưa DN ra Tòa?

>>Luật Phá sản dưới góc nhìn luật sư