Sửa Luật Doanh nghiệp: Thêm điều kiện bảo vệ cổ đông

Sửa Luật Doanh nghiệp: Thêm điều kiện bảo vệ cổ đông

(ĐTCK) Tiếp tục nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thân thiện với người dân và doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai các bước sửa Luật Doanh nghiệp với nhiều nội dung mới đáng chú ý. Dự thảo này được soạn thảo theo thủ tục rút gọn và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) theo quy trình tại một kỳ họp.

Tránh để quyết định của ĐHCĐ bị… treo

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tiễn áp dụng Luật Doanh nghiệp đã góp phần xóa bỏ rào cản về kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường, tạo cơ sở pháp lý cho cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch.

Bên cạnh kết quả tích cực đạt được, thực tiễn hơn 2 năm thi hành Luật Doanh nghiệp đã bộc lộ số một số vướng mắc, nên cần sửa đổi để tiếp tục tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện với người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Liên quan đến cơ chế hoạt động của công ty cổ phần, một trong những bất cập đang bộc lộ là Điều 146 Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định: cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) phải được ghi biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác. Biên bản phải lập bằng tiếng Việt, có thể lập thêm bằng tiếng nước ngoài và có các nội dung chủ yếu như: họ, tên chủ tọa và thư ký; chữ ký của chủ tọa và thư ký...

Thực tế áp dụng quy định này đang phát sinh tình huống, tuy ĐHCĐ đã thông qua các quyết định đúng quy định và điều lệ, nhưng khi thư ký hoặc chủ tọa phản đối bằng cách không ký vào biên bản, thì nghị quyết ĐHCĐ không có giá trị dẫn đến quyền của cổ đông bị xâm phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung Khoản 4 vào Điều 146 với nội dung: Trường hợp chủ tọa cuộc họp, người ghi biên bản từ chối ký tên vào nghị quyết và biên bản họp ĐHCĐ, thì nghị quyết và biên bản họp phải có họ, tên và chữ ký của các thành viên HĐQT đã tham dự họp và biểu quyết nhất trí thông qua nghị quyết của ĐHCĐ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc bổ sung quy định trên nhằm đảm bảo giá trị pháp lý của nghị quyết, biên bản họp ĐHCĐ, đảm bảo giải quyết đầy đủ và kịp thời lợi ích hợp pháp của công ty và cổ đông, cũng như các thành viên có liên quan.

Nới điều kiện với ban kiểm soát

Một bất cập khác đang bộc lộ trong hoạt động của công ty cổ phần do Điều 163 Luật Doanh nghiệp quy định: Trưởng ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp... Thực tế cho thấy áp dụng quy định này không phù hợp, vì chuyên môn của trưởng ban kiểm soát tùy thuộc vào phạm vi và tính chất hoạt động của doanh nghiệp, không cần thiết phải là kế toán hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp.

Để khắc phục bất cập, cơ quan soạn thảo đề xuất chỉ yêu cầu trưởng ban kiểm soát công ty cổ phần phải đạt yêu cầu trình độ chuyên môn của kế toán viên hoặc kiểm toán viên, mà không yêu cầu người đảm nhiệm chức vụ này phải được cấp chứng chỉ kiểm toán viên, kế toán viên.

Bên cạnh đó, Điều 164 Luật Doanh nghiệp quy định: Kiểm soát viên công ty cổ phần niêm yết, công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên… Quy định này đồng nghĩa yêu cầu tất cả các kiểm soát viên của công ty niêm yết, công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đều phải có trình độ chuyên môn về kế toán. Thực tế cho thấy quy định này không phù hợp, vì đơn vị cần những người có chuyên môn khác tham gia vào ban kiểm soát, không chỉ đơn thuần là kế toán, kiểm toán…

Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi theo hướng chỉ yêu cầu công ty cổ phần niêm yết, công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải có ít nhất một kiểm soát viên là kiểm toán viên, hoặc kế toán viên, mà không yêu cầu toàn bộ kiểm soát viên phải là kiểm toán viên hoặc kế toán viên.

Việc sửa đổi như trên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giúp đơn giản hóa tiêu chuẩn và điều kiện đối với kiểm soát viên của công ty, giảm gánh nặng về quản trị doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu về năng lực chuyên môn đối với thành viên ban kiểm soát.

Liên quan đến thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp, Điều 112 Luật Doanh nghiệp quy định, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp... Thực tế áp dụng quy định này đang bộc lộ bất cập, gây khó cho cả doanh nghiệp lẫn cổ đông do thời hạn quá ngắn. Để khắc phục, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng thời hạn thanh toán từ 90 ngày thành 36 tháng, để bảo đảm khả thi, đủ thời gian cần thiết cho cổ đông góp vốn điều lệ, nhất là các doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn.

Tin bài liên quan