Sửa Luật Đất đai, kỳ vọng “phút bù giờ” - Bài 3: Còn thời gian, vẫn kiên trì đóng góp

0:00 / 0:00
0:00
Có những nội dung Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) không trực tiếp điều chỉnh, song việc Dự thảo được thông qua sẽ là cơ sở để sửa đổi những quy định “trên mây” khác.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Media.quochoi.vn

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Media.quochoi.vn

Lùi thời điểm thông qua để có thêm thời gian hoàn thiện đạt chất lượng tốt nhất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang ở “phút bù giờ” quan trọng với kỳ vọng những chính sách mới thực sự có được phương án tối ưu.

Bài 3: Còn thời gian, vẫn kiên trì đóng góp

Có những nội dung Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) không trực tiếp điều chỉnh, song việc Dự thảo được thông qua sẽ là cơ sở để sửa đổi những quy định “trên mây” khác. Cũng có những quy định chưa từng xuất hiện trong Dự thảo, song đại biểu Quốc hội vẫn kỳ vọng được quan tâm thỏa đáng trong những “phút bù giờ” lịch sử.

Giải tỏa “nỗi sợ” thủ tục đất đai

Mới đây, trong câu chuyện về “phá vây” đầu tư công, một vị lãnh đạo tỉnh miền núi phía Bắc nói vui là, từ xưa đến nay, chỉ có dự án phóng Vệ tinh Vinasat là không trễ hẹn, vì… không liên quan tí gì đến đất đai.

Còn một vị lãnh đạo huyện vùng cao thì kể một câu chuyện không được vui. Đó là, ở huyện này, có một xã chỉ còn chờ một thôn có điện lưới quốc gia, là “lên đời” xã nông thôn mới. Tiền để kéo 10 km đường điện vào thôn đã có sẵn rồi, nhưng một số vị trí chôn cột điện lại nằm trong diện tích rừng tự nhiên. Mà theo quy định hiện hành, 1 m2 đất rừng tự nhiên cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thì mới chuyển được mục đích sử dụng. Nhưng thủ tục này, từ thực tế một số dự án đầu tư công có quy mô lớn hơn trên địa bàn huyện cho thấy, thường kéo dài không dưới 1 năm, có khi tới gần 2 năm. Chưa kể, có trường hợp phần diện tích rừng sản xuất đã giải phóng xong hoàn toàn, nhưng trong khi chờ giải phóng nốt phần diện tích rừng tự nhiên để triển khai thi công thì lại bị người dân tái lấn chiếm để sản xuất, dẫn đến tranh chấp rất khó xử lý, từ đó thời gian chuẩn bị đầu tư đã dài lại càng dài hơn nữa.

Cả đúc kết vui và câu chuyện không vui nói trên đều rất gần với những lo ngại được bày tỏ tại nghị trường, không chỉ trong các phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bởi vì, “nỗi sợ” thủ tục đất đai lại không chỉ liên quan đến Luật Đất đai. Ngay như quy định 1 m2 đất rừng tự nhiên cũng phải trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương thì mới chuyển được mục đích sử dụng, lại liên quan đến khoản 2 Điều 14, Luật Lâm nghiệp.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dành Mục 2 của Chương XVI để sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đất đai.

Đáng chú ý, theo phân tích của đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ), Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khoản 5 Điều 72 và khoản 1 Điều 123, cho phép chuyển mục đích đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên, theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 123 Dự thảo quy định: "Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định”.

Nhưng, tại Điều 258 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp, lại tiếp tục quy định “Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, dự án đầu tư công theo tiêu chí do Chính phủ quy định”.

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất luôn là bài toán khó của các địa phương có nhiều rừng. Ảnh: Mỹ An
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất luôn là bài toán khó của các địa phương có nhiều rừng. Ảnh: Mỹ An

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị tiếp tục giữ quy định bãi bỏ khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp như các Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước. Bởi quy định này là phù hợp với thực tế và chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý chặt chẽ, vì Trung ương vẫn quản lý bằng quy hoạch thông qua thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia và quy hoạch tỉnh. Trong đó, đã xác định diện tích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và khoanh vùng khu vực quản lý nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất rừng nói chung, trong đó có đất rừng tự nhiên đã giao Chính phủ quy định tại khoản 1 Điều 123 dự thảo luật.

Bãi bỏ khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp là phù hợp với thực tế và chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý chặt chẽ.

Lập luận này được một số vị đại biểu khác, trong đó có đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) - người đã từng thẳng thắn trên nghị trường rằng, những “quy định như ở trên mây” về đất đai “gần như bức tử những vấn đề của địa phương cần phải giải quyết”, bày tỏ đồng tình.

Quyền sử dụng đất ở có thời hạn, một mũi tên trúng nhiều đích

Không chỉ kiên trì góp ý để giải quyết tận gốc những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn, đại biểu Quốc hội còn kiên nhẫn nêu vấn đề chưa có trong Dự thảo, cần được bổ sung để có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn có thể phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi).

Là thành viên Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi)), đại biểu Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, ngay từ Kỳ họp thứ tư, khi Dự thảo lần đầu tiên được trình Quốc hội đã đề nghị nên nghiên cứu bổ sung hình thức quyền sử dụng đất ở có thời hạn vào Dự thảo.

Theo đại biểu Thịnh, việc Nhà nước giao, chứng nhận quyền sử dụng đất ở có thời hạn sẽ đem lại nhiều lợi ích.

Thứ nhất, đối với các dự án có quyền sử dụng đất ở có thời hạn sẽ hạn chế đầu cơ đất phân lô, bán nền mà khuyến khích đầu tư vào giá trị của tài sản trên đất.

Thứ hai, kéo giảm giá đất ở.

