Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình)

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình)

Sửa Luật Dược: Đại biểu Quốc hội cho rằng, ưu đãi doanh nghiệp nội nhưng không loại trừ quyền kinh doanh của khối FDI

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, khi sửa Luật Dược, chúng ta chú trọng ưu đãi doanh nghiệp nội nhưng cần lưu ý không vi phạm cam kết thu hút FDI trong lĩnh vực dược vì điều này không chỉ ảnh hưởng nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh mà còn hạn chế cơ hội tiếp cận thuốc chất lượng cao của người dân.

Tiếp chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, tại phiên thảo luận hội trường sáng 22/10 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về những quy định ưu đãi doanh nghiệp dược trong nước có thể làm hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong cùng ngành.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu vấn đề, trong báo cáo tiếp thu giải trình dự án Luật (sau khi được góp ý tại kỳ họp trước), có nêu đề nghị bảo lưu theo dự thảo đối với quy định không cho phép mở rộng dịch vụ bảo quản và vận chuyển đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đủ năng lực về kho bãi và cơ sở trung chuyển hàng hóa, do lo ngại ảnh hưởng tới an ninh thuốc và an ninh y tế (khoản 4 Điều 53a).

Theo đại biểu, Điều 32 khoản 1 của Luật Dược 2016 quy định hoạt động kinh doanh, bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc là một hoạt động kinh doanh dược độc lập và cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc cũng được liệt kê tại khoản 2 Điều 32 như một cơ sở kinh doanh độc lập với các cơ sở bán buôn hay cơ sở bán lẻ thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Vì vậy, tại khoản 4 Điều 53a quy định các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài không thực hiện các hoạt động bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc mà không nêu rõ các hoạt động này gắn với bán hàng thì vô hình trung chúng ta đã loại trừ quyền kinh doanh của các doanh nghiệp FDI đối với các hoạt động kinh doanh độc lập và không liên quan đến phân phối thuốc được quy định trong luật.

Về cơ sở thực tiễn, vị đại biểu phân tích, theo các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam chưa cam kết mở cửa phân phối dược phẩm nhưng không bảo lưu quyền tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics.

Cụ thể, theo cam kết trong WTO thì Việt Nam đã bỏ hạn chế với tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics và sau 7 năm thực hiện khi gia nhập, Việt Nam đã không còn hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

"Như vậy, theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia thì các dịch vụ bảo quản, vận chuyển thuốc, nguyên liệu làm thuốc nếu được cung cấp độc lập, không gắn liền với hoạt động bán hàng thì không được coi là hoạt động có liên quan đến phân phối và Việt Nam cho đến nay không hạn chế quyền tiếp cận thị trường đối với các dịch vụ này", đại biểu nhấn mạnh.

Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu giải trình dự án Luật Dược sửa đổi sáng 22/10

Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu giải trình dự án Luật Dược sửa đổi sáng 22/10

"Thực tiễn trong nước và quốc tế cho thấy việc tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát huy sự tự chủ, nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà cả ngành công nghiệp dược", đại biểu đoàn Thái Bình nói.

Đồng thời bà nhấn mạnh, phần lớn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển như Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore đều đã thực hiện chính sách mở cửa trong lĩnh vực phân phối và logistics dược phẩm; những chính sách này đã tác động tích cực trong việc huy động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.

Vì vậy, đại biểu cho rằng chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này.

Cũng góp ý về vấn đề nói trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng, chúng ta thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa nhưng cần phải biết vị trí mình đang ở đâu. Nếu không, chúng ta sẽ làm nhiều biện pháp để ngăn chặn không cho các hãng dược phẩm lớn vào Việt Nam, trong khi thuốc tương đương của chúng ta không thể so sánh nổi với thuốc tốt của nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định)

Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là người dân vẫn phải dùng thuốc nước ngoài khiến giá thuốc bị đẩy lên, thậm chí một số công ty dược lớn không nhập về Việt Nam nữa.

"Ví dụ như các loại kháng sinh đường tiêm truyền như Ofmantine, Fortum, Thiên Nam, Cefobid hay Sulperazone, hiện nay các công ty lớn dường như đã rút khỏi thị trường Việt Nam, lý do là không cạnh tranh nổi về giá khi chúng ta đưa các sản phẩm nội lên tương đương cùng trong nhóm để đấu thầu tập trung", ông Hiếu nêu.

Phát biểu sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài là một nội dung rất quan trọng của dự án Luật.

Cơ quan soạn thảo trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo đã rất thận trọng, cân nhắc để đánh giá toàn diện xem chúng ta có vi phạm các quy định pháp luật hiện nay về đầu tư, về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vi phạm các quy định, điều kiện kinh doanh hay không.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, từ trước đến nay Việt Nam luôn bảo lưu quyền phân phối trực tiếp đối với dược phẩm và điều này đã được thể hiện tại các hiệp định như AVFTA, CPTPP, WTO.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Dự thảo Luật đã quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu sản xuất tại Việt Nam thì được hưởng toàn bộ các quyền như nhà đầu tư trong nước bao gồm quyền phân phối, quyền cung cấp cho các cơ sở bán buôn trực tiếp cung cấp thuốc cho cơ sở bán lẻ, cơ sở khám, chữa bệnh đối với thuốc mình tự sản xuất.

Hoạt động này, theo bà Lan, chính là thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại Việt Nam, tránh tình trạng doanh nghiệp ngoại coi Việt Nam chỉ là thị trường cho họ buôn bán, đắt thì bán, không đắt, không lợi thì rút.

"Vừa rồi Thủ tướng đi Ấn Độ và kêu gọi thu hút đầu tư ngành dược cho Việt Nam. Ấn Độ và Trung Quốc là những thị trường rất lớn, cung cấp 70% nguyên liệu làm thuốc của thế giới nhưng chưa có một doanh nghiệp dược của Ấn Độ nào sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi nghĩ họ phải đến mình, phải xây dựng nhà máy ở đây, họ phải sản xuất ở đây thì họ mới gắn bó với mình, không chỉ là chỗ buôn bán, đề nghị các đại biểu hết sức cân nhắc chuyện này", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu quan điểm.

Về vấn đề bảo lưu quyền được phân phối trực tiếp đối với dược phẩm tại các hiệp định trên, theo bà Lan, đã được Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan nỗ lực rất nhiều trong quá trình thực hiện các đàm phán.

"Nếu phải mở rộng thêm quyền cho các doanh nghiệp theo hướng cho phép trực tiếp phân phối thuốc sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn, an ninh quốc gia về thuốc do hệ thống phân phối thuốc có thể bị chi phối bởi một số tập đoàn lớn, việc này chúng tôi đã có báo cáo đánh giá tác động rất rõ", bà Lan nói và nhấn mạnh, không phải vì quy định này mà họ không đến Việt Nam buôn bán.

Thực tế, trước đây chỉ có 3 cơ sở nhập khẩu thuốc có vốn đầu tư nước ngoài nhưng đến nay con số này đã là 36 cơ sở.

Tin bài liên quan