Có nhiều vướng mắc phát sinh trong thực tế hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Có nhiều vướng mắc phát sinh trong thực tế hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Sửa Luật 69: Cần "đủ chín, đủ rõ"!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi Luật 69/2014/QH13) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tuần qua vẫn có nhiều điểm gây băn khoăn.

Doanh nghiệp nhà nước sẽ “không làm được gì”

Điều 25 dự thảo Luật quy định, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp phải đáp ứng mục tiêu, yêu cầu bảo toàn, phát triển và hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo phù hợp với chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật đầu tư công được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền của pháp luật đầu tư hoặc pháp luật đầu tư công. Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo quy định về pháp luật đầu tư, pháp luật xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, doanh nghiệp nhà nước sẽ “không làm được gì” với các quy định này.

Theo ông Định, doanh nghiệp tư nhân làm dự án có hiệu quả vì họ tiết kiệm được thời gian, đơn giản thủ tục, giảm được chi phí nhờ “xin chỗ nọ, chỗ kia”. Nhưng doanh nghiệp nhà nước thì ngược lại, vì họ phải trình, xin nhiều cấp quản lý. Chẳng hạn, doanh nghiệp phải trình, xin ý kiến từ chiến lược, phương hướng đến kế hoạch và chịu trách nhiệm toàn diện để không làm mất vốn nhà nước. Quy định nhiều tầng nấc, thủ tục như vậy, nhưng các bên liên quan vẫn chưa rõ họ phải làm gì.

Trong văn bản đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, một trong những bất cập của pháp luật hiện hành (Điều 24, 42 và 44 Luật số 69/2014/QH13) về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định với giá trị vượt quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án, hoặc vượt quá mức vốn của dự án nhóm B thì chưa làm rõ nội hàm “phê duyệt” của cơ quan đại diện chủ sở hữu là phê duyệt gì (phê duyệt chủ trương đầu tư hay phê duyệt quyết định đầu tư) và trình tự thực hiện trước hay sau quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền.

Ủy ban đề nghị, Ban soạn thảo xem xét làm rõ quy định về các nội dung cơ quan đại diện chủ sở hữu “phê duyệt” hoặc quyết định là những nội dung gì và thời điểm phê duyệt để khắc phục những bất cập trong thời gian qua.

Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp còn bị siết chặt hơn khi Ban soạn thảo luật hóa một số quy định tại khoản 2 Điều 27 dự thảo Luật về việc doanh nghiệp không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản; không được đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ doanh nghiệp có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.

Vấn đề đặt ra là hiện có những doanh nghiệp theo quy định hiện hành không bị hạn chế những nội dung nêu trên, chẳng hạn PVN, Petrolimex. Khi đã luật hóa như vậy, những doanh nghiệp này sẽ xử trí ra sao với các khoản đầu tư hiện hữu? Doanh nghiệp cho rằng, không nên luật hóa mà nên quy định ở nghị định (nếu cần).

Quy định tại điểm b khoản 14 Điều 12 dự thảo Luật cũng khiến các doanh nghiệp lúng túng: “Cho thuê, khai thác văn phòng, trụ sở làm việc của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư quy định tại Luật này”.

Hiện có nhiều doanh nghiệp khai thác cho thuê trụ sở do không sử dụng hết. Vậy doanh nghiệp có phải thực hiện các thủ tục để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư “hồi tố” hay không?

Liên quan đến đầu tư ra nước ngoài, khoản 1 Điều 59 Luật Đầu tư quy định, việc quyết định đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. Luật 69/2024/QH13 có một điều riêng quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp (Điều 29). Vậy nhưng, dự thảo Luật chỉ quy định chung tại Điều 26 rằng, doanh nghiệp thực hiện đầu tư trong nước và đầu tư ra nước ngoài dưới các hình thức: đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp; đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; đầu tư thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh; đầu tư vốn thông qua dự án đầu tư. Dự luật không phân biệt giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp đã và đang đầu tư lớn ra nước ngoài như PVN, VNPT đề nghị, pháp luật cần có quy định cụ thể về nội dung đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp để đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn, đặc biệt việc đầu tư ra nước ngoài còn liên quan đến an ninh tiền tệ, quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Một vấn đề khác khiến lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tỏ ra e ngại là nguồn vốn để đầu tư sẽ bị co hẹp khi Điều 15 dự thảo Luật quy định, số dư Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp khi doanh nghiệp không có nhu cầu, chưa có kế hoạch sử dụng được nộp về ngân sách nhà nước, điều chuyển giữa các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (đối với các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của nhà nước).

Trong khi đó, theo quy định hiện hành (pháp luật về doanh nghiệp, quy định về chế độ kế toán doanh nghiệp), Quỹ đầu tư phát triển được trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế… Đây là nguồn để thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển của doanh nghiệp, được để lại phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, việc điều chuyển Quỹ đầu tư phát triển có thể dẫn đến can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến động lực phát triển và tăng trưởng của các doanh nghiệp, không phù hợp với tính chất độc lập, tự chủ của các doanh nghiệp. Mặt khác, việc xác định thế nào là “doanh nghiệp không có nhu cầu, chưa có kế hoạch sử dụng” là không rõ ràng, vì Quỹ đầu tư phát triển là để sử dụng lâu dài, có thể doanh nghiệp chưa sử dụng ngay trong năm tài chính. Vì vậy, doanh nghiệp đề nghị xem xét lại nội dung này.

Không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng

Việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 phải đảm bảo nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạn chế cơ chế “xin - cho”, xử lý triệt để những vướng mắc hiện nay liên quan đến đầu tư vốn tại doanh nghiệp…

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một luật khó, có nhiều nội dung mới, vấn đề phức tạp nên cần phân tích sâu, nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc sửa đổi Luật 69/2014/QH13 phải đáp ứng được yêu cầu mà các Nghị quyết của Đảng, cơ quan Trung ương đề ra...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật phải có sự nghiên cứu, phân tích rõ những vấn đề còn đang có nhiều vướng mắc. Việc sửa đổi Luật 69/2014/QH13 phải “đủ chín, đủ rõ” thì mới sửa, để Luật sửa đổi phải tốt hơn Luật cũ. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước phải đảm bảo đúng Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các Nghị quyết, Chỉ thị khác.

Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật 69/2014/QH13 phải làm rõ nhiệm vụ nào do Quốc hội quy định, trách nhiệm nào do Chính phủ thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền của các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp; tính đồng bộ, thống nhất của dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các luật liên quan khác.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần rà soát lại toàn bộ dự án Luật, đảm bảo thực hiện đúng theo nội dung Nghị quyết số 12-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Việc sửa đổi Luật cũng phải đảm bảo giảm chi phí cho doanh nghiệp, hạn chế cơ chế xin - cho; đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, dự án Luật phải xử lý triệt để những vướng mắc hiện nay liên quan đến đầu tư vốn tại doanh nghiệp.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đây là một luật hết sức quan trọng, có nhiều nội dung khó, mới và phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng dự án Luật, đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Trường hợp không kịp tiếp thu giải trình, Chính phủ đề xuất thời điểm báo cáo Quốc hội phù hợp, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng của Luật.

Tin bài liên quan