Sửa Luật Đầu tư, sẽ hạn chế lĩnh vực đầu tư có điều kiện

Sửa Luật Đầu tư, sẽ hạn chế lĩnh vực đầu tư có điều kiện

(ĐTCK) Giải trình tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, về nguyên tắc chung, Luật sẽ bỏ cấp giấy chứng nhận đầu tư và tiến tới hạn chế lĩnh vực cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện.

Như vậy, sẽ bớt đi hầu hết các thủ tục để xin giấy chứng nhận đầu tư, thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ chỉ cần đăng ký thành lập DN và đăng ký đầu tư qua mạng. Cơ quan quản lý sẽ cấp phép trong vòng 5 - 7 ngày và thực hiện cơ chế hậu kiểm, trừ lĩnh vực kinh doanh và đầu tư có điều kiện.

Theo Bộ trưởng, hiện có tới 330 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, còn ngành nghề kinh doanh bị cấm đầu tư tuy chưa có con số thống kê chính xác song cũng lên tới con số vài chục. Con số này theo nhận định của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là quá nhiều, chưa kể một số lĩnh vực đưa ra điều kiện hoặc cấm không phù hợp với thực tế.

“Tôi đã đọc toàn bộ danh mục 330 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và thấy nhiều lĩnh vực không cần kinh doanh có điều kiện”, Bộ trưởng nói.

Về giấy phép đầu tư, tuy chưa thể thống kê hiện có bao nhiêu loại giấy phép chuyên ngành đang tồn tại do Luật Đầu tư chỉ là luật khung và với mỗi ngành nghề kinh doanh sẽ chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, muốn được cấp phép cho một lĩnh vực đầu tư có điều kiện, chắn chắn NĐT sẽ phải xin rất nhiều loại giấy phép. Theo Bộ trưởng, điều này gây nản cho NĐT nhất, chứ không phải là các thủ tục thành lập doanh nghiệp hoặc xin cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Bộ trưởng dẫn ví dụ, muốn được cấp phép xây dựng, thì NĐT phải đáp ứng rất nhiều thủ tục theo quy định tại Luật Xây dựng. Tương tự, muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, NĐT nước ngoài cũng cần rất nhiều loại giấy tờ, có loại giấy tờ do địa phương ban hành, có loại do các sở ban hành. Còn những vướng mắc về thủ tục thành lập doanh nghiệp và đầu tư chung về cơ bản đã được tháo gỡ. Chính vì vậy, theo ông Vinh, cần rà soát quyết liệt theo hướng dỡ bỏ tất cả các rào cản không cần thiết, thu hẹp ngành nghề cấm và có điều kiện, còn lại được kinh doanh tất thì mới tạo được làn sóng đầu tư mới.

Cho ý kiến về Dự luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc sửa Luật Đầu tư là cơ hội để giải phóng môi trường đầu tư kinh doanh và điều này cần được cụ thể hóa ngay từ khâu rà soát, để giảm bớt các loại giấy phép cũng như thủ tục phức tạp cản trở môi trường đầu tư. Chủ tịch Quốc hội tỏ ra rất băn khoăn trước thực trạng NĐT muốn đầu tư tại Việt Nam thì phải xin rất nhiều loại giấy phép. Dẫn chứng ra nhiều ngành còn tồn tại nhiều loại giấy phép chồng chéo như xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy - chữa cháy, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi: “Thay việc cấp giấy phép đầu tư bằng đăng ký đầu tư, liệu luật mới có lược bớt được giấy phép nào không?”.

Liên quan vấn đề quy định danh mục cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và phân cấp thẩm quyền quy định các danh mục này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Dự thảo luật chưa thấy đề cập đến cấm đầu tư vào những lĩnh vực gì. “Hiến pháp đã quy định tổ chức, cá nhân được kinh doanh cái gì pháp luật không cấm, vậy thì phải quy định cụ thể các lĩnh vực cấm để NĐT nắm được”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Còn đối với lĩnh vực đầu tư có điều kiện, theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải đưa ra nguyên tắc phân cấp và chỉ đến cấp Chính phủ mới được đưa ra các điều kiện đầu tư. Nếu không có nguyên tắc phân cấp, dễ dẫn đến việc các bộ ngành cũng đưa ra điều kiện, địa phương cũng đưa ra điều kiện, gây khó khăn cho DN.

Về danh mục ngành nghề cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Luật phải quy định rõ ràng, minh bạch, tránh quy định theo kiểu tù mù, khiến NĐT khó nắm bắt. Ví dụ, cần ghi rõ “cấm sản xuất, mua bán súng đạn”, chứ không nói chung chung là “cấm các lĩnh vực phương hại đến an ninh quốc phòng, thuần phong mỹ tục”…

Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật Đầu tư sửa đổi cần quy định cụ thể về các lĩnh vực đầu tư bị cấm và đầu tư có điều kiện. Nếu không thống kê được hết lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì cũng phải đưa ra nguyên tắc để các luật chuyên ngành quy định cụ thể.

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, Bộ sẽ tiến hành rà soát lại danh mục lĩnh vực đầu tư bị cấm, lĩnh vực đầu tư có điều kiện cũng như các quy trình, thủ tục cấp phép để tiến tới giảm bớt, loại bỏ các quy trình, thủ tục cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh. Coi đây là cơ hội để cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ cố gắng hoàn thành đến tháng 10 năm nay sẽ có danh sách cụ thể để trình cùng dự luật sửa đổi.

“Chúng tôi sẽ quy định theo hướng giảm lĩnh vực đầu tư có điều kiện, thậm chí sẵn sàng đấu tranh với từng bộ ngành để giảm số lĩnh vực đầu tư có điều kiện”, Bộ trưởng Vinh khẳng định.

Tin bài liên quan