Sửa Luật Chứng khoán, nâng tầm thị trường (Kỳ 2): Mô hình tổ chức giao dịch nào phù hợp?

Sửa Luật Chứng khoán, nâng tầm thị trường (Kỳ 2): Mô hình tổ chức giao dịch nào phù hợp?

(ĐTCK) Mô hình tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán mới phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, qua đó không chỉ khắc phục những bất cập của mô hình tổ chức hiện tại, mà còn góp phần nâng tầm thị trường chứng khoán. 

Kỳ 2: Mô hình tổ chức giao dịch nào phù hợp?

Một số bất cập

Với thời gian hoạt động ban đầu, việc thiết lập và duy trì mô hình hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã khẳng định được tính phù hợp và hiệu quả trong phân khu vực phát triển các mảng thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường phái sinh…

Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ phát triển của thị trường chứng khoán, việc tiếp tục duy trì mô hình hoạt động của hai sở giao dịch chứng khoán đang bộc lộ không ít bất cập. Hệ quả, cả 3 nhà: nhà doanh nghiệp (công ty chứng khoán), nhà đầu tư lẫn Nhà nước đều chịu những tác động không mong muốn.

Với nhà doanh nghiệp, tổng giám đốc một công ty chứng khoán đang niêm yết trên HOSE chia sẻ, cùng là giao dịch cổ phiếu, nhưng khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, các công ty chứng khoán tốn thời gian và chi phí khi phải thực hiện kết nối với hệ thống giao dịch của cả HOSE và HNX.

Cùng với đó, công ty chứng khoán phải nộp phí kết nối hệ thống hạ tầng giao dịch với cả hai sở. Trên khía cạnh báo cáo, công bố thông tin, thay vì chỉ phải thực hiện tại một đầu mối như thông lệ nhiều thị trường quốc tế, thì các công ty chứng khoán phải báo cáo, công bố cùng một loại thông tin trên cả HOSE và HNX.

Sửa Luật Chứng khoán, nâng tầm thị trường (Kỳ 2): Mô hình tổ chức giao dịch nào phù hợp? ảnh 1

 Sở GDCK Hà Nội

Cả ở cấp độ các sở, cũng như công ty chứng khoán, việc đầu tư cho hiện đại hóa hệ thống công nghệ thời gian qua gặp không ít khó khăn, vướng mắc, rơi vào chậm trễ kéo dài, do hệ thống công nghệ mang tính thống nhất toàn thị trường chưa định hình.

Ðiều này khiến cho bài toán đầu tư hạ tầng công nghệ của các công ty chứng khoán đối diện với tình trạng lãng phí, nhưng nếu chậm đầu tư thì lại đối mặt với rủi ro thua kém về sức cạnh tranh.

Ðó là chưa kể, cùng là công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường chứng khoán, nhưng hàng năm mỗi sở có cách đánh giá, khen thưởng các công ty chứng khoán khác nhau về những đóng góp của họ cho sự phát triển của thị trường nói chung, mỗi sở nói riêng…

Với nhà đầu tư, khi gánh nặng chi phí “đè” lên vai công ty chứng khoán do phải đầu tư hạ tầng công nghệ giao dịch kết nối với hai sở, nộp phí cho hai sở, thì các công ty chứng khoán hạch toán tăng vào giá phí cung cấp sản phẩm, dịch vụ, nên cũng “đổ” lên đầu nhà đầu tư. Nói cách khác, nếu Việt Nam chỉ có một sở giao dịch chứng khoán, thì cả công ty chứng khoán lẫn nhà đầu tư có cơ hội để được cung cấp và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn.

Về phía Nhà nước, việc duy trì hoạt động của hai sở giao dịch như hiện tại đang gây bất lợi cho công tác quản lý, giám sát, điều hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính.

Ðơn cử, theo một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, tại Việt Nam, sản phẩm phái sinh đang vận hành là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 (do HNX quản lý và vận hành), dựa trên tài sản cơ sở là chỉ số VN30 (do HOSE quản lý).

Số lượng cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 không lớn, cộng với một số mã chứng khoán có tỷ lệ lưu hành tự do thấp, thanh khoản cũng thấp, trong khi mức giá quá cao và chiếm tỷ trọng trong rổ quá lớn. Ðây là điểm khiến cho chỉ số này có thể bị tác động, thao túng.

Với vai trò là tuyến đầu trong hệ thống giám sát thị trường, nếu HNX và HOSE thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong chia sẻ thông tin, triển khai các bước giám sát, đặc biệt là giám sát liên thị trường, thì không dễ kịp thời phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong phát hiện và xử lý kịp thời các động thái “làm méo” VN30 để trục lợi trên thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng cũng như những tác động tiêu cực khác nói chung trên thị trường.

Sở giao dịch cần tinh gọn

Trước những bất cập và hạn chế trên, các chuyên gia, thành viên thị trường trông đợi sẽ có một mô hình tổ chức cho sở giao dịch chứng khoán mới hiện đại, khoa học và chuyên nghiệp theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đặc biệt kể từ sau khi Ðề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 32/QÐ-TTg ngày 7/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Mô hình tổ chức và hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã được đưa vào dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi. Theo đó, Sở thành lập và hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần theo quy định của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, chuyển đổi cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu Sở theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Sở giao dịch chứng khoán chịu sự quản lý và giám sát trực tiếp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sở có hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) và ban kiểm soát (kiểm soát viên) trong trường hợp được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn; hoặc có đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) và ban kiểm soát hoặc ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị trong trường hợp được tổ chức theo mô hình công ty cổ phần.

Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) Sở giao dịch chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm theo đề nghị của hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị và ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...

Tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, dự án Luật Chứng khoán sửa đổi đã được đưa ra thảo luận. Trong đó, báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo cần thuyết minh, làm rõ cơ sở đề xuất mô hình Sở giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, báo cáo cho rằng, việc luật hóa quy định về mô hình tổ chức bộ máy giao dịch chứng khoán trên cơ sở thành lập thống nhất một đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán (chỉ có duy nhất Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam) là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm chi phí quản lý, tăng hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Ðược biết, trên cơ sở đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã được phê duyệt, các bước chuẩn bị cho việc thành lập Sở đang được triển khai. Các thành viên thị trường kỳ vọng, khi tổ chức này ra đời và đi vào hoạt động sẽ khắc phục các bất cập hiện tại, đồng thời góp phần giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có một tầm vóc mới trong khu vực và trên thế giới.

Kỳ 3: Cần mở cửa cho khu vực tư kiến thiết thị trường

Tin bài liên quan