Cổ đông thiểu số vẫn khó
Với kỳ vọng gia tăng sự bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số, nhiều ý kiến của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và chuyên gia luật cho rằng, nên giảm tối đa yêu cầu về tỷ lệ cổ phần sở hữu đối với cổ đông trong thực hiện các quyền khởi kiện cũng như quyền được tiếp cận thông tin trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Tuy nhiên, bên cạnh đòi hỏi bảo vệ quyền cổ đông nhỏ, thì mục tiêu quan trọng đặt ra trong việc sửa đổi Luật là tránh khả năng bị lợi dụng để thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh và gây rối, phá hoại doanh nghiệp.
Ðồng tình với mức giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần được Ban soạn thảo đưa ra tại dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới nhất, ông Ðậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, việc giảm tỷ lệ nắm giữ từ 10% xuống còn 3% cổ phần để cổ đông có thể thực hiện quyền khởi kiện là phù hợp.
Xu hướng ngày càng phổ biến tại các quốc gia hiện nay là làm sao để nhà đầu tư bỏ ít vốn vào doanh nghiệp nhưng quyền lợi vẫn được bảo vệ ở mức cao.
Mặt khác, 1 - 3% là tỷ lệ không nhỏ đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, do đó, ngay bản thân nhà đầu tư đều phải tính toán cẩn trọng để bảo vệ lợi ích của mình.
Dẫu vậy, ở góc nhìn của cổ đông thiểu số, dù đánh giá tích cực việc tiếp thu điều chỉnh của Ban soạn thảo, song ông Nguyễn Xuân Hồng, cổ đông Công ty cổ phần Container Việt Nam đề xuất, nên bỏ yêu cầu về tỷ lệ cổ phần sở hữu đối với cổ đông và nhóm cổ đông để được quyền khởi kiện hủy bỏ nghị quyết của đại hội đồng cổ đông trong trường hợp nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật và điều lệ công ty (Ðiều 147) và thực hiện khởi kiện đối với thành viên hội đồng quản trị, lãnh đạo công ty (Ðiều 161) tại dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Hồng cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu từ 10% xuống 3% đối với quyền kiện hủy nghị quyết đại hội đồng cổ đông trong dự thảo mới là một con số đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp triệt để nhằm đạt mục tiêu đặt ra là "cởi trói" thực sự cho cổ đông nhỏ, giúp họ có đủ khả năng bảo vệ được quyền lợi của mình, cũng như góp tiếng nói bảo vệ tài sản cổ đông trước hành vi xâm hại, lợi dụng chiếm đoạt trong trường hợp hội đồng quản trị ra nghị quyết vi phạm pháp luật và điều lệ công ty, thậm chí trong một số trường hợp còn là chiếm đoạt tài sản và vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp.
“Việc tập hợp được đủ tỷ lệ sở hữu 3% vẫn rất khó khăn đối với cổ đông nhỏ, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp có quy mô vốn lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, chẳng hạn ở nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa thì tỷ lệ này gần như là bất khả thi đối với cổ đông thiểu số. Trong trường hợp này, khi các thành viên hội đồng quản trị cấu kết, bắt tay nhau để chiếm đoạt tài sản cổ đông và vốn nhà nước, đẩy cổ đông nhỏ ra ngoài, thì gần như các cổ đông thiểu số khó có khả năng tập hợp đủ để khởi kiện”, ông Hồng nói.
Theo quan điểm của các nhà đầu tư nhỏ, nên bỏ quy định về trần tỷ lệ sở hữu cổ phần để cổ đông có quyền khởi kiện.
Còn giải pháp cho bài toán tránh nguy cơ đối thủ hoặc cổ đông lợi dụng để gây rối, quấy phá công ty do việc kiện hủy nghị quyết là Luật có thể bổ sung chế tài phạt những cổ đông lợi dụng để kiện bừa.
Bên thua kiện ngoài việc chịu án phí còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của đơn khởi kiện, thậm chí phải chịu những hình phạt nặng để răn đe, cùng những đòi hỏi chứng minh chặt chẽ từ phía tòa án.
Về việc bỏ quy định sở hữu cổ phần liên tục trong vòng 6 tháng tại dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, nhiều ý kiến nhà đầu tư đánh giá cao, song cũng băn khoăn quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải tập hợp đủ tỷ lệ sở hữu 10% để có quyền đề cử người vào hội đồng quản trị, ban kiểm soát, vì cổ đông thiểu số vẫn khó có tiếng nói trong hội đồng quản trị.
