Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Đầu tư trái phiếu hay cổ phiếu là đầu tư vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp. Những vi phạm trong thời gian qua tôi gọi là hồi chuông cảnh tỉnh cho thị trường nói chung, qua đó phát hiện khiếm khuyết thị trường nằm ở đâu. Phải chăng, công cụ giám sát của chúng ta không còn phù hợp?
Chúng ta nói nhiều về việc phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ. Điều kiện chúng ta đưa ra rất đúng thời điểm, mà như tôi thường gọi là nhà đầu tư chuyên nghiệp qua một đêm.
Tôi nghiên cứu luật chứng khoán ở Mỹ, họ quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có tài sản hàng trăm nghìn USD liên tiếp trong 2 năm trước đó sau khi trừ đi giá trị ngôi nhà đang ở (là tài sản thừa kế), đồng thời đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, năng lực...
Các quy định của chúng ta dễ vượt qua về mặt hình thức, trong khi không giúp nâng chất lượng nhà đầu tư đó.
Luật cho phép công ty chứng khoán xác nhận tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp, trong khi công ty chứng khoán là người mua, người bán trái phiếu sơ cấp, sau đó bán trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân.
Họ lại trực tiếp xác nhận điều kiện để nhà đầu tư cá nhân được mua trái phiếu, điều này dường như có xung đột lợi ích. Họ có thể cùng nhau hợp tác để vượt qua rào cản. Nếu một bên thứ ba độc lập xác nhận tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp thì sẽ hạn chế được rủi ro.
Việc quyết định đầu tư là của nhà đầu tư, mọi hoạt động khác chỉ mang tính tư vấn và tham khảo, vì thế, cần nâng cao chất lượng phía cầu. Một mặt, rà soát các quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp, mặt khác cần thúc đẩy tạo lập nhà đầu tư chuyên nghiệp là các quỹ, các nhà đầu tư cá nhân có thể mua trái phiếu qua quỹ.
Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp phát hành xếp hạng tín nhiệm, cách tốt hơn là yêu cầu công khai hóa, minh bạch hóa, nâng cao chất lượng thông tin. Điều này tốt cho nhiều phía, là công cụ giám sát, thị trường có thông tin, nhà đầu tư có cơ hội tốt hơn để phân tích, đánh giá, lựa chọn.
Đồng thời, đưa trái phiếu lên sàn giao dịch tập trung, đây là cách thức tốt giúp nâng tính chuyên nghiệp về hoạt động trái phiếu và cơ quan nhà nước qua đó có thể nâng cao công tác quản lý thị trường.
Ông Hoàng Văn Cường, chuyên gia kinh tế
Hiện nay, ở thị trường Việt Nam, 80% nhà đầu tư mua bán chứng khoán là cá nhân, trong khi ở các thị trường phát triển trên thế giới, nhà đầu tư chủ yếu mua qua quỹ, chỉ 20% tự mua bán. Chúng ta là thị trường mới, lại chưa chuyên nghiệp, phần đông giao dịch chịu chi phối bởi yếu tố cảm xúc, tâm lý đám đông rất lớn.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng, nhưng họ có dự án tốt và thực hiện phát hành riêng lẻ. Điều kiện phát hành riêng lẻ không chặt bằng phát hành ra công chúng, nhưng yêu cầu người mua phải chuyên nghiệp để đánh giá được cơ hội và rủi ro.
Tôi cho rằng, yêu cầu nhà đầu tư chuyên nghiệp có giá trị tài khoản ở mức 2 tỷ đồng không phải là thấp. Nếu chúng ta nâng điều kiện này lên thì sẽ gạt bỏ rất nhiều người có nhu cầu đầu tư vào thị trường.
Chỉ có điều, nhà đầu tư chuyên nghiệp đáng ra phải chứng minh được quá trình đầu tư, chứ không phải chỉ qua một đêm là trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp. Những biến động vừa qua sẽ giúp thị trường thanh lọc được hàng hóa không tốt, sàng lọc được các hành vi nhiễu loạn thị trường.
Để thị trường trái phiếu tiếp tục phát triển, pháp luật nên quy trách nhiệm rõ hơn cho các đơn vị trung gian như tư vấn, môi giới trái phiếu, tư vấn sai sẽ phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng.
Tất nhiên, doanh nghiệp phải thể hiện được năng lực phát hành ra công chúng, cam kết với toàn xã hội để người dân yên tâm bỏ tiền ra mua. Sau thời kỳ phát hành riêng lẻ phải trả lãi suất cao, họ có thể phát hành ra công chúng với chi phí hợp lý hơn.
Bà Thái Thị Việt Trinh, Chuyên gia Phân tích, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research)
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 153. Nội dung dự thảo lần thứ 5 này có thể thay đổi nên chúng tôi chưa thể đánh giá các quy định mới sẽ ảnh hưởng đến cục diện của thị trường vốn như thế nào.
Thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vận hành tương đối bình thường trong quý I/2022, với tổng lượng trái phiếu phát hành đạt 56.700 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, sau các động thái có phần cứng rắn từ Chính phủ trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp hiện đang trì hoãn kế hoạch phát hành, nhằm chờ đợi những văn bản quy định rõ ràng hơn.
Trong trường hợp dự thảo sửa đổi lần thứ 5 nêu trên được thông qua, các quy định đáng chú ý như cấm doanh nghiệp phát hành với mục đích góp vốn (ảnh hưởng tới bản chất hoạt động của doanh nghiệp ngành bất động sản) hay yêu cầu nhà đầu tư cá nhân chỉ được giao dịch trái phiếu của các công ty đại chúng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp khó có thể đáp ứng các điều kiện để huy động vốn thông qua kênh này.
Trong khi đó, định hướng của Chính phủ là phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng, nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cũng cần được quan tâm thúc đẩy.
Kênh trái phiếu giúp doanh nghiệp huy động vốn vay trung và dài hạn với khối lượng lớn và có điều kiện, thủ tục đơn giản hơn so với vay vốn ngân hàng.
Đây là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và nhà đầu tư dựa trên bản chất về mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro để có thể đưa ra quyết định đầu tư.
Vấn đề là thị trường này phải đảm bảo yếu tố minh bạch, công khai để nhà đầu tư có thể đánh giá được hết các rủi ro nếu có.
Bên cạnh đó, kế hoạch triển khai sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp cần được nhanh chóng tiến hành nhằm yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin một cách chuẩn hóa và nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận.
Ngoài ra, Chính phủ nên tạo điều kiện để luồng vốn đầu tư chảy vào trái phiếu thông qua các tổ chức trung gian, ví dụ quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp, nhằm hạn chế rủi ro. Phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm cũng là yếu tố cần được quan tâm, dù đây không phải là một điều kiện đủ.