Bước tiến quá độ
Các loại tài sản có giá trị thường xuyên biến động theo giá thị trường, thì DN được hạch toán theo giá hợp lý (giá thị trường) theo quy định của Bộ Tài chính… Đây là một trong những thay đổi lớn mà Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Kế toán sửa đổi đề xuất bổ sung vào quy định hiện hành. Nội dung này thu hút nhiều ý kiến góp ý của các DN, chuyên gia tại “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện Dự thảo Luật Kế toán sửa đổi”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính phối hợp tổ chức ngày 27/5.
“Trong bối cảnh nền kinh tế, DN Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, việc cho phép DN hạch toán giá trị các loại tài sản theo giá thị trường, thay vì hạch toán theo giá gốc đang bộc lộ nhiều bất cập như hiện nay là một bước tiến. Tuy nhiên, chỉ là bước tiến quá độ, vì chưa thể thừa nhận và áp dụng rộng rãi nguyên tắc hạch toán theo giá thị trường…”, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam nhận xét, đồng thời kiến nghị, dự thảo Luật cần quy định rõ hai nội dung: trường hợp nào thì được hạch toán theo giá hợp lý; phạm vi sử dụng của báo cáo tài chính (BCTC) được lập theo giá trị hợp lý, tránh đề cập chung chung như Dự thảo.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán, theo ông Trần Văn Tá, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), trong bối cảnh nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện hiện tại, Luật Kế toán sửa đổi đang gặp khó khi chưa thể áp dụng rộng rãi nguyên tắc hạch toán theo giá trị hợp lý, cũng như quy định cụ thể về phương thức xác định giá hợp lý. Vì phải chấp nhận bước tiến quá độ này, nên dự thảo Luật cần quy định các nguyên tắc xác định giá trị hợp lý để khi Luật có hiệu lực là áp dụng được luôn, tránh quy định như dự thảo là phải chờ Bộ Tài chính có hướng dẫn mới được áp dụng. Trên thực tế, nhiều quy định đang bị treo, do suốt thời gian dài Bộ Tài chính không có văn bản hướng dẫn.
“Có chăng Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn những nội dung mang tính kỹ thuật, chứ nguyên tắc xác định giá trị thị trường phải được quy định cụ thể trong Luật”, ông Tá nhấn mạnh.
Vẫn chưa ổn
“Chúng ta tạm bằng lòng với bước tiến quá độ như Dự thảo. Tuy nhiên, so với yêu cầu hội nhập ngày một sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhất là yêu cầu đảm bảo tính minh bạch thông tin tài chính của DN, thì rõ ràng vẫn chưa ổn…”, ông Tá nói và phân tích thêm, ngay cả với bước tiến như Dự thảo, thì mức độ cải thiện minh bạch thông tin về DN vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này cũng khiến các DN gặp khó, bởi trên thực tế, nhiều DN hợp tác, đầu tư kinh doanh với đối tác nước ngoài phải “dịch” BCTC từ hạch toán theo giá gốc sang giá thị trường. Nếu không làm như vậy, đối tác ngoại không chấp nhận.
Đại diện cho Ban soạn thảo, ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, Luật Kế toán hiện hành quy định duy nhất theo nguyên tắc giá gốc (giá trị ghi sổ) để hạch toán và lập BCTC. Do Việt Nam đang hoàn chỉnh cơ chế kinh tế thị trường, nên việc hạch toán theo giá gốc là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Một số lĩnh vực như chứng khoán, nếu phản ánh theo giá gốc sẽ không cho thấy thực chất bức tranh về vốn, tài sản của doanh nghiệp. Thực tế này tác động tiêu cực đến tính trung thực của hệ thống thông tin về DN niêm yết trên TTCK. Do hạn chế của Luật Kế toán hiện hành, nên khi cần lãi để tồn tại, hoặc muốn đủ tiêu chuẩn tham gia TTCK, DN tìm cách chế biến, làm đẹp BCTC…”, ông Hùng cảnh báo, đồng thời cho biết thêm, nếu thuần túy áp dụng nguyên tắc giá thị trường trong hạch toán kế toán thì sẽ không hoàn toàn phù hợp, bởi một số yếu tố kinh tế thị trường vẫn chưa được hoàn chỉnh.
Theo đó, có loại tài sản nếu hạch toán theo giá trị thị trường, thì không có đủ cơ sở xác định giá để hạch toán và báo cáo. Bởi vậy, chỉ những tài sản có giá trị thường xuyên biến động theo giá thị trường và có cơ sở định giá, thì mới được hạch toán theo giá trị hợp lý, chứ nếu nói giá thị trường chung chung, sẽ rất khó xác định cụ thể…
Theo bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, trên cơ sở ý kiến góp ý cho dự thảo Luật, Ban soạn thảo cần nghiên cứu tiếp thu theo hướng đáp ứng nguyện vọng hợp lý của các đối tượng điều chỉnh, cũng như phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Trên cơ sở đó hoàn thiện Dự thảo, để trình Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 tới.