Cần đồng bộ khung pháp lý và thực thi
Liên quan vấn đề tiếp cận thông tin, ý kiến từ phía nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng, dù Luật Doanh nghiệp sửa đổi có giảm quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần xuống 3% đối với cổ đông trong việc được tiếp cận thông tin trong hoạt động điều hành công ty, nhưng Ðiều 57, Luật Chứng khoán vẫn giữ quy định về bảo mật, không cho phép cổ đông tiếp cận thông tin để lập thành nhóm khởi kiện, thì cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề, bởi sự thiếu đồng bộ giữa các luật.
Cụ thể, Luật Chứng khoán không cho phép được tiếp cận thông tin thì các cổ đông nhỏ không có cách nào có được thông tin về các cổ đông sở hữu tỷ lệ bao nhiêu cổ phần, cũng như các thông tin để liên lạc, nhằm tập hợp đủ số lượng cổ phần để thực hiện được quyền khởi kiện.
Theo ông Hồng, trong trường hợp Luật Chứng khoán sửa đổi không bỏ quy định bảo mật, thì Luật Doanh nghiệp cần bỏ yêu cầu nhóm cổ đông phải tập hợp đủ tỷ lệ nắm giữ 3% cổ phần mới được khởi kiện.
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật, luật sư Trần Thị Thanh Huyền, Văn phòng luật sư NhQuang & Cộng sự lưu ý, thường có khoảng cách không nhỏ giữa các quy định trong luật và việc thực hiện trên thực tế.
“Về quyền tiếp cận thông tin của cổ đông, Ban soạn thảo có thể quy định tiêu chí sở hữu 3% hay 1%, thậm chí chỉ là 1 cổ phiếu thì cổ đông vẫn có quyền tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, đó là trên quy định. Việc cổ đông đó có thực sự tiếp cận được thông tin trên thực tế hay không mới là vấn đề đáng quan tâm đặt ra, mà người làm luật khó có thể nắm bắt hay quản lý được”, bà Huyền nói và cho rằng, nếu không khắc phục được bất cập giữa khoảng cách chính sách và thực thi tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi, thì mục tiêu bảo vệ quyền cổ đông đặt ra vẫn chưa thực sự đạt được.
Nan giải tìm tiếng nói chung
Thừa nhận những khó khăn và áp lực trong việc đạt được mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Ðầu tư (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức, đại diện cho Ban soạn thảo, ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhắc đi nhắc lại mục tiêu cốt lõi là cần đảm bảo cân bằng và dung hòa lợi ích của các nhóm cổ đông.
Theo ông Hiếu, hầu hết quan điểm thống nhất giảm thời gian sở hữu cổ phần, song đối với điều kiện để cổ đông thực hiện quyền thì giảm từ tỷ lệ sở hữu 10% xuống 3% vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
“Dự thảo đưa ra mức 3% vì theo quy định tại Luật Chứng khoán, 5% là cổ đông lớn. Mục tiêu là bảo vệ cổ đông nhỏ nên chọn 3%. Khảo sát các nước trên thế giới cho thấy, đa số chọn tỷ lệ 3%. Lo lắng người sở hữu 3% có khả năng quấy rối công ty, Ban soạn thảo đã tham vấn nhiều ý kiến chuyên gia và thực tế tham vấn cho thấy, để sở hữu 3%, cổ đông có thể cần hàng trăm tỷ đồng. Không ai có số vốn lớn như vậy lại đi quấy rối công ty của mình”, đại diện CIEM nói.
Ông Hiếu cho biết, khảo sát 67 nước trong khu vực và trên thế giới, đa số nước sử dụng tỷ lệ 3%, cá biệt chỉ có một số nước Bắc Âu là 20%, nhưng họ có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khác. Tỷ lệ 3% là phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và phù hợp thông lệ quốc tế.
“Hiện nay, cổ đông có 10% cổ phần trở lên và sở hữu liên tục 6 tháng mới được đề nghị triệu tập họp đại hội đồng cổ đông. Như cổ đông mới tại Sabeco nắm cổ phần lớn, nhưng chưa đủ 6 tháng nên chưa thể triệu tập đại hội để tái cấu trúc doanh nghiệp. Lần sửa Luật này sẽ nới lỏng điều kiện, bãi bỏ thời gian sở hữu cổ phần và giảm yêu cầu tỷ lệ sở hữu, giúp khắc phục bất cập”, ông Hiếu nhấn mạnh.