Nhiều doanh nghiệp dệt may có nhu cầu tăng khung giờ làm thêm lên hơn 300 giờ/năm.
Đây là một trong nhiều nội dung của Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, mới được Bộ LĐ-TB&XH công bố trung tuần tháng 8 tại Hà Nội.
Người lao động: Bù đắp 1 phần sinh hoạt phí
Được biết, việc tăng số giờ làm thêm trong năm sẽ được tính toán đảm bảo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là hội nhập quốc tế.
Trao đổi với PV Dân trí về đề xuất tăng giờ làm thêm, ông Phạm Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận xét: “Nếu ở các nước phát triển, điều kiện làm việc và năng suất cao hơn, có thể giờ làm việc ít đi. Nhưng trong điều kiện năng suất, thu nhập hiện nay và điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, chúng ta phải chấp nhận tình trạng tăng giờ làm thêm”.
Hiện tại, Bộ Luật Lao động năm 2012 đang quy định, người sử dụng lao động không được tăng quá 20 giờ làm thêm trong 1 tháng, 200 giờ trong 1 năm và trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ
- Ông Phạm Minh Huân cho biết
Trong điều kiện còn hạn chế, ông Phạm Minh Huân cho rằng, người lao động của chúng ta còn “đầu tắt mặt tối”:
“Và cũng vì mức lương còn khiêm tốn, không ít người lao động ở các KCN còn chủ động đăng ký làm thêm giờ để có thêm các khoản bù đắp cho sinh hoạt”.
Đồng thời với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và da giày, do nhịp độ thực hiện các đơn hàng có thể khiến phát sinh tình trạng tăng ca, đẩy nhanh sản xuất để phục vụ tiến độ xuất hàng. Trong điều kiện này, việc tăng số giờ làm thêm của người lao động là không tránh khỏi.
“Hiện trên thị trường có hiện tượng: Lúc thì người lao động căng mình ra để làm thêm, nhưng cũng có lúc chơi dài. Thậm chí, doanh nghiệp phải vận động người lao động tạm nghỉ vì thiếu việc” - Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết.
Tuy nhiên, Nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng, việc tăng giờ làm thêm cần lưu ý và phân tích tác động ngược của tăng giờ làm thêm là gì?
Mức 400 giờ: Chỉ ở trường hợp hãn hữu
Trước đó, cũng liên quan tới đề xuất tăng giờ làm thêm, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho biết: Trong những năm trước đây, khi bàn tới việc xây dựng Luật Lao động năm 2012, Tổng LĐLĐ VN đã phản đối đề xuất tăng thêm thời gian làm thêm giờ được một số đơn vị đưa ra.
Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng đồng tình với thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may phản ánh tình trạng đơn hàng cần thực hiện gấp, nhưng gặp khó khăn bởi quỹ thời gian làm thêm ít.
Nếu lạm dụng nhiều việc gia tăng làm thêm giờ, người lao động có thể gây ra tai nạn lao động, năng suất lao động có xu hướng giảm đi
- Ông Lê Đình Quảng lo ngại
“Tới bối cảnh hiện nay, có thể xem xét theo hướng “nới rộng” thêm giới hạn giờ làm thêm hơn 200 giờ/năm. Việc này phần nào sẽ tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp nhưng chế độ chi trả giờ làm thêm nên tính theo phương pháp lũy tiến” - ông Lê Đình Quảng cho biết.
Vậy phương pháp luỹ tiến sẽ được tính ra sao?
Vị Phó trưởng Ban Quan hệ lao động cho biết: Nếu làm thêm 200 giờ đều vào ngày thường thì việc chi trả hiện nay bằng 150% lương của ngày làm việc bình thường. Nếu doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm từ 200-300 giờ, người sử dụng phải trả bằng 200% lương của ngày làm việc bình thường.
Trường hợp tăng từ 300-400 giờ, người sử dụng lao động phải trả mức 250% lương của ngày làm việc bình thường. Nếu trên 500 giờ, mức phải trả bằng 300% lương của ngày làm việc bình thường.
Trường hợp nào nâng lên 400 giờ làm thêm?
Bày tỏ quan điểm cá nhân, ông Lê Đình Quảng cho rằng, giới hạn làm thêm giờ hiện nay (300 giờ) có thể nâng tới 400 giờ chỉ trong trường hợp đặc biệt và gắn với việc tính lương theo lũy tiến.
Đồng thời, việc gia tăng giới hạn giờ làm thêm chỉ nên áp dụng ở một số doanh nghiệp đặc thù theo ngành nghề hoặc sử dụng đông lao động.