Ủy ban Kinh tế tham vấn chuyên gia về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Bài 2: Không thể vội vàng “làm tròn” nội dung chưa thống nhất
Phòng họp của Ủy ban Kinh tế dành cho nội dung rà soát Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) hầu như sáng đèn cả tháng. Trong các công văn mời họp, rà soát, chỉnh lý về nội dung liên quan tới Dự án Luật, thông thường chỉ có thời điểm bắt đầu, còn thời điểm kết thúc là khi hoàn thành. Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật Đất đai sửa đổi), chia sẻ những chuyện ít người biết về quá trình hoàn thiện Dự thảo.
Làm việc không kể ngày nghỉ, giờ nghỉ
Thưa ông, Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật được cử tri đặc biệt quan tâm, nhưng đã không thể thông qua theo lộ trình đã được Quốc hội quyết định. Một trong những nguyên nhân phải lùi thời gian thông qua là một số vấn đề quan trọng vẫn chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trong phiên họp giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gút lại một số vấn đề lớn, vậy đến nay, còn những nội dung quan trọng nào cần phải tiếp tục được hoàn thiện trước khi trình Quốc hội thông qua, thưa ông?
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: "Mục tiêu cuối cùng vẫn là bảo đảm chất lượng của Dự thảo Luật, tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân". |
Ngay từ khi xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và trong suốt quá trình thẩm tra, hoàn thiện, chỉnh lý Dự thảo Luật, các cơ quan đều nhận thức rõ tính chất quan trọng và phức tạp của Dự thảo Luật này, không chỉ đến từ nội dung chính sách về đất đai tác động sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội và quyền và nghĩa vụ của người dân, mà còn ở quy mô đồ sộ của Dự án Luật. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu, các quy định tại Dự thảo đã được tiếp tục hoàn thiện hơn, trong đó, nhiều nội dung có 2 phương án khi báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án chỉnh sửa tại Dự thảo Luật.
Như: điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; không quy định tại Luật các loại đất cần xác định chỉ tiêu tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; tiền thuê đất hằng năm; chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về hoạt động lấn biển phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét, quyết định trong trường hợp giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính dẫn đến việc nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Các nội dung cũng được thống nhất phương án chỉnh sửa còn có quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập đối với tài sản trên đất thuê trả tiền hằng năm; nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp; nguyên tắc, tiêu chí phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện; các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Quỹ phát triển đất.
Trong phiên họp giữa hai đợt họp của Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gút lại một số vấn đề lớn của Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn |
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất báo cáo Quốc hội chưa thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và rà soát kỹ lưỡng toàn bộ Dự thảo Luật; các dự thảo nghị định, văn bản quy định chi tiết Luật cũng cần hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật sau khi được ban hành.
Một số nội dung lớn của dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án tối ưu bao gồm: thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; về quản lý, khai thác, phát triển quỹ đất; trường hợp, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất; sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản.
Được biết, quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế và cơ quan chủ trì soạn thảo đã có rất nhiều cuộc làm việc không kể ngày nghỉ, ngoài giờ, tranh luận nhiều chiều về những chính sách mới tại Dự thảo. Nhân dịp này, xin ông chia sẻ một số thông tin của quá trình đó, những vấn đề nào được hai bên tranh luận nhiều nhất, vấn đề gì Ủy ban thẩm tra kiên trì quan điểm và mất nhiều thời gian thuyết phục cơ quan soạn thảo nhất?
Như tôi đã chia sẻ, đây là dự án luật lớn, quy mô rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng - an ninh, trong nước ngoài nước, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là Luật khó, thực tiễn tồn tại nhiều vướng mắc, phát sinh nhiều tranh chấp, khiếu nại, tố cáo. Lãnh đạo Quốc hội đã nhiều lần nhấn mạnh quá trình xây dựng phải công phu, bài bản, khoa học, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa và phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau. Cùng với đó, quá trình chuẩn bị và xây dựng Dự án Luật đòi hỏi có sự đầu tư nhiều công sức, trí tuệ không chỉ của những cơ quan trực tiếp tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật như các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội mà phải có sự tham gia của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, phải huy động tối đa trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau.
Tại cuộc làm việc của Lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội để soát xét các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của Quốc hội, riêng về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể làm việc vào ngày nghỉ, giờ nghỉ để xem xét nội dung rất quan trọng này cho kịp tiến độ công việc”.
