Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu với nhiều ý kiến trái chiều về một số nội dung liên quan đến yêu cầu quản lý và đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đầu tháng này, tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), một số ý kiến cũng cho rằng đã có ngân hàng lớn bị chi phối bởi một số nhóm cổ đông.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự luật đã đưa ra nhiều quy định được xem là khá chặt chẽ đối với hoạt động ngân hàng, đặc biệt là nhằm ngăn chặn sự lũng đoạn, thao túng của nhóm cá nhân, tổ chức gây rủi ro cho an toàn hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho người quản lý, người điều hành (thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng) hoặc pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát của tổ chức tín dụng cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định về hạn chế tỷ lệ góp vốn, theo đó một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Về mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo luật quy định về nguyên tắc chung; các quy định cụ thể về điều kiện, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, giao Chính phủ quy định để đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn phát triển và điều kiện cụ thể của nhà đầu tư.
Một trong những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật là việc cấm ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác. Dự luật thể hiện hai phương án, một là ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại không được mua, nắm giữ cổ phiếu của các tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp nắm giữ cổ phiếu theo quy định hoặc trường hợp nắm giữ cổ phiếu của các tổ chức tín dụng khác theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp nắm giữ cổ phiếu do xử lý nợ, ngân hàng thương mại phải bán số cổ phiếu này trong vòng 1 năm, kể từ ngày xử lý tài sản đảm bảo là cổ phiếu.
Phương án hai là ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại được mua, nắm giữ cổ phiếu của các tổ chức tín dụng khác với điều kiện và trong giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Liên quan đến quy định đưa ra công luận việc tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng khi một thực tế bị đặt trong tình trạng này thì không thể tránh khỏi việc rò rỉ thông tin ngay từ nội bộ và có thể dẫn tới những tác động tiêu cực khi chưa có thông tin chính thức.
Do vậy, cần phải công khai thông tin việc tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt để bảo vệ lợi ích người gửi tiền, tránh tác động tiêu cực từ những nguồn thông tin không chính thức. Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến những tác động tiêu cực do tâm lý, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, do đó cần cân nhắc về mức độ công khai và lựa chọn thời điểm công khai thông tin.
Dự thảo luật đã sửa theo hướng việc công bố thông tin kiểm soát đặc biệt với tổ chức tín dụng được giao Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể. Những vấn đề khác như hoạt động của ngân hàng thương mại, các hạn chế bảo đảm an toàn… cũng đã được bổ sung, chỉnh lý.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là một trong 10 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy, sẽ diễn ra từ 20/5 đến 19/6. Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự luật này trước khi thông qua vào cuối kỳ họp.