Hành lang pháp lý hoàn thiện, thị trường sẽ bớt khó
Tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản vào thời điểm này, “chờ đợi” vẫn là tâm thế chung trong bối cảnh thị trường địa ốc đang đón nhận những thông tin tích cực như tiến độ giải ngân đầu tư công tăng nhanh hay dòng vốn tín dụng đang được nới dần cho nhóm doanh nghiệp thuộc ngành này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tâm thế này, nhưng chủ yếu đến từ việc các thành viên thị trường đang chờ đợi kết quả lấy ý kiến đóng góp của nhân dân cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trước khi đưa ra thảo luận chính thức và thông qua tại Quốc hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khung giá đất hay sửa đổi, thay thế các quy định về thu hồi đất vốn gây tranh cãi trong nhiều năm qua.
Như đánh giá của TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), khi pháp luật đất đai không theo kịp thực tiễn thì việc sửa đổi là bắt buộc, nhưng sửa như thế nào và sửa ra sao để tạo sự đột phá, không làm kéo lùi sự phát triển của người dân, doanh nghiệp, thị trường, cũng như ảnh hưởng tới quá trình giám sát thực thi pháp luật của cơ quan quản lý.
Đồng quan điểm, TS. Trần Xuân Lượng - chuyên gia nghiên cứu chuyên ngành bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, sửa đổi Luật Đất đai là vấn đề đặc biệt quan trọng đặt trong bối cảnh hoạt động quản lý đất đai, phát triển thị trường bất động sản gặp không ít vướng mắc thời gian qua, đòi hỏi sự thay đổi từ gốc của người làm luật cũng như tư duy đột phá để phát huy tối đa nguồn lực này.
Theo ông Lượng, với nhiều điểm đột phá, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này có thể coi là cuộc cách mạng trong lĩnh vực bất động sản nói riêng, ngành tài nguyên - môi trường nói chung.
“Nhiều ý kiến lo ngại sau khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua sẽ gây khó cho các thành viên thị trường, nhưng tôi có quan điểm ngược lại, đây sẽ là cuộc thanh lọc giúp thị trường bất động sản trở nên công khai, minh bạch hơn, nhà đầu cơ sẽ không còn cơ hội ‘đục nước béo cò’. Việc hoạch định kế hoạch đầu tư cũng dễ dàng hơn, thời gian thực hiện dự án nhanh hơn… khi đa số dự án đều được quy hoạch bài bản”, ông Lượng nhấn mạnh.
Nói cách khác, khi các yếu tố thị trường được nhấn mạnh và đưa vào trong các quy định của Luật Đất đai thì mọi quan hệ liên quan đến đất đai cũng sẽ chịu sự chi phối của nguyên tắc thị trường, bao gồm cả hoạt động điều hành, quản lý và giám sát của cơ quan quản lý, từ đó thúc đẩy các bên tham gia một cách chủ động và sòng phẳng hơn, hạn chế rủi ro pháp lý cho cả bên cấp phép lẫn thực hiện dự án.
Điều này cũng đã được Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh trong nhiều cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chẳng hạn như nội dung bỏ khung giá đất, thay vào đó là quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường. Việc bỏ khung giá đất, xác định theo thị trường được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật đất đai.
Phó thủ tướng cho biết, việc bỏ khung giá đất là cần thiết để sử dụng bảng giá đất sát với thị trường hơn. Bảng giá đất được định giá hàng năm hoặc trong điều kiện biến động trên 30% thì xác định lại bảng giá đất.
“Khi tạo ra giá đất đảm bảo tính công khai, minh bạch và phù hợp với giá thị trường thì người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi, góp phần làm giảm chênh lệch địa tô. Theo đó, người dân có đất bị thu hồi sẽ được đền bù thỏa đáng hơn, Nhà nước cũng thu được đúng số thuế cần phải thu từ người sử dụng đất”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tân niên, chờ tân chính sách
Đất đai là lĩnh vực rất phức tạp. Ảnh: Dũng Minh |
Thực tế, không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi bỏ khung giá đất sẽ khiến giá đất tăng lên, tiền đền bù giải phóng mặt bằng tăng, chi phí đầu tư tăng, người nghèo khó tiếp cận đất đai…, nhưng theo giới chuyên gia, khi giá đất sát với giá thị trường thì thuế, phí bất động sản chuyển nhượng sẽ cao hơn, từ đó hạn chế tình trạng đầu cơ, sốt ảo, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh hơn.
Những biến động quá nhanh của thị trường bất động sản trong năm càng cho thấy tầm quan trọng của phát triển bền vững, bắt đầu từ việc phải có một khung khổ pháp lý thực sự đầy đủ, rõ ràng và không chỉ 10 năm lại sửa đổi một lần như nhiều chuyên gia nhấn mạnh ở các hội thảo về dự án Luật Đất đai tổ chức thời gian qua.
Vì vậy, đợt lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2013 lần này rất được kỳ vọng, bởi với các ý kiến đóng góp thẳng thắn và tâm huyết sẽ góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý đất đai, đáp ứng nhu cầu hoàn thiện thể chế trong giai đoạn mới, khơi thông nguồn lực đất đai nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.
“Triển vọng thị trường bất động sản năm 2023 cũng như những năm tới phụ thuộc vào sự quyết liệt, nghiêm túc và tính năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành và chính quyền các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi và phát triển lành mạnh”, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá.
Còn TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn có nhiều tín hiệu khả quan dựa trên những triển vọng từ nội tại quốc gia. Chính phủ tích cực áp dụng nhiều công cụ để tạo động lực tăng trưởng là lực đẩy lớn cho diễn biến phục hồi nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, cũng như đẩy mạnh đầu tư công và cơ cấu, hoàn thiện thể chế pháp lý. Những yếu tố này sẽ thúc đẩy nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng bước qua khó khăn năm 2023.
“Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo để đưa ra các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Do đó, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần khẩn trương vào cuộc, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong năm 2023, giúp thị trường bất động sản nhanh chóng phục hồi”, ông Lực nhấn mạnh và cho biết thêm, bối cảnh hiện tại rất khác so với giai đoạn cách đây 10 năm, nếu sớm tháo gỡ được nút thắt pháp lý thì thị trường sẽ phục hồi rất nhanh bởi nhu cầu bất động sản còn rất lớn.