Với tinh thần đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan phối hợp thường trực là Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan đã tập trung, có thể nói ở mức cao nhất công sức nghiên cứu, rà soát, phân tích và nỗ lực tối đa trong việc hoàn thiện dự thảo Luật; đồng thời không riêng Ủy ban Kinh tế, các cơ quan tham gia luôn xác định rõ, đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính khả thi của Luật khi áp dụng.
Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các vụ, cục, đơn vị phục vụ cũng như các cơ quan có liên quan không quản ngày đêm, thường xuyên làm việc vào cuối tuần. Phòng họp của Ủy ban Kinh tế dành cho nội dung rà soát Dự án Luật hầu như sáng đèn cả tuần, thậm chí cả tháng; đặc biệt trong Kỳ họp Quốc hội, việc làm tới tối muộn là hoạt động thường xuyên và bình thường. Trong các công văn mời họp, rà soát, chỉnh lý về nội dung liên quan tới dự án Luật, thông thường chỉ có thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc là khi hoàn thành, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay Dự thảo Luật đã được rà soát nhiều vòng và tới đây còn tiếp tục. Sau khi kết thúc cuộc họp, các cán bộ, công chức của các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, làm việc, trao đổi để hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, văn bản thuyết minh...; nhiều lần làm việc xuyên đêm, trao đổi, tranh luận nhiều giờ qua điện thoại, họp trực tiếp...
Tài liệu cho các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội nhiều khi sát giờ, trong khi tài liệu rất dày (báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật dày hơn 400 trang), quả thực là khó cho đại biểu nghiên cứu được hết nếu không có điều kiện tham gia quá trình theo dõi, chỉnh lý.
"Chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng chính do tính chất phức tạp, đồ sộ của Dự án Luật và yêu cầu cao của các dự thảo văn bản trình các phiên họp, kỳ họp mà các cơ quan không thể vội vàng “gói ghém” lại, “làm tròn” các nội dung để báo cáo các đại biểu" - ông Vũ Hồng Thanh. |
Về các nội dung còn tranh luận, như chúng ta đã biết, ngay tại Kỳ họp thứ sáu vừa qua, sau 2 kỳ họp cho ý kiến, vẫn còn nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về các nội dung chính sách lớn hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau, vẫn còn chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về một số vấn đề phức tạp. Trong cả quá trình, nhiều nội dung phải tranh luận nhiều ngày, thậm chí có thời điểm rất gay gắt, có thể kể đến một số nội dung như: phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của đơn vị sự nghiệp công lập đối với tài sản trên đất thuê trả tiền hằng năm; tái định cư, bảo đảm người bị thu hồi đất có chỗ ở, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp; các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất…
Tinh thần là vì mục tiêu chung, tranh luận tích cực, mang tính xây dựng để nhận định được một cách rõ ràng nhất, đầy đủ nhất ưu, nhược điểm của từng phương án, từ đó, thống nhất được phương án tốt nhất trên tổng thể các phương diện. Như đã chia sẻ, đến nay, nhiều nội dung lớn đã được thống nhất phương án chỉnh lý tại Dự thảo Luật. Như vậy, quá trình tranh luận đã đạt được một kết quả nhất định.
Cũng theo nguyên tắc tranh luận này và theo mục tiêu cao nhất là bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của Dự thảo Luật, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của người dân, tin tưởng rằng các nội dung khác của dự thảo Luật sẽ sớm tìm được phương án tối ưu để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua.
Tiến độ rất quan trọng, nhưng chất lượng còn quan trọng hơn
Dự thảo lần đầu tiên được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư (cuối năm 2022), nhưng từ tháng 8/2021, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có cuộc làm việc với cơ quan chủ trì soạn thảo để chuẩn bị cho dự án luật rất phức tạp này. Quá trình chỉnh lý sau đó, Chủ tịch Quốc hội và Phó chủ tịch Quốc hội phụ trách đã quan tâm chỉ đạo như thế nào, xin ông chia sẻ cho cử tri được biết.
Riêng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 5 lần cho ý kiến về Dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch phụ trách hết sức quan tâm chỉ đạo, đã nhiều lần chủ trì các buổi hội thảo, buổi làm việc để xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật. Ngay từ đầu năm 2022, tại Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”, Chủ tịch Quốc hội đã có ý kiến rất cụ thể về yêu cầu đặt ra đối với quá trình xây dựng cũng như thẩm tra, hoàn thiện, chỉnh lý Dự án Luật, làm “kim chỉ nam” cho công tác hoàn thiện dự thảo Luật suốt quá trình tiếp theo.
Ngay khi hồ sơ Dự án Luật được Chính phủ gửi đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế, các cơ quan có liên quan đã tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng kế hoạch, lộ trình trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật, trong đó có kế hoạch chi tiết lấy ý kiến Nhân dân. Công việc càng khó, khối lượng công việc càng lớn thì phương pháp làm việc càng cần khoa học, hợp lý.
