Sửa Luật Chứng khoán: Gỡ trúng nút thắt giải bài toán nâng hạng

0:00 / 0:00
0:00
Sửa đổi các quy định để mở lối cho hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm là một trong 3 nhóm nội dung chính trong sửa đổi Luật Chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới mục tiêu được nâng hạng vào năm 2025. Ảnh: Đ.T

Thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới mục tiêu được nâng hạng vào năm 2025. Ảnh: Đ.T

Tranh cãi quanh cơ chế CCP

Tại kỳ họp Quốc hội thứ tám, khóa XV, sửa đổi Luật Chứng khoán là một trong các nội dung tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia sẽ trình các đại biểu Quốc hội trong những ngày tới đây.

Chia sẻ tại Hội thảo đóng góp ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán vừa tổ chức, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo Cơ chế Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) trên thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong 3 nội dung chính, nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán để nâng hạng thị trường chứng khoán.

Hiểu đơn giản, mô hình CCP là cơ chế cho phép Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) trở thành bên mua của mọi bên bán và bên bán của mọi bên mua. CCP đã được áp dụng trên thị trường chứng khoán phái sinh, nhưng chưa thể triển khai trên thị trường cơ sở.

“Còn các cách hiểu khác nhau giữa lĩnh vực ngân hàng và lĩnh vực chứng khoán về việc có cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được làm thành viên bù trừ trên thị trường chứng khoán cơ sở hay không”, Ban Soạn thảo Dự án luật nhấn mạnh.

Cụ thể, các văn bản hướng dẫn điểm a, khoản 4, Điều 56, Luật Chứng khoán trong lĩnh vực chứng khoán và ngân hàng còn chưa thống nhất trong quy trình cấp phép để có thể ghi nhận nghiệp vụ này vào giấy phép Ngân hàng Nhà nước cấp cho các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, nếu không thay đổi quy định hiện tại, sẽ không đủ cơ sở pháp lý thành lập công ty con của VSDC để đảm nhiệm chức năng CCP. Từ đó, sẽ khó kiểm soát rủi ro hoạt động khi VSDC thực hiện chức năng CCP cho cả thị trường chứng khoán cơ sở.

Sửa đổi và tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng CCP trên thị trường chứng khoán cơ sở sẽ cho phép ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được làm thành viên bù trừ và tham gia hệ thống CCP. Điều này phù hợp thông lệ quốc tế, đáp ứng tiêu chí đảm bảo an toàn tài sản cho khối ngoại, từ đó có thể thu hút thêm dòng vốn này vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, tại cuộc họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án luật này, do Bộ Tư pháp chủ trì, phía Ngân hàng Nhà nước từng đề nghị chỉ thực hiện bù trừ trên thị trường chứng khoán phái sinh, bởi tham gia bù trừ trên thị trường cơ sở có thể tạo nhiều rủi ro trong quan hệ giữa các ngân hàng và ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng.

Gỡ sao cho trúng nút thắt

Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra và các nguyên tắc để hoàn chỉnh hồ sơ Dự án, thu hẹp các điều khoản đề nghị sửa đổi, đảm bảo các vấn đề cần thiết, cấp bách cần sửa ngay, đạt sự đồng thuận cao.

Cũng phải nói rằng, áp dụng Cơ chế CCP là điều mong mỏi từ lâu của các thành viên trên thị trường chứng khoán. Thông tư 68/2024/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính đã ban hành mở đường cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu mà không yêu cầu có đủ tiền tại ngày đặt mua. Đây cũng có thể coi là giải pháp trước mắt trong ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu của các tổ chức xếp hạng như FTSE Russell nhằm thỏa mãn các tiêu chí để có thể nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, về lâu dài, giải pháp căn bản vẫn là cần triển khai hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo Cơ chế CCP.

Thực tế, có những quy định mới đã được bổ sung trong các luật và nghị định mới trong những năm qua, nhưng nhà đầu tư vẫn dài cổ chờ đợi ngày triển khai. Điển hình là câu chuyện chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) - một công cụ tài chính rất mới, lần đầu tiên được định danh trong Luật Doanh nghiệp 2020 và sau đó, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019. NVDR sẽ do công ty con của sở giao dịch chứng khoán phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu của công ty. Dù vậy, sau nửa thập kỷ ban hành, việc triển khai công cụ này vẫn “dậm chân tại chỗ”, dù đã có những cơ sở pháp lý bước đầu.

Trong báo cáo phân loại thị trường chứng khoán năm 2024 do FTSE Russell công bố ngày 8/10, ngoài ghi nhận những nỗ lực trong việc tháo gỡ nút thắt về yêu cầu ký quỹ, tổ chức này vẫn nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải thiện quy trình đăng ký mở tài khoản. Cùng với đó, một cơ chế hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài liên quan giao dịch các chứng khoán đã chạm hoặc gần chạm mức giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng “được xem là biện pháp quan trọng”.

Mở lối cho Cơ chế CCP trong lần sửa đổi luật này là bước đầu cho một chặng đường dài hơi phía trước, hơn là một giải pháp trực tiếp cho mục tiêu nâng hạng đã đặt ra cho thị trường chứng khoán vào năm 2025. Trong báo cáo mới đây, FTSE Russell cũng nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam cần phải duy trì tốc độ nếu muốn cán đích mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán năm 2025.

Tin bài liên quan