Thứ ba, quỹ đất và quyền sở hữu của Nhà nước sẽ không mất đi mà ngày càng mở rộng, tạo điều kiện cho Nhà nước thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình được thuận lợi, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo chỗ ở cho người dân phù hợp với thu nhập của từng đối tượng.

Ông Thịnh cho rằng, đây chắc chắn sẽ là xu thế bắt buộc nếu Nhà nước muốn đạt được mục tiêu đưa đất đai trở lại vai trò chính là tư liệu sản xuất, mà không phải là hàng hóa đầu cơ ưa thích, liên tục tăng giá hàng thập kỷ và mục tiêu đảm bảo đáp ứng được chỗ ở cho mọi người dân phù hợp với mức thu nhập của mình.

Ngoài ra, nếu bổ sung quy định này thì vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho khoảng trên 90.000 căn hộ, khách sạn condotel, biệt thự du lịch, nhà phố thương mại, văn phòng lưu trú, officetel, căn hộ du lịch, căn hộ thương mại sẽ được tháo gỡ, tài sản của hàng vạn nhà đầu tư sẽ chính danh và có tính thanh khoản. Nhà nước không chỉ tháo gỡ vướng mắc cho nhân dân, mà còn tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, hạn chế hình thành nợ xấu, giảm thiểu rủi ro trong thị trường tài chính, một mũi tên, nhưng trúng nhiều đích.

Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu chưa thấy bóng dáng của “mũi tên” lợi hại này. “Nên có thêm quyền sử dụng đất ở có thời hạn vào trong Luật để có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn có thể phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Thịnh trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư khi Dự thảo đang trong “phút bù giờ”.

Cũng đồng tình Dự thảo cần phải đặt vấn đề về quyền sử dụng đất ở có thời hạn, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, đây là vấn đề lớn quá, có thể nếu đưa ra sẽ không kịp xử lý, vì làm thì phải có thí điểm từng bước.

“Tuy nhiên, lần sửa đổi này mà không đề cập thì vẫn là thiếu sót”, ông Lâm trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Theo thông tin được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề cập tại cuộc họp báo sau Kỳ họp thứ sáu, khả năng Luật Đất đai (sửa đổi) có thể được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường vào đầu năm 2024.

Như vậy, thời gian “bù giờ” cũng chỉ khoảng hơn 1 tháng, trong khi những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện còn khá ngổn ngang.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều nội dung có 2 phương án khi báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án chỉnh sửa.

Theo thông tin được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề cập tại cuộc họp báo sau Kỳ họp thứ sáu, khả năng Luật Đất đai (sửa đổi) có thể được xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường vào đầu năm 2024.

Như, không quy định tại Dự thảo các loại đất cần xác định chỉ tiêu tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về hoạt động lấn biển phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét, quyết định trong trường hợp giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính dẫn đến việc nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Các nội dung cũng đã có phương án chỉnh sửa là quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập đối với tài sản trên đất thuê trả tiền hằng năm.

Nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp; nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện; các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất… cũng đã khá rõ về phương án xử lý.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội chỉ trình Quốc hội thông qua dự án luật, đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi.

Đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi, đó cũng là kỳ vọng của cử tri cả nước, với nhiệm vụ lập pháp đặc biệt của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV: Sửa đổi Luật Đất đai.

Một sơ suất cũng gây nhiều hệ luỵ

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Media.quochoi.vn
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Media.quochoi.vn

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Việc sửa đổi luật, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân. Quy định của luật sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích của người dân. Chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Một sơ suất, một điều khoản của luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân, thậm chí kìm hãm sự phát triển.

Đưa đất đai trở lại chức năng chính là tư liệu sản xuất

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Media.quochoi.vn
Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Media.quochoi.vn

Sửa đổi Luật Đất đai lần này đang đứng trước cơ hội lịch sử để có thể giúp đất nước và nhân dân ta sớm đạt được 3 yêu cầu, mong ước. Đó là, một, đưa đất đai trở lại chức năng chính là tư liệu sản xuất, mà không phải là hàng hóa - tài sản được đầu cơ, tăng giá liên tục như vừa qua ở nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới, là căn nguyên quan trọng dẫn đến khủng hoảng thị trường tài chính theo chu kỳ. Hai, người nông dân có ruộng sản xuất - Khẩu hiệu “Người cày có ruộng” mà Đảng ta và Bác Hồ đã đưa ra khi kêu gọi nhân dân vùng lên giành chính quyền khai sinh ra nước Việt Nam năm 1945. Ba, mọi người dân đều được đảm bảo chỗ ở phù hợp với thu nhập của mình - mục tiêu mà đất nước ta cần phải hướng tới. Và để có thể đạt được 3 yêu cầu này thì cần phải có 1 khái niệm mới đó là “quyền sử dụng đất ở có thời hạn”.

Chưa yên tâm về phân loại đất

Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Media.quochoi.vn
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Media.quochoi.vn

Có những điều Luật Đất đai hiện hành đang vướng, nhưng Dự thảo chưa sửa được. Ví dụ, nội dung về phân loại đất đang rất trùng nhau khi mà Dự thảo đã quy định đất cho xây dựng cơ sở của đơn vị sự nghiệp công lập, sau đó lại quy định tiếp đất y tế, đất văn hóa, đất xã hội…, mà toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh trong nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập. Mặc dù so với Dự thảo trước, quy định về phân loại đất đã tiến bộ hơn, nhưng vẫn chưa có tiêu chí, nguyên tắc thực sự khoa học, nên chưa thể yên tâm. Phân loại đất rất quan trọng, nếu không chặt chẽ thì chắc chắn sẽ bị lợi dụng, rất khó cho công tác quản lý.

Tin bài liên quan