Các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thích nghi hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới

Các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thích nghi hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới

Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ mở ra cơ hội phát triển mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp.

Ông dự báo như thế nào về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2021?

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)

Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đáng kể đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm. Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có giãn cách, cách ly xã hội trong thời gian đầu đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mới cũng như phục vụ khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Mặc dù vậy, với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế..., thị trường bảo hiểm năm 2021 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.

Dự kiến, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2021 như sau: tổng tài sản toàn thị trường đạt 682.523 tỷ đồng, tăng 19,07%; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 570.589 tỷ đồng, tăng 20,87%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt 442.918 tỷ đồng, tăng 21,42%; tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đạt 215.954 tỷ đồng, tăng 16,13%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt 156.124 tỷ đồng, tăng 22,19%; tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 50.685 tỷ đồng, tăng 3,93% so với năm 2020.

Theo ông, đâu là các nguyên nhân chính tạo nên kết quả này?

Tôi cho rằng, có 4 nguyên nhân chính giúp các doanh nghiệp bảo hiểm vượt qua thách thức trong năm 2021 và ghi nhận kết quả hoạt động khả quan.

Thị trường sẽ minh bạch hơn với các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

Thứ nhất, với việc thực hiện mục vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế, Chính phủ đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần thúc đẩy tiêu dùng, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng tạo điều kiện và môi trường ổn định cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng khôi phục, đẩy mạnh triển khai hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, Bộ Tài chính luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh các chính sách chung về giãn, hoãn, giảm thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm, thông tin thường xuyên, kịp thời đến các doanh nghiệp về định hướng nghiên cứu, xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm đảm bảo sự phát triển của thị trường trong dài hạn.

Thứ ba, các doanh nghiệp bảo hiểm đã rất chủ động trong việc thích nghi hoạt động sản xuất - kinh doanh trong tình hình mới, rà soát, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính và mở rộng các kênh phân phối, nhất là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, đẩy mạnh các hình thức phân phối bảo hiểm trực tuyến, tăng cường giao dịch online với khách hàng, triển khai đa dạng các kênh thu phí trực tuyến và gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm trong giai đoạn khách hàng không thể đóng phí do giãn cách xã hội...

Thứ tư, về phía người tham gia bảo hiểm, nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đã được nâng lên đáng kể trong những năm qua, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Người dân vì thế đã chủ động hơn, sớm hơn trong việc tiếp cận và tham gia bảo hiểm.

Luật sẽ có những thay đổi gì và tác động tới hoạt động của các công ty bảo hiểm như thế nào?

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã có những thay đổi cơ bản nhằm kiến tạo thị trường và thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp.

Một là, dự thảo Luật thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây. Thị trường sẽ minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

Hai là, thay đổi phương thức quản lý giám sát từ can thiệp sau sang can thiệp sớm, nhằm giảm số doanh nghiệp có nguy cơ bị mất khả năng thanh toán. Theo đó, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, hội đồng quản trị, ban kiểm soát trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát.

Ba là, hoàn thiện quy định về hợp đồng bảo hiểm theo hướng tăng tính minh bạch về sản phẩm (từ phía doanh nghiệp bảo hiểm) và đối tượng được bảo hiểm (từ phía bên mua bảo hiểm), nhằm giảm tranh chấp có thể phát sinh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, an toàn, khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhiều sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2021/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, có hiệu lực từ ngày 1/6/2021. Làm thế nào để tạo ra một cơ sở dữ liệu chung về bảo hiểm đầy đủ, cập nhật, nhưng vẫn đảm bảo bảo mật thông tin khách hàng?

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung là cần thiết, phục vụ cho mục đích tính phí bảo hiểm phù hợp, đảm bảo quyền lợi khách hàng, đảm bảo an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác thẩm định phát hành hợp đồng, hỗ trợ giải quyết quyền lợi bảo hiểm được nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, cơ sở dữ liệu chung sẽ giúp hạn chế các hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm và hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc hoạch định chính sách kịp thời, phù hợp.

