Sửa luật để tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn nhưng không hợp pháp hóa các sai phạm trước đây

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là quan điểm chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khi bàn về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu đang được thảo luận tại Phiên họp thứ 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp thứ 38 sáng 10/10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu (gọi tắt là 1 luật sửa 4 luật), các Uỷ viên UBTVQH đồng ý về sự cần thiết phải sửa đổi 4 luật này.

Đại biểu cũng thống nhất nguyên tắc chung là chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, có cơ sở lý luận và thực tiễn rõ ràng, được đồng thuận cao, đối với những nội dung còn lại chưa thực sự chắc chắn thì tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi sau.

Thảo luận nội dung cụ thể, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, dự thảo bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đặc biệt áp dụng đối với một số dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế - đây là một quy định mang tính đột phá sẽ góp phần rút ngắn rất nhiều thời gian để thực hiện dự án, rất thuận lợi cho nhà đầu tư, được kỳ vọng là sẽ tạo bước chuyển đáng kể đối với môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi thảo luận.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi thảo luận.

Theo đó, các dự án đầu tư nhóm trên sẽ "không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Dự án đầu tư có cấu phần xây dựng được miễn giấy phép xây dựng, không phải lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc lĩnh vực xây dựng phòng cháy, chữa cháy”.

Tuy nhiên, quy định này liên quan tới nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác trong lĩnh vực xây dựng, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy. Do đó, ông Cường đề nghị tính toán, có thể bổ sung thêm một quy định mang tính nguyên tắc để xử lý vướng mắc trong áp dụng.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế có nói đến vấn đề điều chỉnh quy hoạch. Vấn đề này, Uỷ ban Khoa học Công nghệ đang phải nhận nhiệm vụ với Thường vụ để cùng các cơ quan của Chính phủ trình Quốc hội 2 dự án luật là Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật Địa chất và khoáng sản chuẩn bị thông qua.

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Từ đó, ông Huy đồng ý là cần phải sửa những điều khoản của luật mới có nội dung liên quan đến quy hoạch và quan trọng là xử lý vấn đề này như thế nào để đồng bộ, thống nhất. "Có thể quy định ở trong các luật chuyên ngành, tuy nhiên cũng có thể có các điều kiện chung quy định trong Luật Quy hoạch nhưng cũng có những điều kiện tương đối cụ thể thì có thể nghiên cứu giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu, bổ sung vào hệ thống quy hoạch ngành quốc gia đối với quy hoạch phát triển công nghiệp dược, để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành dược theo chủ trương của Trung ương và đạt mục tiêu phát triển công nghiệp dược như chiến lược quốc gia đã nêu.

Tại cuộc tham gia ý kiến này, Thường trực Ủy ban Xã hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi quy định về chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực dược tại nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư hoặc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cụ thể, phù hợp với dự án đầu tư phát triển công nghiệp dược, phát triển sản xuất thuốc, dược liệu, nguyên liệu trong nước phù hợp, có tính khả thi hơn.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Đóng góp ý kiến cho Luật Quy hoạch, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đồng ý với Dự thảo Luật về việc sửa đổi quy định về chi phí cho hoạt động quy hoạch tại Điều 9 Luật Quy hoạch theo hướng bổ sung những quy định cụ thể về việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác cho các hoạt động quy hoạch.

Tuy nhiên, Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan rà soát kỹ lại để đảm bảo quy định thống nhất tại Luật Quy hoạch cũng như tại Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước; rà soát việc loại trừ tại khoản 1 của Điều 9 để bảo đảm đầy đủ, thống nhất với Điều 63 của Luật Đất đai để tránh các vướng mắc trong thực tiễn khi luật đi vào cuộc sống.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách

Về Luật Đầu tư, ông Lê Quang Mạnh đồng tình với đề xuất về việc thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư để tạo những đột phá có chọn lọc trong thu hút đầu tư, đảm bảo vị thế cạnh tranh của đất nước. Tuy nhiên, trong Điều 5 Nghị quyết 110 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định về quỹ này, nên Ủy ban Tài chính, Ngân sách thấy nên chỉ quy định những nội dung lớn, những vấn đề có tính nguyên tắc và các vấn đề cụ thể nên giao Chính phủ quy định chi tiết để thống nhất thực hiện Nghị quyết 110.

Cũng quan tâm đến Luật Quy hoạch, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc việc bổ sung hệ thống các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia vì sẽ dẫn đến tình trạng tất cả những quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành này sẽ chịu sự điều chỉnh của cả Luật Quy hoạch và các luật chuyên ngành.

"Tôi e rằng khi đưa quy hoạch này vào hệ thống quy hoạch quốc gia thì quá trình triển khai lại làm phức tạp hóa những quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành và chưa có thời gian rà soát kỹ thì sau lại vướng. Tôi đề nghị chỗ này phải hết sức cân nhắc, nếu thực sự cần thiết thì phải lý giải rất rõ và có rà soát đối với pháp luật chuyên ngành để không vướng mắc", ông Tùng nêu vấn đề.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Bàn luận về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc sửa luật phải tháo gỡ được những gì đang vướng. "Gợi mở ra việc gì mới, thuận lợi hơn, nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn cho dân và doanh nghiệp, đừng mở ra mà quản lý nhà nước chặt hơn nhưng lại khó hơn cho dân và doanh nghiệp", ông Định lưu ý.

Đồng thời, ông nhấn mạnh, vướng đến đâu sửa đến đó, không nên cầu toàn; khẩn trương nhưng không vội vàng và phải thể hiện được nội dung sửa thiết thực, khả thi, nếu sửa xong để lại những hậu họa không xử lý được thì còn khó khăn hơn.

Một vấn đề nữa, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, cần thiết phải sửa luật để tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn nhưng không hợp pháp hóa các sai phạm trước đây. "Có rất nhiều vấn đề trong lịch sử để lại khi chưa có luật ta làm văn bản dưới luật, bây giờ có thể sửa để tháo gỡ nhưng không hợp pháp hóa những sai phạm, đây là nguyên tắc", ông lưu ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, để đảm bảo chất lượng của dự án Luật, Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp, rà soát đảm bảo các nội dung sửa đổi phải là những vấn đề thực sự cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai, thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, giải trình thuyết phục các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật cùng báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.

Tin bài liên quan