Sửa Luật Đấu thầu để thúc giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Theo PGS-TS. Thịnh Văn Vinh, Phó trưởng khoa Kế toán (Học viện Tài chính), trong Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quy định cụ thể hợp đồng trọn gói, không chung chung. Hy vọng điều này sẽ giúp thúc tiến độ giải ngân đầu tư công.
PGS-TS. Thịnh Văn Vinh, Phó trưởng khoa Kế toán (Học viện Tài chính)

PGS-TS. Thịnh Văn Vinh, Phó trưởng khoa Kế toán (Học viện Tài chính)

Đến ngày 31/1/2023 là kết thúc giải ngân đầu tư công năm 2022, nhưng đến thời điểm này tình hình giải ngân vẫn khá thấp. Theo ông liệu năm 2022 có hoàn thành kế hoạch?

Kể từ năm 2016 đến nay, năm nào cũng không hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công, năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 11 tháng của năm nay, khối lượng giải ngân mới đạt 51,83% tổng nguồn vốn, trong đó, vốn của các năm khác chuyển sang đạt 39%, còn vốn năm 2022 đạt 52,43%. Kết quả này thậm chí còn thấp hơn năm 2021, năm mà nhiều thời gian hoạt động xây dựng cơ bản bị ngưng để phòng chống Covid-19, nhưng vẫn đạt 56,18% kế hoạch.

Mặc dù ngay từ đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 tổ công tác do đích thân 4 Phó thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhưng cũng khó lòng hoàn thành được 100% kế hoạch. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng có nguyên nhân nằm ở quy định hiện hành, đặc biệt quy định về hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo giá cố định trong hoạt động xây lắp.

Luật Đấu thầu đã quy định cụ thể về hợp đồng trọn gói rồi, thưa ông?

Hợp đồng trọn gói là hợp đồng có giá cố định, không thay đổi, nhà thầu phải chấp nhận “lời ăn, lỗ chịu”. Luật Đấu thầu hiện hành quy định, khi áp dụng hợp đồng trọn gói, giá gói thầu để làm căn cứ xét duyệt trúng thầu phải bao gồm cả chi phí cho các yếu tố rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng, chi phí dự phòng trượt giá. Giá dự thầu phải bao gồm tất cả chi phí cho các yếu tố rủi ro và chi phí trượt giá có thể xảy ra.

Tuy nhiên, từ năm 2021 đến hết quý II năm nay, giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá xăng dầu tăng quá mạnh, vượt mọi dự đoán, dự báo khi tổ chức đấu thầu, vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp xây lắp càng làm càng lỗ, nên phải giãn tiến độ thi công, thậm chí dừng thi công và đề nghị được chuyển sang hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Tình trạng chuyển từ hợp đồng trọn gói sang hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh không phải chỉ diễn ra từ năm 2021, mà đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Cứ mỗi khi nhà thầu đề nghị điều chỉnh giá đều được đáp ứng yêu cầu, nên dại gì họ không đề nghị, nhất là có cái cớ giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng, chi phí vận chuyển, vận hành máy móc tăng, với nguyên nhân bất khả kháng là Covid-19. Đây là một góc khuất trong đầu tư công hiện nay.

Trong thời gian chờ điều chỉnh, công trình thi công cầm chừng, tạm dừng, nên giải ngân vốn đầu tư công chậm là đương nhiên.

Theo ông, góc khuất ở đâu?

Gọi là góc khuất, nhưng ai cũng biết. Hàng loạt vụ án đấu thầu từ xây lắp đến mua sắm bằng tiền ngân sách nhà nước đã và đang bị đưa ra ánh sáng đã nói lên tất cả. Không phải tự nhiên mà một doanh nghiệp năng lực bình thường, kinh nghiệm non nớt, thậm chí mới thành lập, vốn liếng chẳng có bao nhiêu, máy móc, thiết bị thi công đều đi thuê, mà lại trúng thầu công trình hàng chục, hàng trăm tỷ đồng bằng cách bỏ thầu giá thấp.

Muốn trúng thầu thì phải “cắt phế”, tỷ lệ cắt phế nhiều người ước phải trị giá 20-30% giá trị công trình, thậm chí lên đến 40%. Nếu sử dụng toàn bộ số tiền còn lại vào công trình thì nhà thầu “chỉ còn nước ăn cám”, mà muốn có lãi thì chất lượng công trình đương nhiên không bảo đảm, khi thanh tra, Kiểm toán nhà nước vào sẽ phát hiện ra ngay sự gian dối.

Để có lãi, mà chất lượng công trình vẫn bảo đảm, nhà thầu xin thay đổi hợp đồng, từ trọn gói, sang điều chỉnh và tổng mức đầu tư tự động tăng lên. Thế là tất cả đều “win - win”, chỉ có ngân sách nhà nước bị mất.

Để xóa góc khuất này phải làm cách nào, thưa ông?

Rất mừng là trong Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quy định cụ thể hợp đồng trọn gói, không chung chung như luật hiện hành. Cụ thể, đối với hoạt động xây lắp, hợp đồng trọn gói chỉ được thực hiện đối với công trình đơn giản, phạm vi công việc được xác định rõ, ít có khả năng thay đổi về khối lượng, đặc điểm kỹ thuật, ít có khả năng gặp phải các khó khăn không lường trước được.

Với quy định này thì phải dứt khoát không điều chỉnh giá trị hợp đồng, không được chuyển từ trọn gói, từ giá cố định sang giá thả nổi. Doanh nghiệp trúng thầu phải chấp nhận lời ăn, lỗ chịu.

Hợp đồng trọn gói cũng tương tự như hộ gia đình, cá nhân thuê trọn gói công trình dân dụng cho “chủ thầu”. Chủ thầu nào cũng “làm chí chết”, làm ngày làm đêm, nắng thi công ngoài trời, mưa thi công trong nhà, nên bao giờ công trình cũng xong trước thời hạn.

Nhưng cũng có thực tế là công trình bị điều chỉnh về hạng mục, thay đổi chất lượng, thiết kế... bởi ý muốn chủ quan của người có thẩm quyền, nên hợp đồng trọn gói buộc phải điều chỉnh?

Phải chấm dứt tình trạng người có thẩm quyền đưa ra ý kiến chủ quan thay đổi thiết kế, hạng mục, chất lượng, vật liệu, thiết bị nhằm khẳng định “cái tôi” đối với dự án, công trình công cộng, mặc dù không có chuyên môn.

Quan điểm của tôi là, đối với hợp đồng trọn gói, hợp đồng EPC, sau khi trúng thầu, doanh nghiệp có toàn quyền tổ chức thi công, các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, thanh tra, kiểm tra các loại không được vào “nhòm ngó”. Trước khi bàn giao cho chủ đầu tư, Kiểm toán nhà nước sẽ vào kiểm toán toàn bộ cả chất lượng, khối lượng, hạng mục, thiết kế, trang thiết bị lắp đặt... nếu đúng hợp đồng thì kiến nghị tất toán, không thì phải làm lại.

Tin bài liên quan