Bộ Tài chính đã tiếp thu các ý kiến góp ý bỏ đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác

Bộ Tài chính đã tiếp thu các ý kiến góp ý bỏ đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác

Sửa Luật 69: Cần hướng đến thúc đẩy động lực kinh tế nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo thẩm định dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Bộ Tư pháp gửi Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ ngày 25/8/2024 đã chỉ ra nhiều điểm cần cải thiện.

Tiếp thu ý kiến về doanh nghiệp F2

Trong bản dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (thay thế Luật số 69/2014/QH13) mới nhất trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã tiếp thu các ý kiến góp ý bỏ đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác (doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, với tỷ lệ không chi phối - PV). Cụ thể, dự thảo quy định rõ, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác có vốn đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp.

Trên thực tế, Luật số 69 được ban hành từ năm 2014 đã góp phần tạo môi trường pháp lý cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Cơ quan thẩm định cũng đánh giá, nhiều quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) là phù hợp, không gây khó khăn, vướng mắc như đối tượng áp dụng, bố cục, chủ trương tách bạch giữa quản lý vốn với quản lý nhà nước, phân cấp trong đầu tư... có thể được cơ quan chủ trì soạn thảo kế thừa, phát huy.

Theo Cơ quan thẩm định, Dự luật cần những quy định được đánh giá tác động kỹ lưỡng, hợp lý, phù hợp với doanh nghiệp.

Ví dụ, Luật 69 quy định, hội đồng thành viên doanh nghiệp nhà nước được quyết định dự án đầu tư không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công (tương ứng là 2.300 tỷ đồng), nhưng dự thảo sửa thành “quyết định dự án đầu tư không quá 1.000 tỷ đồng”.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định rất nhiều nội dung phê duyệt của cấp có thẩm quyền, của cơ quan đại diện chủ sở hữu (nhiều hơn so với quy định tại Luật số 69), làm tăng nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và có thể kéo dài thời gian thực hiện các hoạt động, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Dự thảo còn bổ sung quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu xin ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp đối với các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, nhưng không nêu rõ nội dung xin ý kiến và giá trị pháp lý của ý kiến tham gia của cơ quan tài chính cùng cấp (mang tính bắt buộc hay tham khảo).

Thêm quy định về quản trị doanh nghiệp

Dự Luật được kỳ vọng xây dựng và ban hành trên nguyên tắc kế thừa các quy định còn phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả tích cực, tháo gỡ và điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với thực tiễn ở Luật số 69 hiện hành.

Dự án Luật có thêm 1 chương mới, quy định riêng về quản trị doanh nghiệp, với nhiều hạn chế hơn áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước không phân biệt tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ, thay cho quy định tại Luật Doanh nghiệp là chỉ áp dụng cho doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Các quy định về báo cáo công bố và công khai thông tin cũng được dự luật mở rộng, áp dụng đối với tất cả doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước, không phân biệt tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ.

Tuy nhiên, dự án Luật có một số quy định hạn chế hơn so với Luật Doanh nghiệp như khoản 7 Điều 44 quy định: “Trừ chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, thành viên khác của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị có thể kiêm giám đốc, tổng giám đốc công ty đó hoặc công ty khác không phải là công ty con theo quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn”. Trong khi đó, theo Luật Doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng thành viên có thể kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên khác của hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty có thể kiêm giám đốc hoặc tổng giám đốc, trừ trường hợp pháp luật, điều lệ công ty có quy định khác.

Theo Bộ Tư pháp, nội dung trong dự thảo Luật cần đảm bảo yêu cầu “kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn nhà nước” đã được nêu trong quan điểm xây dựng luật.

Đồng thời, cơ quan này cũng nhắc lại quan điểm xây dựng luật là “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, nhà nước không thực hiện quản lý pháp nhân doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp”. Việc không thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp có thể tạo ra sự phân biệt đối xử không bình đẳng giữa doanh nghiệp có vốn nhà nước với doanh nghiệp khác.

Bộ Tư pháp đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục đầu tư nguồn lực, thời gian, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, doanh nghiệp có liên quan, chuyên gia, người làm thực tiễn hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đảm bảo đúng và đầy đủ nội dung nêu trong báo cáo thẩm định, sau đó trình Chính phủ xem xét quyết định.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã lấy ý kiến góp ý chính thức, tổ chức nhiều buổi làm việc, hội thảo với các cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, đã phân tích, tổng hợp các khó khăn vướng mắc từ thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp và thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu của các cơ quan thời gian qua. Nhiều nội dung quan trọng của dự thảo Luật như nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp trong quản lý và đầu tư vốn gắn với các chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về doanh nghiệp nhà nước; phân tích đánh giá, góp ý quy định tại các điều khoản dự thảo Luật gắn với mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho đại diện chủ sở hữu nhà nước và phân cấp mạnh hơn nữa cho doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động quản lý, điều hành của doanh nghiệp đã được thảo luận sâu.

Tại các cuộc hội thảo, đóng góp ý kiến, đại biểu tham dự đều bày tỏ kỳ vọng dự Luật được xây dựng và ban hành trên nguyên tắc kế thừa các quy định còn phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả tích cực, tháo gỡ và điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với thực tiễn ở Luật số 69 hiện hành. Từ đó, góp phần “cởi trói” cho doanh nghiệp nhà nước, tạo không gian rộng hơn để phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, để doanh nghiệp nhà nước thực sự đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong nền kinh tế.

Tin bài liên quan