Sửa Luật Các tổ chức tín dụng, thúc đẩy xử lý tổ chức tín dụng yếu kém

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 6 chính sách, khắc phục những bất cập hiện hành trong lĩnh vực này.
Sửa Luật Các tổ chức tín dụng, thúc đẩy xử lý tổ chức tín dụng yếu kém

Tiếp tục phiên họp thứ 21, sáng 17/3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bổ sung hai dự luật, trong đó có dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (Chương trình).

Trình bày tờ trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thông tin, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 6 chính sách.

Một, hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Hai, hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân.

Ba, hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bốn, hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Năm là quy định về xử lý nợ xấu và sáu là quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Uỷ ban này nhận thấy, đây là dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến phạm vi lĩnh vực phụ trách của Bộ Tài chính (như chính sách thứ sáu về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu) nhưng trong Hồ sơ còn thiếu văn bản tham gia ý kiến của Bộ Tài chính. Đồng thời, ý kiến tham gia của Bộ Ngoại giao chưa thể hiện rõ nội dung đánh giá về sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên như quy định.

Liên quan đến những chính sách cụ thể, với chính sách thứ nhất, báo cáo thẩm tra nêu rõ, việc sửa đổi quy định về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu của cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn là hết sức cần thiết, đặc biệt nhằm khắc phục tình trạng thao túng, lạm dụng quyền của cổ đông lớn hoặc tình trạng “sân sau” của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, làm rõ nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống do quy định pháp luật bất cập hay do tổ chức thực hiện, từ đó có các đề xuất phù hợp (ví dụ, nếu chỉ giảm tỷ lệ sở hữu thì có giải quyết được triệt để tình trạng sở hữu chéo đang ngày càng tinh vi hay không ).

Về chính sách thứ tư, cơ quan thẩm tra đề nghị đề nghị đánh giá rõ các vướng mắc và nguyên nhân của tình trạng xử lý các ngân hàng mua bắt buộc rất chậm trong thời gian qua để đề xuất phù hợp, bảo đảm hiệu quả, khả thi; đánh giá tổng thể hiệu quả của việc huy động các nguồn lực tham gia vào cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (như các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ, Bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã...).

Ngoài ra, việc đề xuất quy định về cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm cần phải được cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng cả về quy mô, mức độ, rủi ro, trách nhiệm liên quan để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng cũng như đối với nền kinh tế, cơ quan thẩm tra lưu ý.

Về chính sách thứ năm và thứ sáu, Thường trực Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Kinh tế tán thành việc bổ sung các quy định về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo hướng luật hóa một số quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm có hiệu quả, phù hợp tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Việc này nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho công tác xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, bảo đảm sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, một số chính sách của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã phát huy tác dụng tích cực như thu giữ tài sản bảo đảm, mua bán các khoản nợ xấu... nhưng cũng còn những vướng mắc, bất cập từ quy định của Nghị quyết và nhất là trong quá trình tổ chức thực thi.

Ngoài ra, các nội dung dự kiến đưa vào dự thảo Luật có liên quan đến quy định của nhiều luật khác (Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Nhà ở, Luật Quản lý thuế...) và trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành, cơ quan liên quan (Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp xã...). Do vậy, đề nghị rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cũng như trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan; việc luật hóa phải bảo đảm không hợp thức hóa các hành vi trái pháp luật.

Đối với một số quy định cụ thể như quyền thu giữ tài sản bảo đảm; tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm... cơ quan thẩm tra cho rằng cần tiếp tục rà soát các vướng mắc trong thực tiễn, làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan để bảo đảm hiệu quả, khả thi khi cụ thể hóa trong Luật.

Ngoài ra, Thường trực Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị quan tâm rà soát trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng nhà nước và các cơ quan liên quan, nhất là trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; vấn đề công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của các ngân hàng… bảo đảm sự đồng bộ trong công tác quản lý và tính toàn diện của dự thảo Luật.

Thường trực Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật này vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6, ông Tùng cho biết.

Tin bài liên quan