Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA). Ảnh Chí Cường.

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA). Ảnh Chí Cường.

Sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt cần xem xét toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngành đồ uống có cồn, đặc biệt là bia, rượu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi Covid-19 vừa đi qua, kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn và đứng trước áp lực lớn về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đề xuất tăng thuế cao nhất trong lịch sử ngành bia, rượu

Chia sẻ tại Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động " do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/8, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, theo Dự thảo sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mặt hàng rượu, bia, Bộ Tài chính đang cân nhắc 2 phương án tăng thuế liên tục, có thể tăng lên đến 100% vào năm 2030. Đối với nước giải khát có đường, Bộ đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% với những sản phẩm có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

“Đây là đợt tăng thuế cao nhất trong lịch sử ngành bia, rượu, nước giải khát. Hiện chưa thể đánh giá hết tác động lớn của các đề xuất này nhưng có nhiều quan ngại. Bộ Tài chính đang căn cứ vào khuyến nghị của tổ chức y tế thế giới, thực tế đó là khuyến nghị cho các quốc gia có mục tiêu khác nhau, điều kiện kinh tế, văn hoá khác nhau, không cụ thể cho Việt Nam. Bộ Tài chính có đánh giá tác động nhưng thiên về định tính, thiếu về định lượng", bà Vân Anh nhận định.

Về yếu tố định lượng, Phó Chủ tịch VBA cho rằng, thứ nhất, với mỗi lít bia tăng giá tác động đến đối tượng lao động trong chuỗi sinh thái ngành rượu bia chưa có đánh giá. Thứ hai sức khoẻ người tiêu dùng khi tăng thuế ra sao? Có thể sẽ có khoảng cách hàng chính thống và phi chính thống lớn, khi tăng thuế, sản phẩm chính thức tăng người tiêu dùng sẽ dịch chuyển dùng hàng phi chính thức nhiều hơn tạo ra rủi ro tiềm ẩn liên quan đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Bà Chu Thị Vân Anh chia sẻ tại Hội thảo "Sửa thuế để thúc đẩy doanh nghiệp" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/8. Ảnh Chí Cường.

Bà Chu Thị Vân Anh chia sẻ tại Hội thảo "Sửa thuế để thúc đẩy doanh nghiệp" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/8. Ảnh Chí Cường.

VBA thông tin ngành đồ uống có cồn, đặc biệt là bia không chỉ có lịch sử lâu đời mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn cầu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đến các đề xuất thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đang đặt ngành này vào thế khó.

Ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam có đóng góp rất lớn vào nền kinh tế. Theo thống kê, ngành này mang lại khoảng 60.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước, trong đó hơn 40.000 tỷ đồng là từ thuế tiêu thụ đặc biệt. Các nhà máy sản xuất bia và rượu được phân bố trên khắp cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch.

Ngoài ra, việc tiêu thụ bia, rượu và nước giải khát còn tạo ra các giá trị khác như hỗ trợ sức khỏe khi sử dụng chừng mực, đúng cách. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bia có thể giúp giảm căng thẳng, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, trong khi các loại nước giải khát cung cấp vitamin và chất điện giải, giúp cơ thể phục hồi sau hoạt động thể thao.

Tại Việt Nam, bia và các đồ uống có cồn khác không chỉ là sản phẩm mà còn gắn liền với tín ngưỡng, lễ hội, và các sự kiện xã hội.

Trong 30 năm qua, ngành công nghiệp đồ uống nội địa đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là khi Chính phủ có những chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước. Việc phát triển các thương hiệu bia nội địa đã giúp giảm sự phụ thuộc vào bia nhập khẩu, giữ lại giá trị kinh tế cho quốc gia và mở ra cơ hội cho các tập đoàn nước ngoài.

Nhưng vài năm gần đây ngành đồ uống có cồn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước hết, đại dịch Covid-19 đã gây ra những gián đoạn nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng và tiêu thụ, kéo theo đó là sự gia tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất. Tiếp theo đó, xung đột chiến tranh và các biện pháp xử phạt hành chính liên quan đến nồng độ cồn cũng tác động mạnh mẽ đến ngành này.

Bên cạnh đó, hành vi tiêu dùng của người dân cũng đã thay đổi sau đại dịch, khiến cho nhu cầu đối với bia, rượu giảm mạnh.

“Theo ghi nhận của VBA, sản lượng tiêu thụ và sản xuất trong ngành liên tục giảm, đôi khi giảm đến hai con số. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn, mà còn dẫn đến việc tái cấu trúc cơ sở sản xuất và cắt giảm lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách địa phương và quốc gia, cũng như các vấn đề xã hội liên quan đến việc làm”, Phó chủ tịch VBA nói.

Trước những đề xuất tăng thuế đó, Phó chủ tịch VBA cũng bày tỏ quan ngại về những tác động tiêu cực có thể xảy ra. Thứ nhất, doanh nghiệp lo ngại rằng việc tăng thuế đột ngột và liên tục sẽ làm giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến giảm sản lượng và lợi nhuận. Điều này sẽ kéo theo việc cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và ngân sách địa phương.

Thứ hai, việc tăng giá rượu bia do thuế tăng cao có thể dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa sản phẩm hợp pháp và sản phẩm phi chính thức (rượu bia tự sản xuất hoặc nhập lậu). Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả thu ngân sách mà còn gây ra những nguy cơ lớn về sức khỏe khi người dân chuyển sang tiêu dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc và chất lượng kém.

Đối với nước giải khát có đường, các nhà khoa học vẫn đang tranh luận về mối liên hệ giữa nước giải khát có đường và tình trạng thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, việc áp thuế 10% đối với sản phẩm này, theo các nghiên cứu sơ bộ, có thể làm giảm 0,5% GDP tăng trưởng - một con số không nhỏ trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

“Với hai đề xuất của Bộ Tài chính, đứng ở góc độ doanh nghiệp trong ngành, tôi thấy đây là mức thuế đề xuất cao nhất trong lịch sử, điều này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh ngành này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau những khó khăn của đại dịch”, Phó Chủ tịch VBA cho hay.

Cân nhắc kỹ lưỡng cả lộ trình và mức tăng

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành công nghiệp đồ uống có cồn và nước giải khát luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi ngành còn đang đối mặt với nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kiến nghị rằng việc tăng thuế cần được cân nhắc kỹ lưỡng, cả về lộ trình và mức tăng.

VBA đề xuất đối với ngành rượu bia, các doanh nghiệp đề xuất chỉ nên tăng thuế ở mức 5% mỗi năm trong những năm đầu, và sau đó tiếp tục điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, chuyển đổi kinh doanh và tránh những xáo trộn lớn trong ngành.

Đối với nước giải khát có đường, các doanh nghiệp cho rằng chưa nên vội vàng bổ sung sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thay vào đó, cần có những nghiên cứu toàn diện và khoa học hơn để đánh giá tác động của sản phẩm này đến sức khỏe và kinh tế trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”, bà Vân Anh chia sẻ.

Phó chủ tịch VBA nhấn mạnh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa không gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống xã hội.

Ngành công nghiệp đồ uống có cồn và nước giải khát đóng góp quan trọng vào nền kinh tế và đời sống xã hội. Tuy nhiên, những thách thức hiện tại đòi hỏi một cách tiếp cận thận trọng và cân nhắc từ cả phía Chính phủ và doanh nghiệp.

Tin bài liên quan