Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu tại hội trường.
Tiếp tục Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế (BHYT).
Dự án luật này đã được các vị đại biểu thảo luận tại tổ ngày 24/10.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nói, nhiều ý kiến thảo luận tại tổ và dư luận ủng hộ việc thiết lập cơ chế có tính đột phá để người dân, nhất là người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh sử dụng kỹ thuật cao có thể đến bất cứ cơ sở khám, chữa bệnh nào theo nguyện vọng mà không cần làm thủ tục xin giấy chuyển viện.
"Đây là trăn trở lớn nhất của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các lãnh đạo Chính phủ", bà Thanh nhấn mạnh và cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật đã phối hợp để thiết kế quy định này tại dự thảo luật.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, đây là những vấn đề rất cấp bách vì lợi ích tốt nhất cho nhân dân cần có quyết tâm cao và sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống y tế, để chính sách đột phá có tính khả thi.
Bên cạnh đó, cũng còn có ý kiến lo ngại điều này sẽ tạo ra áp lực quá tải dồn về bệnh viện tuyến trên, làm hạn chế hoạt động của y tế cơ sở, bà Thanh nêu.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Phó trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, đây là điểm rất mới và rất phù hợp nguyện vọng người dân, nguyện vọng cử tri và cũng là khắc phục bất cập của thực tiễn khi thực hiện luật BHYT trước đây.
"Hiện nay đã phân cấp khám, chữa bệnh. Cấp khám chữa bệnh chuyên sâu sẽ điều trị những bệnh thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, trong đó có những bệnh hiếm và hiểm nghèo. Tôi cho rằng nội dung này rất phù hợp, đại biểu tán thành, đồng thời người dân cũng rất hưởng ứng và rất cần cơ quan soạn thảo quy định cụ thể danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo", bà Hà trao đổi.
Song, theo đại biểu Trần Khánh Thu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình thì quy định này cần "hết sức thận trọng" trong bối cảnh bội chi Quỹ khám chữa bệnh BHYT ngày càng tăng trong thời gian gần đây.
Bởi vì, về bản chất, chính sách này là một hình thức thông tuyến đang áp dụng hiện tại nhưng mở rộng hơn lên đến tuyến Trung ương đối với cả ngoại trú, nội trú với một số bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo và bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao.
Vị đại biểu Thái Bình nói, mô hình khám chữa bệnh BHYT với 3 cấp chuyên môn như hiện nay đóng vai trò rất quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ thống y tế. Các nước phát triển trên thế giới cũng đang triển khai trên mô hình này.
Theo đó, người bệnh sẽ đến khám trước tiên tại các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hoặc bác sĩ gia đình để được phát hiện, đánh giá sơ bộ về sức khỏe, từ đó tùy theo mức độ bệnh, loại bệnh, nếu vượt quá khả năng thì bệnh nhân sẽ được chuyển đến tuyến trên. Chỉ trường hợp cấp cứu có thể đến bệnh viện gần nhất mà không phân biệt tuyến.
Y tế cơ sở là nền tảng của y tế Việt Nam. Để chăm sóc ban đầu hiệu quả, được củng cố thì cách tiếp cận các cấp chăm sóc khác nhau được sắp xếp thông qua chuyển tuyến. Do đó, nếu quy định như dự thảo thì người bệnh sẽ chọn lên bệnh viện tuyến trên, gây nên tình trạng quá tải tuyến trên và sẽ trầm trọng hơn hiện nay. Người bệnh đi khám ở tuyến trên sẽ tăng thời gian chờ đợi, tăng chi trả tiền túi do phát sinh chi phí khác.
Ở tuyến dưới, các cơ sở khám chữa bệnh ở các tuyến đều không thể dự báo được nhu cầu khám chữa bệnh, nguy cơ gây tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế và thiết bị đảm bảo cho người bệnh và chắc chắn sẽ gia tăng chi phí khám chữa bệnh từ Quỹ khám chữa bệnh BHYT.
"Cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến khám chữa bệnh ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến nghe có vẻ hỗ trợ cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn nhưng có thể sẽ giảm cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên khám chữa bệnh tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến giảm hiệu suất, thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế", đại biểu Trần Thị Khánh Thu phân tích.
Bà Thu cũng nêu số liệu thống kê cho thấy, xu hướng người bệnh dịch chuyển sang tuyến huyện và tỉnh ngay từ năm đầu tiên thực hiện “thông tuyến” (năm 2016 thông tuyến huyện; tỷ lệ lượt khám chữa bệnh tuyến huyện từ 43,3% ở năm 2015 đã tăng lên trên 60% vào năm 2023. Trong khi đó, tuyến xã giảm từ 27,6% năm 2015 xuống còn khoảng 13,7% năm 2023 và năm 2021 thông tuyến tỉnh đối với dịch vụ khám chữa bệnh nội trú, tỷ lệ lượt khám chữa bệnh thông tuyến nội trú tại tuyến tỉnh đã tăng từ 30,5% năm 2021 lên trên 40% năm 2023...).
Từ đó, đại biểu cho rằng, nếu quy định như dự thảo luật, hệ thống y tế cơ sở sẽ dần bị suy yếu, thậm chí sẽ đứt gãy và các mục tiêu của Trung ương về y tế cơ sở có nguy cơ không đạt được; gây lãng phí nguồn lực và công sức đã đầu tư cho y tế cơ sở trong suốt thời gian qua.
Vẫn theo đại biểu Thu thì nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi khám chữa bệnh BHYT là những khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo. Bên cạnh đó, danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên trong khi điều trị cùng một bệnh.
Còn về bản chất, quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý khám chữa bệnh cho người dân. Giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị…. giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện.
Từ các phân tích trên, đại biểu Thu đề nghị giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT hiện nay, và tăng mức hưởng điều trị nội trú ở các tuyến chuyên sâu.
Với các bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo, đại biểu Trần Thị Khánh Thu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục định nghĩa bệnh hiếm và bệnh hiểm nghèo được sử dụng giấy chuyển tuyến 1 lần dùng trọn quá trình điều trị chứ không phải có thời hạn trong 1 năm tài chính như hiện nay.