Pactum Dairy Group - một đại gia sản xuất sữa của Australia từ lâu đã muốn tận dụng xu hướng tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc từ sữa đang bùng nổ tại châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á. Là một công ty lớn, nhưng để cung cấp kịp thời các sản phẩm đáp ứng thay đổi thị hiếu nhanh chóng của người tiêu dùng trên các thị trường này, họ phải chọn một công ty bản địa để hợp tác.
Công ty này đã tìm đến IDP để thực hiện tham vọng. Năm 2015, hai bên thông qua một thỏa thuận: Pactum Dairy Group bán cho IDP nguồn sữa tươi 100% từ trang trại Australia, sản xuất tại Australia, nhưng mang thương hiệu Love in Farm của IDP, với khoảng 4 triệu lít sữa tiệt trùng một năm. IDP hợp tác với Pactum Dairy nhằm giúp người tiêu dùng Việt Nam có thêm sự lựa chọn đối với các sản phẩm chất lượng tốt nhất trên thế giới, nhưng với mức giá hợp lý so với các sản phẩm nhập khẩu. Mọi kế hoạch kinh doanh chưa được tiết lộ cụ thể, nhưng dòng sản phẩm này sắp được tung ra thị trường trong thời gian tới.
Thương vụ hợp tác không được công bố ồn ào, song ai cũng ngầm hiểu là bước đi đầu tiên có thể dẫn đến thương vụ thoái vốn khủng trong tương lai của IDP.
IDP là công ty sữa tư nhân có doanh thu trên một ngàn tỷ đồng mỗi năm, nhưng trong năm 2012 và 2013, họ đã gặp những khó khăn lớn về tài chính và thị trường. Để vực dậy thương hiệu tiềm năng này, IDP đã mời ông Trần Bảo Minh về làm Tổng giám đốc và không lâu sau đó, IDP đã lọt vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư tài chính.
Năm 2014, IDP bán 70% cổ phần cho Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund - VOF và Quỹ Daiwa PI Partners (Nhật Bản), với tổng số tiền 45 triệu USD, trong đó VOF rót 36 triệu USD. Gia đình ông Nguyễn Tuấn Khải và Tổng giám đốc Trần Bảo Minh nắm giữ 30% vốn còn lại của IDP.
Thời điểm đó, thương vụ này được cho là sự kết hợp hoàn hảo giữa ba bên. Nếu IDP có tiềm năng về sữa và hiểu về sữa, thì VOF lại giỏi quản trị tài chính và Daiwa có các mối quan hệ với các nhà đầu tư, doanh nghiệp ngành sữa của Nhật Bản.
Bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc điều hành VOF, đồng thời là Chủ tịch HĐQT IDP cho hay, với kinh nghiệm về quản trị tài chính, VOF đang thể hiện hiệu quả đầu tư vào IDP. Về nền tảng doanh nghiệp và hiệu quả kinh doanh, VOF đã vực IDP từ lỗ chuyển sang có lời, lợi nhuận liên tục tăng, dòng tiền từ âm sang dương. Nợ ngân hàng sau khi trừ tiền mặt giảm từ trên 400 tỷ đồng còn dưới 50 tỷ đồng. Hệ thống phân phối ổn định và hiệu quả, thương hiệu Kun và Love in Farm trở nên nổi tiếng và thị phần liên tục tăng.
Trong đó, sữa chua uống Kun từ con số 0% thị phần đầu năm 2014, đến nay đã chiếm khoảng 8,5% thị phần. Thị trường sữa chua uống, bao gồm sữa chua uống tiệt trùng và sữa chua uống thanh trùng như Yakul, Probi… hiện chiếm 15% thị phần và gần 15% thị phần sữa nước.
Riêng sữa chua ăn, bao gồm hai thương hiệu sữa chua ăn Ba Vì và Love in Farm đang chiếm vị trí số 2 trong ngành hàng sữa chua ăn, sau Vinamilk. Năm 2015, doanh thu sữa chua ăn của IDP đạt khoảng 600 tỷ đồng (không bao gồm xuất khẩu), trong khi Sữa Đà Lạt, TH Milk, Nutifood chắc chắn không vượt được mốc 300 tỷ đồng/năm. Năm 2016, IDP đặt mục tiêu tổng doanh thu 120 triệu USD và năm 2017 là 150 triệu USD.
Về giá trị khoản đầu tư mà thị trường đang đánh giá. Bà Loan tiết lộ, có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng ngành sữa hoặc đang có ý định nhảy vào lĩnh vực này đã ngỏ ý quan tâm muốn mua lại cổ phần của VOF với mức định giá gấp 2 lần trở lên so với giá trị 36 triệu USD đầu tư ban đầu (tức khoảng 72 triệu USD). Tuy nhiên, IDP đang có một số kế hoạch đầu tư vào các ngành hàng mới và chưa có ý định thoái vốn trong năm nay.
Trước đó, ông Andy Ho, Chủ tịch Quỹ VOF khẳng định, khoản đầu tư vào IDP là đầu tư chiến lược và dài hạn. Hai đối tác là VOF và Daiwa PI Partners sẽ đi cùng IDP trên 5 năm.