Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm
Theo những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung lần này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ “dễ thở” hơn.
Tập đoàn tài chính được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm
Là một trong số các dự án luật đầu tay của Quốc hội khóa XV, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) và thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
Với sự đổi mới theo hướng chuẩn bị từ sớm, từ xa, giữa tháng 8/2021, Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với thường trực cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) về quá trình chuẩn bị dự án luật này. Sau đó, cơ quan thẩm tra tiếp tục làm việc với cơ quan soạn thảo, tham vấn ý kiến Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, một số chuyên gia, công ty bảo hiểm và doanh nghiệp lớn tham gia hoạt động bảo hiểm.
Sau đó, tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Chính phủ thống nhất cần thiết sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm với một trong các mục tiêu là khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế.
Với 7 nhóm chính sách lớn dự kiến được sửa đổi, cả về thành lập doanh nghiệp cho đến tổ chức, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đều có những quy định mới. Doanh nghiệp đã được cấp phép, được hoàn toàn chủ động trong hoạt động kinh doanh, lựa chọn mô hình hoạt động, phương thức hoạt động, đầu tư tài chính, kể cả đầu tư ra nước ngoài.
Cụ thể, về cấp giấy phép thành lập và hoạt động quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không cho phép chủ đầu tư là tập đoàn tài chính được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm.
Dự thảo luật sửa đổi đã mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, lựa chọn các doanh nghiệp bảo hiểm có tình hình tài chính lành mạnh, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, có kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam được phép thành lập hoặc tham gia góp vốn vào doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần. Các tổ chức khác đáp ứng điều kiện về tài chính được phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm dưới hình thức công ty cổ phần; cho phép doanh nghiệp tái bảo hiểm thuộc Liên minh châu Âu được thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam theo cam kết tại EVFTA.
Đối với các nhà đầu tư trong nước, hoặc các loại hình kinh doanh không cần vốn lớn, nhưng có ý tưởng kinh doanh tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại: khuyến khích tham gia góp vốn, thành lập doanh nghiệp bảo hiểm chuyên ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, hoặc doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, hoặc doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phụ trợ (phân phối sản phẩm, nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, thẩm định bảo hiểm, thẩm định hồ sơ chi trả quyền lợi bảo hiểm...).
Về hoạt động nghiệp vụ, dự thảo luật bổ sung toàn bộ các quy định về việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc) nhằm tạo chủ động trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.
Làm việc với Thường trực cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát các quy định cho phù hợp với yêu cầu hiện nay cũng như thông lệ quốc tế như điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, gia nhập thị trường, quản trị nội bộ… của doanh nghiệp bảo hiểm.
Ông nhấn mạnh, cần hết sức lưu ý bảo đảm quy định rõ ràng, thuận lợi về trình tự, thủ tục trong quá trình gia nhập thị trường, trách nhiệm công bố thông tin, bảo đảm công khai, minh bạch nhưng cũng phải bảo đảm quyền bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp; tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Đề xuất phù hợp về bảo hiểm vi mô
Lần sửa đổi này, Bộ Tài chính đã bổ sung 1 chương về bảo hiểm vi mô. Liên quan đến vấn đề này, một năm trước, đề xuất giao Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Tổng liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh cung cấp bảo hiểm vi mô đã vấp phải phản ứng gay gắt từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, bởi theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm vi mô là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chứ không phải của tổ chức chính trị - xã hội.
Nay, chương về bảo hiểm vi mô tại dự thảo luật sửa đổi đã quy định rõ các đặc trưng của sản phẩm bảo hiểm vi mô, các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô bao gồm “doanh nghiệp bảo hiểm” và “tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô”. Tổ chức tương hỗ, với đặc thù chỉ cung cấp bảo hiểm vi mô cho các thành viên của tổ chức, sẽ có các tiêu chuẩn, điều kiện thấp hơn do Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển trong từng thời kỳ của mô hình này.
Quá trình lấy ý kiến, Hội Liên hiệp Phụ nữ đề xuất mở rộng các tổ chức được phép triển khai bảo hiểm vi mô gồm: doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm vi mô (đề xuất mức vốn pháp định chỉ bằng 2,1% so với doanh nghiệp bảo hiểm thương mại), hợp tác xã và tổ chức tương hỗ.
Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật vừa qua, Chính phủ yêu cầu quy định tổ chức cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô gồm: doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô cho các thành viên của mình, không mở rộng đối tượng cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô đối với hợp tác xã và doanh nghiệp bảo hiểm vi mô.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần tiếp tục làm rõ cơ sở, sự cần thiết của việc luật hóa các quy định về loại hình bảo hiểm vi mô, trong đó làm rõ yêu cầu lợi nhuận/phi lợi nhuận của hoạt động bảo hiểm này. Ngoài ra, cần đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua, phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại hình bảo hiểm này. Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục tổng kết việc thí điểm về bảo hiểm vi mô (do Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức thí điểm) và bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó có đề xuất phù hợp trong quá trình xây dựng dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Tập trung sửa đổi 7 nhóm chính sách lớn
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) dự kiến sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều.
Nội dung sửa đổi tập trung thể chế hóa 7 nhóm chính sách gồm: Mô hình tổ chức, điều kiện thành lập, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; Mô hình quản lý tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; Hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và an toàn cho các giao dịch bảo hiểm; Khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin; Bổ sung, hoàn thiện các quy định về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; Các quy định về bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế tổn thất, phòng ngừa gian lận bảo hiểm, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bảo hiểm.