Sửa Luật bảo hiểm, vẫn nóng chuyện hợp đồng bảo hiểm quá dài

Sửa Luật bảo hiểm, vẫn nóng chuyện hợp đồng bảo hiểm quá dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều 28/9, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể thứ hai, thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Nhiều ý kiến tập trung bàn thảo về hợp đồng bảo hiểm, đề xuất cần tạo ra một hợp đồng bảo hiểm ngắn gọn, dễ hiểu, gần dân.

Theo chuyên gia Đỗ Văn Sinh, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế: "Cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát hợp đồng mẫu để đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ đang có hơn 10 triệu người tham gia trong khi hợp đồng hiện quá dài, có khi đến hơn trăm trang, không rõ người mua có đủ thời gian đọc để hiểu không".

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI gợi mở, trong trường hợp hợp đồng dài thì cần đưa ra quy định sao cho dân đọc là hiểu.

"Chẳng hạn, giấy yêu cầu bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, hồ sơ hướng dẫn giải quyết chi trả bảo hiểm khi xảy ra tổn thất được thông báo như thế nào, cần những giấy tờ gì, và nếu không chi trả thì doanh nghiệp phải từ chối như thế nào... vào ngay trong luật", ông Lộc nói.

Đánh giá Luật kinh doanh bảo hiểm là một bộ luật đồ sộ, khó, phức tạp, chuyên sâu, được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, các đại biểu cũng bày tỏ quan ngại về tính phức tạp của hợp đồng bảo hiểm, và mong muốn tạo ra một hợp đồng bảo hiểm phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp với người được bảo hiểm, tránh thua thiệt cho người được bảo hiểm.

Theo đó, cần có quy định về hợp đồng khung, hợp đồng mẫu và cơ chế giám sát hợp đồng bảo hiểm của cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm quyền cho người được bảo hiểm.

Trước đó, tại Báo cáo số 340/BC- CP tiếp thu, giải trình chi tiết ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hôm 24/9, Chính phủ đã giải trình một số điều khoản của dự thảo Luật, trong đó có nội dung về hợp đồng bảo hiểm (Chương II).

Về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm (Điều 13), theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nguyên tắc hợp đồng là nguyên tắc đã thỏa thuận tự nguyện theo quan điểm của Bộ luật Dân sự và cả thế giới cũng "tự nguyện, bình đẳng, công khai, minh bạch". Do đó, nội dung nào không tự nguyện bình đẳng, không công khai minh bạch mà mang tính áp đặt sẽ phải đưa sang phần quản lý nhà nước, không thể gắn vào hợp đồng.

Trước quan điểm trên, Chính phủ cũng đã đưa ra ý kiến giữ nguyên dự thảo. Cụ thể, theo quy định tại Điều 13 dự thảo Luật, việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, đó là các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, Hợp đồng bảo hiểm là loại hợp đồng song vụ, phát sinh quan hệ nghĩa vụ giữa các bên tham gia hợp đồng. Trong nội dung của loại hợp đồng này, quyền dân sự của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.

Theo quy định tại Điều 274 Bộ luật Dân sự 2015, việc thực hiện nghĩa vụ là vì lợi ích của bên có quyền. Do đó, trong hợp đồng song vụ, việc thực hiện nghĩa vụ của bên này sẽ vì lợi ích của bên kia và ngược lại. Vì vậy, việc quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm tại phần hợp đồng không trái với nguyên tắc của Bộ luật Dân sự.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đánh giá cao sự chủ động, kịp thời tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 vừa qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhìn nhận, đây là dự án luật đồ sộ, có phạm vi tác động lớn, liên quan đến an sinh xã hội, phòng chống rủi ro và nhận được sự quan tâm của người dân và các đại biểu Quốc hội.

Ông Hải cũng nêu rõ quan điểm cần quán triệt khi xây dựng luật để phát triển thị trường bảo hiểm, tạo nguồn vốn cho phát triển, chia sẻ rủi ro, bảo đảm an toàn an sinh xã hội; tạo đột phá cho doanh nghiệp bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, vừa huy động vốn vào thị trường, vừa an dân.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ một số nội dung mà đại biểu nêu ý kiến và cho biết, sẽ nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo.

Liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, ông Phớc cho biết, Dự thảo đã quy định chi tiết nội dung hợp đồng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra chính thức để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ hai, khai mạc ngày 20/10 tới, dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2023.

Tin bài liên quan