Cần làm rõ khái niệm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Cần làm rõ khái niệm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp

Sửa Luật 69, tại sao quản lý đến F2 mà không phải Fn?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cần hiểu và phân định như thế nào về vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp để từ đó có cách thức quản lý và giám sát hợp lý? Đây là nội dung được quan tâm tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính đưa ra và lấy ý kiến.

Tranh cãi lớn

Theo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), đối tượng áp dụng của Luật đã mở rộng so với Luật số 69/2014/QH13, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (gọi tắt là doanh nghiệp cấp 1, nhà nước đầu tư 100% vốn) và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (gọi tắt là doanh nghiệp cấp 2) không phân biệt tỷ lệ vốn góp của nhà nước, tỷ lệ vốn góp của doanh nghiệp cấp 1.

Quy định trên dựa trên quan điểm của cơ quan soạn thảo: đã là vốn nhà nước thì 1 đồng vốn cũng phải quản lý, giám sát. Nhà nước quản lý theo dòng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Quan điểm của cơ quan soạn thảo: đã là vốn nhà nước thì 1 đồng vốn cũng phải quản lý, giám sát; nhà nước quản lý theo dòng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề này đang gây tranh cãi lớn. Theo ông Lê Anh Xuân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Ngân hàng Nhà nước, cần làm rõ khái niệm vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Vốn nhà nước khi đã đầu tư vào doanh nghiệp trở thành vốn của doanh nghiệp, nhà nước nên quản lý doanh nghiệp F1, không nên mở rộng ra các doanh nghiệp khác. Nếu xác định quản lý cả doanh nghiệp F2 thì tại sao không mở rộng đến doanh nghiệp Fn? Thực tế, các doanh nghiệp mà vốn nhà nước đầu tư dưới 65%, tỷ lệ càng thấp thì sự chi phối càng không rõ ràng. Trường hợp nhà nước “ôm” tất cả những doanh nghiệp này, việc quản lý sẽ rất khó, cũng như không có đủ nguồn lực để quản lý.

Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đưa ra 2 phương án. Phương án 1, chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp F1, với lý do kế thừa quan điểm quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và phù hợp với định hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đại diện vốn tại doanh nghiệp. Phương án 2, chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp F1 và doanh nghiệp F2 là doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% của doanh nghiệp F1. Bởi nếu xét theo dòng vốn đầu tư thì dòng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp F2 có vốn 100% của doanh nghiệp F1 cần được quản lý, giám sát và kiểm tra; tránh việc quản lý dòng vốn không lớn tại doanh nghiệp F2 (ví dụ, vốn nhà nước đầu tư chiếm 51% tại doanh nghiệp F1 và F1 chiếm 51% vốn của F2, lúc đó vốn nhà nước tại F2 tính theo tỷ lệ chỉ là 26%).

Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, đại diện Petrolimex cho rằng, cần quản lý doanh nghiệp theo loại hình doanh nghiệp. Cụ thể, khi phân loại doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, Bộ Tài chính nêu nguyên tắc: “Nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp, nhà nước là chủ sở hữu phần vốn đầu tư tại doanh nghiệp (quản lý dòng vốn đầu tư), không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp”.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, pháp nhân doanh nghiệp sẽ được tổ chức và hoạt động theo hình thức công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần… Theo đó, mỗi hình thức doanh nghiệp có quy định cụ thể về trình tự, quyền của chủ sở hữu đối với tài sản/vốn của doanh nghiệp.

Đối với công ty cổ phần có vốn chi phối của nhà nước, ngoài các quy định chung đối với doanh nghiệp nhà nước, quy định tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) còn bị chi phối bởi Luật Chứng khoán và các luật có liên quan, trong đó có quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập và hoạt động theo điều lệ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này phải thực hiện bầu các chức danh quan trọng trong đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị, mà không quyết định bổ nhiệm.

Petrolimex đề xuất, quản lý dòng vốn đầu tư theo từng loại hình doanh nghiệp để rõ ràng hơn trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan đại diện (khi nào quyết định, khi nào giới thiệu, đề cử…), người đại diện vốn với trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo doanh nghiệp (chủ tịch, tổng giám đốc…).

Can thiệp sâu vào công tác nhân sự

Có ý kiến cho rằng, vốn nhà nước khi đã đầu tư vào doanh nghiệp trở thành vốn của doanh nghiệp, nhà nước nên quản lý doanh nghiệp F1, không nên mở rộng ra các doanh nghiệp khác (do F1 đầu tư).

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) được nhận định có các quy định quá chặt chẽ và can thiệp sâu vào công tác nhân sự tại các doanh nghiệp thuộc diện quản lý.

Chẳng hạn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định hoặc có ý kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thuê, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng thuê, khen thưởng, kỷ luật các chức danh tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý như chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên, trưởng kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp trên 50% vốn điều lệ.

Cử, giới thiệu để người đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước biểu quyết nhân sự giữ chức danh chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, trưởng ban kiểm soát, kiểm soát viên, trưởng kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp từ 50% vốn điều lệ trở xuống theo điều lệ công ty.

Về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, cần điều chỉnh quy định theo hướng tách bạch thẩm quyền về công tác nhân sự đối với từng loại hình doanh nghiệp, không yêu cầu doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác đề cử người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước có sự tham gia đầu tư vốn của các tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà nước, việc quy định thẩm quyền nên theo hướng chỉ cần có vốn nhà nước thì quy trình nhân sự tại doanh nghiệp sẽ thay đổi so với Luật Doanh nghiệp.

Về yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đề cử người đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước gửi doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, đại diện EVN nhận xét, quy định như vậy là chưa hợp lý, chưa đảm bảo công bằng cho các cổ đông, thành viên góp vốn khác.

Ngoài ra, việc giao trách nhiệm cho người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh hằng năm, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư có thể xem xét đồng thời với việc giao quyền chủ động trong việc quyết định các nội dung có liên quan đến công tác nhân sự.

Tin bài liên quan