Sửa Luật Doanh nghiệp, cần tính tới hài hòa lợi ích các nhóm cổ đông

Sửa Luật Doanh nghiệp, cần tính tới hài hòa lợi ích các nhóm cổ đông

(ĐTCK) Cùng với những tranh luận vẫn đang nóng bỏng về việc quyền lợi của cổ đông nhỏ liệu có thực sự được bảo vệ trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này, nhiều chuyên gia luật cũng tỏ ra rất băn khoăn về khả năng hài hòa lợi ích giữa các nhóm cổ đông, dường như cũng đang bị bỏ ngỏ trong Dự thảo Luật.
Phân tích ở nhiều góc độ khác nhau, luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty Tư vấn doanh nghiệp K và Cộng sự cho rằng, không hẳn vấn đề nằm ở chỗ các cổ đông nhỏ liệu có bị lép vế trước nhóm cổ đông lớn hay không, mà quan trọng là Dự thảo Luật đã tính tới việc bảo vệ hài hòa quyền và lợi ích hợp lý cho tất cả các nhóm cổ đông hay chưa?

Theo ông Khoát, Dự thảo Luật quy định tỷ lệ biểu quyết để nghị quyết, quyết định được thông qua đối với một số nội dung là 65% và 51%, thay cho tỷ lệ 75% và 65% như ở Luật Doanh nghiệp hiện hành chưa hẳn đã thực hiện được mục tiêu bảo vệ cổ đông nhỏ trước cổ đông lớn, vì chỉ cần một phiếu biểu quyết của cổ đông lớn đã quyết định được việc thông qua hay không thông qua quyết định của ĐHĐCĐ.

“Do đó, quy định tỷ lệ càng lớn có khi sẽ hạn chế được sự độc đoán chuyên quyền của các cổ đông lớn, góp phần bảo vệ lợi ích cho các cổ đông thiểu số”, ông Khoát bình luận và dẫn chứng trường hợp thực tế đã từng xảy ra là, có một cổ đông sở hữu 15,5% cổ phần hoàn toàn ngăn cản được việc thông qua quyết định của ĐHĐCĐ, vì điều lệ quy định quyết định của ĐHĐCĐ được thông qua nếu được 85% cổ phần có quyền biểu quyết chấp thuận.

Tuy nhiên, ông Khoát cũng lưu ý, nếu quy định tỷ lệ thông qua quyết định, nghị quyết ĐHĐCĐ cao thì cũng vẫn phải tính đến trường hợp cổ đông nhỏ lợi dụng quyền phủ quyết của mình để làm cho hoạt động công ty đình trệ, nhằm mưu cầu lợi ích riêng.

“Thậm chí, có những công ty mà Nhà nước chỉ nắm 36% hay thậm chí 26% cổ phần đã có quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng, gây khó khăn cho người điều hành. Hay trường hợp thường xuyên xảy ra hiện nay là, rất nhiều công ty niêm yết thất bại trong việc tổ chức ĐHCĐ lần 1 do không có đủ số cổ đông sở hữu 65% cổ phần đến dự họp. Do vậy, việc cân nhắc để đưa ra một tỷ lệ hợp lý, nhằm bảo vệ hài hòa quyền và lợi ích cho tất cả các cổ đông trong công ty là điều vô cùng cần thiết và cần là mục tiêu trọng tâm mà Dự thảo Luật sửa đổi cần tính tới”, ông Khoát khuyến nghị.

Ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến chuyên gia luật cũng cho rằng, việc Dự thảo Luật vẫn giữ quan điểm thành viên Hội đồng quản trị có thể bị miễn nhiệm bất cứ lúc nào theo quyết định của ĐHĐCĐ, cũng sẽ tạo điều kiện cho lợi ích nhóm gia tăng, bỏ qua lợi ích chung hài hòa của các nhóm cổ đông, mà ở đây là nhóm cổ đông thiểu số sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng.

Theo phân tích của các chuyên gia, rõ ràng quy tắc bầu dồn phiếu quy định tại khoản 3 Điều 123 của Dự thảo Luật có mục đích là đảm bảo cho các cổ đông thiểu số cũng có thể cử người đại diện của mình tham gia HĐQT, để làm cho việc quản trị điều hành được minh bạch. Tuy nhiên, chính quy định về bãi miễn thành viên HDQT vô hình trung đã làm vô hiệu hóa mục đích trên của việc bầu dồn phiếu.

“Rõ ràng, cổ đông hay nhóm cổ đông thiểu số phải dồn tất cả phiếu biểu quyết của mình mới cử được một người vào làm thành viên HDQT, nhưng thành viên HDQT của nhóm cổ đông này ngồi chưa ấm chỗ đã bị nhóm cổ đông lớn bãi miễn, bất chấp nhóm cổ đông thiểu số phản đối việc bãi miễn này. Đây chính là cách thức mà nhóm cổ đông lớn với các lợi thế của mình dần độ chiếm quyền quản lý điều hành”, đại diện một công ty luật nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Văn Tính, Giám đốc Công ty Tư vấn luật OPIC, Dự thảo Luật cũng còn thiếu cơ chế riêng quy định về trình tự, thủ tục triệu tập và thông qua quyết định ĐHĐCĐ khi cổ đông hoặc nhóm cổ đông là các cá nhân và pháp nhân đứng ra triệu tập và điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quyền quyết định của nhóm đối tượng này. Đồng tình với quan điểm này, ông Khoát cho rằng, việc Dự thảo Luật cho phép cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu được phép triệu tập ĐHĐCĐ, nhưng lại không quy định rõ trình tự, thủ tục và tỷ lệ biểu quyết trong ĐHĐCĐ này ra sao, thì thực chất quy định cho phép nhóm cổ đông là cá nhân được triệu tập họp chỉ mang tính hình thức.

“Giả sử họ triệu tập được cuộc họp, song quyết định vẫn thuộc về các cổ đông lớn sở hữu trên 65%. Như vậy, mặc dù ĐHĐCĐ được triệu tập theo yêu cầu của các cá nhân hoặc pháp nhân này, song thực tế họ vẫn bị đẩy ra ngoài”, ông Khoát phân tích. Theo ông Khoát, để khắc phục tình trạng này, cần xem xét bổ sung cơ chế  quy định trình tự, thủ tục triệu tập và thông qua quyết định ĐHĐCĐ, nhóm cổ đông đứng ra triệu tập cũng như có những hướng dẫn cụ thể về việc thực thi cơ chế này.    

Tin bài liên quan