Tại mỗi bước trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc trình Quốc hội, đích thân Chủ tịch Quốc hội, có lúc là Phó chủ tịch Quốc hội phụ trách đều chủ trì cuộc làm việc với các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ về dự án Luật để cho ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Chung sức đồng lòng vì lợi ích quốc gia, dân tộc
Bên cạnh Thường trực Ủy ban, cá nhân Chủ nhiệm rất sát sao với quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật và cũng nhiều lo lắng về chất lượng, vậy theo ông, bài học gì về sự chuẩn bị, phối hợp… được rút ra qua quá trình sửa đổi đạo luật này?
"Lãnh đạo Quốc hội tại các buổi làm việc đã nhiều lần nhấn mạnh “Không câu nệ hình thức, thực sự coi trọng nội dung, chú trọng chất lượng thực chất. Tiến độ rất quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn" - ông Vũ Hồng Thanh. |
Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào tháng 8/2022 đã nhấn mạnh: “Đây là công việc chung, sự nghiệp chung. Chúng ta phải cố gắng phối hợp để làm, đặc biệt là các cơ quan thường trực như Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Kinh tế - cơ quan chủ trì thẩm tra”. Không chỉ cá nhân tôi, nhiều đại biểu, cử tri rất tâm đắc với phát biểu này của Chủ tịch Quốc hội.
Chất lượng của Dự án Luật phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn ngay từ thời điểm đầu. Cũng giống như với các dự án luật, nghị quyết khác, với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), ngay từ khi Chính phủ đang trong quá trình xây dựng, xin ý kiến các cơ quan của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã cử lãnh đạo Ủy ban, cán bộ cấp vụ tham gia các buổi làm việc, hội thảo xin ý kiến về Dự án Luật; nghiên cứu Dự thảo Luật trước từ sớm, từ xa. Công tác phối hợp, tinh thần trách nhiệm phải được nêu cao, phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, cũng như sự phối hợp với các địa phương trong việc tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Luật; cung cấp thông tin, cho ý kiến đối với các nội dung mà các cơ quan Quốc hội tham gia về Dự án Luật.
Về công việc tiếp theo tới đây, tôi tin tưởng sẽ tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện Dự thảo Luật trên tinh thần trân trọng công sức đầu tư trong thời gian vừa qua, làm việc khoa học, khẩn trương, có phân công hợp lý và tuân thủ kế hoạch đã được đề ra.
Tinh thần chung là cộng tác, chung sức đồng lòng vì lợi ích quốc gia, dân tộc để đảm bảo chất lượng của Dự án Luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm các quy định của Luật đi vào cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ, đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Các vấn đề phát sinh, ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri, của cơ quan thẩm tra, trong quá trình rà soát, hoàn thiện Dự án Luật đều phải được các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ; phối hợp từ sớm, từ xa, ngay từ cấp tổ kỹ thuật cho đến cấp bộ và đến cấp Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Giá đất là vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm khi sửa Luật Đất đai. Trong ảnh: Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc (đoạn qua huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) có thể rút ngắn tiến độ nhờ giải phóng mặt bằng thuận lợi từ cơ chế ủy quyền quyết định giá đất của Yên Bái. |
Với những chính sách mới tại Dự thảo, sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, những điểm nghẽn nào về nguồn lực đất đai sẽ được tháo gỡ, thưa Chủ nhiệm?
Luật Đất đai được sửa đổi với mục tiêu quan trọng là bảo đảm nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thể chế hóa mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 18 của Trung ương, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tập trung vào các chính sách quan trọng để khơi thông nguồn lực đất đai, có thể kể đến như sau:
Thứ nhất, đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thể hiện qua việc đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất.... sẽ góp phần quan trọng đưa nguồn lực đất đai phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số là chính sách được đặt biệt quan tâm khi sửa Luật Đất đai. |
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất, quy định cụ thể cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm trung thực khách quan, công khai, minh bạch… Những đổi mới trong các quy định về tài chính đất đai, giá đất sẽ là rất quan trọng, góp phần khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; đồng thời, xử lý hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân - doanh nghiệp, giảm thiểu tranh chấp, khiếu kiện.
Thứ ba, sửa đổi các thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cung cấp thông tin đất đai… theo hướng cải cách thủ tục hành hành chính, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu chi phí tuân thủ, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ tư, quá trình sửa đổi Luật được xem xét đồng thời với sửa đổi các luật có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.