Các dữ liệu chỉ được sử dụng cho các mục đích cụ thể và phải được bảo mật theo đúng quy định pháp luật (Bộ luật Dân sự, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Khám chữa bệnh, Luật Giao thông đường bộ...).

Ngoài việc bổ sung nội dung về cơ sở dữ liệu chung, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có những thay đổi cơ bản khác nhằm kiến tạo thị trường như khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp và thị trường phát triển phù hợp xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây dự kiến sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chuyển đổi số, đồng thời đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi tham gia bảo hiểm.

Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh vẫn xuất hiện trên thị trường, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có biện pháp gì để khắc phục?

Thị trường bảo hiểm hiện nay vẫn còn hiện tượng các doanh nghiệp cạnh tranh thông qua hạ phí bảo hiểm, dẫn tới một số nghiệp vụ bị lỗ, có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của công ty bảo hiểm. Nhằm hạn chế hiện tượng này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường, nhằm làm cơ sở cho các doanh nghiệp bảo hiểm xác định phí bảo hiểm chuẩn, biểu phí sàn, đảm bảo tỷ lệ phí phù hợp với quyền lợi bảo hiểm; yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải công khai thông tin về sản phẩm, hoạt động... thường xuyên, định kỳ cho khách hàng, cơ quan quản lý và các tổ chức cá nhân có liên quan.

Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi các quy định về quản lý sản phẩm bảo hiểm. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện đăng ký cơ sở và phương pháp tính phí bảo hiểm với Bộ Tài chính trước khi thực hiện. Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp tính phí bảo hiểm. Đối với các loại hình về sản phẩm bảo hiểm bắt buộc (như bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc…), Chính phủ quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu.

Nhằm đảm bảo an toàn tài chính của doanh nghiệp, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định nhằm chuyển đổi mô hình quản lý giám sát từ mô hình khả năng thanh toán 1 (Solvency 1) sang mô hình giám sát trên cơ sở rủi ro với 3 trụ cột: vốn trên cơ sở rủi ro kết hợp với các biện pháp can thiệp sớm, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và công khai thông tin nhằm giám sát sớm trên cơ sở rủi ro. Việc áp dụng các mô hình này sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xác định quy mô kinh doanh phù hợp với khả năng tài chính, lượng hóa mức độ rủi ro, kịp thời có biện pháp an toàn tài chính.

Dự thảo Luật đã nâng chuẩn an toàn tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế, quy định cụ thể về tỷ lệ an toàn vốn và 3 biện pháp can thiệp tương ứng (cải thiện, can thiệp sớm và kiểm soát) nhằm kịp thời phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục tương ứng để doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo khả năng thanh toán. Dự thảo Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, người quản trị điều hành, chủ đầu tư trong từng trường hợp.

Ông có thể chia sẻ mục tiêu, nhiệm vụ của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trong năm 2022?

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cơ quan quản lý đã và đang triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển toàn diện, an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo Quyết định 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, các nhóm giải pháp chính bao gồm:

- Hoàn thiện cơ sở pháp lý: Trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý trên cơ sở rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm; hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý.

- Nâng cao tính minh bạch thông tin: Yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai thông tin đầy đủ, toàn diện nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp.

- Phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0.

- Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính. Chuyển đổi mô hình quản lý giám sát bảo hiểm sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

- Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Hướng tới áp dụng khung tiêu chuẩn năng lực phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của thị trường; ban hành các quy định chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực thông qua hệ thống chứng chỉ chuyên môn phù hợp; tăng cường công tác đào tạo cán bộ.

- Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm nhằm hệ thống hóa toàn diện toàn bộ dữ liệu ngành bảo hiểm phục vụ công tác quản lý giám sát và kiểm soát rủi ro, trục lợi bảo hiểmn

Tin bài liên quan